20/12/2024 lúc 15:25 (GMT+7)
Breaking News

Cần thay đổi thói quen xấu khi đi du lịch của người Việt

VNHN - Chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là không ít du khách Việt Nam đang có những hành vi ứng xử thiếu văn minh, lịch sự khi đi du lịch trong và ngoài nước.

VNHN - Chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là không ít du khách Việt Nam đang có những hành vi ứng xử thiếu văn minh, lịch sự khi đi du lịch trong và ngoài nước.

"Mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng"

Ông Trí Dũng (quản lý Ecolodge Mucangchai) cho biết, nhiều du khách mặc dù đã được phổ biến trước giờ check-in, check-out, nhưng vẫn đòi hỏi phải được check-in sớm, check-out muộn. Đối với việc sử dụng vật dụng trong khách sạn, tư tưởng "mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng" còn phổ biến, dùng nước, dùng điều hòa vô tội vạ, có những đòi hỏi và ứng xử rất khó chấp nhận. "Tôi từng chứng kiến một nhóm du khách khi đặt phòng cho 2 người thì đưa thêm trẻ em và người lớn vượt quá công năng sử dụng phòng... Đến khi tính phụ phí thì khách tỏ thái độ khó khăn, phàn nàn, đòi phản ánh trên mạng xã hội, đánh giá thấp trên trang đặt phòng... gây khó khăn cho cơ sở lưu trú", ông Dũng nói.

Một hướng dẫn viên du lịch (HDV) chia sẻ, khách du lịch đôi khi vi phạm nghiêm trọng những luật lệ liên quan đến tôn giáo và văn hóa vùng miền. Ví dụ trường hợp du khách đến thăm một đất nước Hồi giáo. Đất nước này nghiêm cấm sử dụng rượu bia, coi đó là hành vi xúc phạm văn hóa và tôn giáo. Dù nhà hàng và HDV đã liên tục nhắc nhở, đưa ra cảnh báo về việc “cấm sử dụng thức uống có cồn” nhưng du khách vẫn lén lút mang theo rượu trong bữa ăn, ngụy trang bằng cách trút rượu vào các chai nước suối, nước hoa quả, tụ tập thành bàn cụng ly và “hò zô” náo động. Ngoài ra, những hình ảnh khi đi du lịch của người Việt như mặc đồ ngủ ra đường, ăn buffet thừa thãi, giấu đồ ăn vào túi, xả rác bừa bãi, không chịu xếp hàng, trốn vé, trộm cắp vặt, tham gia tour rồi trốn ở lại nước ngoài...đã khiến một số nước đã phải đưa ra chính sách nhằm hạn chế visa khách Việt Nam.

"Đã đến lúc du khách cần phải học cách đi du lịch đúng nghĩa. Và nếu vẫn mang phong cách này đi du lịch nước ngoài, chắc chắn chúng ta sẽ làm mất đi những thiện cảm của bạn bè năm châu. Đừng làm xấu đi hình ảnh người Việt, đặc biệt là khi đi du lịch nước ngoài", ông Trí Dũng nêu quan điểm.

Quy tắc ứng xử văn minh khi đi du lịch.

Làm gì để nâng cao văn hóa ứng xử của du khách

Để du khách Việt Nam có những ứng xử văn minh khi đi du lịch, không gây ra những hệ lụy là một trong những vấn đề đặt ra với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Trước những hành vi chưa đẹp của du khách, Bộ VHTT&DL đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh khi đi du lịch tại Quyết định số 718/QĐ-BVHTT&DL ngày 2/3/2017. Tuy nhiên, vấn đề tổ chức, đẩy mạnh phong trào nâng cao văn hóa ứng xử của người Việt Nam khi đi du lịch chưa được chú trọng, chưa đi vào thực tế. Bà Hoàng Anh, đại diện công ty Vietrantour cho biết, trước mỗi chuyến đi, HDV của công ty luôn phổ biến đầy đủ, rõ ràng các quy tắc, luật lệ cần tuân thủ ở điểm đến để du khách nắm bắt được.

Với những quy định đã có tiền lệ vi phạm, HDV sẽ lưu ý kỹ hơn và liên tục căn dặn khách trong suốt chuyến đi. Tại mỗi điểm du lịch đều có biển chỉ dẫn và cảnh báo, HDV sẽ lưu ý và truyền đạt cho khách, chia sẻ những câu chuyện thú vị về văn hóa, tôn giáo để khách ý thức và điều chỉnh hành vi của mình; giúp khách nhận ra việc tuân thủ luật lệ không chỉ thể hiện sự tôn trọng vùng đất mình đến, mà còn gìn giữ hình ảnh của người Việt Nam, tránh những điều không hay như bị phạt tiền, trục xuất hay giam giữ.

Ảnh minh họa.

Nên chăng, cần có một kênh thông tin bắt buộc, phổ biến cho các đoàn khách, đưa ra các cam kết cho du khách, thậm chí là nghiêm khắc xử phạt, nhằm hạn chế những phát sinh gây khó khăn cho các cơ sở kinh doanh, các công ty lữ hành và những người làm việc trực tiếp trong ngành du lịch.

"Theo tôi, các sở ban ngành cần truyền thông mạnh để bộ quy tắc ứng xử này đi vào thực tế. Các công ty lữ hành khi làm việc với khách cần phổ biến bộ quy tắc này đến từng du khách, có thể là ngay tại thời điểm khách mua sản phẩm tour để khách nắm rõ. Cần thiết phải có bản cam kết cụ thể với từng tour, nếu du khách vi phạm các quy tắc ứng xử thì chịu phạt", ông Trí Dũng nêu quan điểm. Để người Việt Nam đến đâu cũng được chào đón, được tôn trọng, ngành du lịch cần phát động sâu rộng phong trào nâng cao văn hóa ứng xử của du khách. Điều này cũng góp phần không nhỏ để ngành du lịch phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước./