VNHN - Đây là khẳng định của ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2019 được tổ chức sáng ngày 17/4/2019, tại Hà Nội.
Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia
Chương trình được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức với chủ đề “Chiến lược thương hiệu quốc gia Việt Nam”.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam đã và đang trở thành cầu nối truyền tải những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp tới các cơ quan Chính phủ nhằm đưa ra những giải pháp, kế hoạch, hành động cụ thể để xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Hiện nay chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà đã phát triển phát triển đến mức độ địa phương, ngành hàng và ở cấp quốc gia nhằm phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại , Trưởng ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia cho biết, nội dung của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch, hướng tới xây dụng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trền thị trường trong nước và quốc tế.
Trong giai đoạn hiện nay, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò tầm quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp có số lượng được công nhân có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia tăng đều qua các thời kỳ. Cụ thể, năm 2008 có 30 doanh nghiệp; năm 2010 có 43 doanh nghiệp; năm 2012 có 54 doanh nghiệp; năm 2014 có 63 doanh nghiệp; năm 2016 có 88 doanh nghiệp và đến 2018 đã có 97 doanh nghiệp được công nhận. Năm 2018 cũng ghi nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 235 tỷ USD và xếp thứ 43 trong xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Ông Vũ Bá Phú kỳ vọng rằng Đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo ra một chính sách, cơ chế thống nhất, đồng thuận, nhất quán trên phạm vi cả nước, từ Trung ương đến địa phương, giữa các Bộ, ngành, tổ chức trong xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh quốc gia Việt Nam.
Diễn đàn thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu quan tâm
Diễn đàn cũng là một trong các sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Tuần lễ Thương hiệu Việt Nam 2019, thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức và doanh nghiệp liên quan tới phát triển thương hiệu và xuất nhập khẩu. Đây cũng là cơ hội để các bên cùng nhìn nhận lại thực trạng Thương hiệu quốc gia Việt Nam hiện nay để đưa ra những giải pháp, kế hoạch hành động để xây dựng và phát triển Thương hiệu quốc gia Việt Nam.