18/04/2024 lúc 15:02 (GMT+7)
Breaking News

Cần Thơ: Chủ động nguồn cung, ổn định giá hàng hóa dịp Tết Nguyên đán

UBND TP Cần Thơ vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2022, Tết Nguyên đán năm 2023 trên địa bàn thành phố.

 

Bình ổn giá cả thị trường dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023 - là một trong những nội dung tại Thông báo số 333/TB-VPCP ngày 25/10/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng đầu năm 2022 và định hướng các tháng cuối năm 2022 – (Ảnh: Internet)

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết, các mặt hàng tham gia Chương trình phải đảm bảo ít nhất một trong các nguyên tắc: các mặt hàng thiết yếu, cần đáp ứng số lượng lớn và thường xuyên cho thị trường trên địa bàn thành phố; có tính chất nhạy cảm về giá cả, cung cầu, phải thu mua từ bên ngoài thành phố; các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp lễ, Tết Nguyên đán hoặc cần thiết đáp ứng cho nhân dân khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Thời gian thực hiện Chương trình được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ tháng 10 đến 31-12-2022; giai đoạn 2 từ ngày 1-1 đến 31-3-2023. Chương trình nhận được sự đăng ký tham gia của 16 doanh nghiệp với tổng giá trị dự trữ hàng hóa là hơn 2.236 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 hơn 998 tỉ đồng; giai đoạn 2 hơn 1.237 tỉ đồng.

Các nhóm hàng tham gia Chương trình: nhóm I gồm hàng lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước uống/giải khát, sản phẩm phục vụ nhà bếp, tổng giá trị hàng hóa dự trữ trên 2.235 tỉ đồng; nhóm II là nhóm hàng do doanh nghiệp đề xuất gồm khẩu trang, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh, tổng giá trị hàng hóa dự trữ trên 1.345 tỉ đồng. Hiện nay, do các thay đổi, biến động về nguồn cung nhiên liệu xăng dầu trên thế giới và trong nước, các quy định mới liên quan đến công tác quản lý, điều hành giá các mặt hàng nhiên liệu, thành phố đã làm việc với các doanh nghiệp cung ứng nhiên liệu đầu mối, yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo cung ứng hàng hóa cho các đại lý, cửa hàng trực thuộc hệ thống và thương nhân kinh doanh có hợp đồng mua bán nhiên liệu với doanh nghiệp.

Bộ NNPTNT khẳng định: Nguồn cung thịt lợn dồi dào trong dịp Tết Nguyên đán 2023 – (Ảnh: Internet)

Theo Sở Công Thương thành phố, nhìn chung, sản lượng thu hoạch của gạo, thịt các loại, thủy sản, rau củ quả vừa đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn, vừa cung ứng cho các tỉnh, thành phố khác và phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, các đầu mối doanh nghiệp kinh doanh phân phối trên địa bàn thành phố đồng thời cung ứng nhiều loại gạo nhập khẩu chất lượng cao; thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản nhập khẩu; các loại rau củ quả nhập khẩu. Bên cạnh đó, còn hệ thống thu mua nông sản, thủy hải sản (5.000-7.000 tấn/tháng) và thịt gia súc, gia cầm từ các tỉnh, thành trong cả nước về Cần Thơ, phân phối qua hệ thống các chợ trên địa bàn, hệ thống nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quán ăn.

Hiện các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Central, MM Mega Market, LOTTE Mart, Winmart,… cũng đã chuẩn bị hàng hóa Tết. Theo các đơn vị, nguồn hàng chủ lực tăng ít nhất 20-30% so với Tết 2022. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Co.opmart (thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM - Saigon Co.op), cho biết, Saigon Co.op tăng lượng dự trữ lên 30-50%, tùy nhóm hàng. Khoảng nửa cuối tháng 11-2022, Saigon Co.op sẽ khởi động chương trình Tết. Năm nay, chương trình sẽ có nhiều đổi mới, mang lại nhiều trải nghiệm mua sắm và quyền lợi cho khách hàng./.

Trí Đức - Hoàng Châu