13/01/2025 lúc 05:32 (GMT+7)
Breaking News

Căn nhà “Maypaperflower -  hoa giấy nghệ thuật” trên đất Cố Đô

"Startup nghề truyền thống" là quyết định táo bạo nhưng lại được rất nhiều người trẻ lựa chọn trong thời gian qua, vừa thỏa sức đam mê vừa tìm cho chính mình hạnh phúc riêng. Đừng cố đi tìm câu trả lời tại sao bởi sẽ không có một lý do nào cụ thể được đưa ra đâu, người ta làm vậy đơn giản chỉ vì thích, và vì muốn lưu giữ một nét đẹp văn hoá quê hương.

"Startup nghề truyền thống" là quyết định táo bạo nhưng lại được rất nhiều người trẻ lựa chọn trong thời gian qua, vừa thỏa sức đam mê vừa tìm cho chính mình hạnh phúc riêng. Đừng cố đi tìm câu trả lời tại sao bởi sẽ không có một lý do nào cụ thể được đưa ra đâu, người ta làm vậy đơn giản chỉ vì thích, và vì muốn lưu giữ một nét đẹp văn hoá quê hương.

Thay đổi cách nhìn nghề làm hoa giấy

Phan Ngọc Hiếu (1989), tốt nghiệp ngành Ngoại thương Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng và làm việc trong lĩnh vực ngân hàng là một trong những trường hợp như vậy. Đang thành công rực rỡ trong sự nghiệp với mức thu nhập khá ổn định, Hiếu một bước giao lại tất cả cho người khác và startup thương hiệu của chính mình mang tên Maypaperflower - Hoa giấy nghệ thuật.

Không gian trưng bày các sản phẩm làm từ hoa giấy của Maypaperflower.

Từ nhỏ, cô bé Hiếu là một người rất yêu cỏ cây hoa lá nên mỗi khi đi đâu, làm gì đều sẽ dừng lại “ngắm nghía” khi thấy hoa đẹp. Cả thanh xuân gắn với hoa thơm, không phải nói quá, căn nhà “hoa giấy nghệ thuật” cũng là một trong những nơi còn hiếm hoi lưu giữ cái nghề truyền thống chứa đựng văn hoá Cố Đô.

Mọi chuyện bắt đầu khi cô gái trẻ tìm đến Thanh Tiên, làng hoa giấy nổi tiếng bậc nhất khu vực Thừa Thiên Huế. Thế nhưng với tuổi đời lên đến hơn 300 năm, bắt kịp và hòa nhập với xu thế của xã hội mới vốn luôn là một thách thức với những làng nghề nghệ thuật truyền thống.

Nhu cầu sử dụng hoa giấy giảm mạnh kéo theo thu nhập bấp bênh, thiếu ổn định khiến Thanh Tiên không đủ sức giữ chân người trẻ trong làng. Những người còn ở lại đa phần là nghệ nhân cao tuổi hoặc các nhóm học sinh, sinh viên làm thời vụ kiếm thêm những khi rảnh rỗi.

Quan sát và nhận thấy tiềm năng bên trong những bông hoa giấy chưa được khai thác đúng cách, Hiếu quyết định thử nghiệm kết hợp với nhiều bộ môn nghệ thuật khác với quyết tâm đưa hoa giấy truyền thống hòa nhập được với nhịp sống hiện đại. Và thế là sáng kiến “Tranh – Hoa giấy” đã được tạo ra. Sản phẩm Tranh – Hoa giấy vừa đủ hiện đại để kết hợp vào các sản phẩm nội thất ứng dụng trang trí trong gia đình, vừa đủ tinh tế để nổi bật lên những giá trị nghệ thuật của xứ Huế.

Maypaperflower làm ra những bông hoa giấy có chứa yếu tố mỹ thuật đương đại, theo phương pháp mới biến những giá trị cũ trở nên gần gũi với cuộc sống hiện đại hơn. May luôn coi trọng chất lượng của những bông hoa mình làm ra, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn.

Đồng thời, các sản phẩm tranh - hoa giấy được làm từ các nguyên liệu thân thiện với môi trường. Hiếu muốn, sản phẩm của mình có thể phần nào tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và hướng đến lối sống hài hòa, tôn trọng thiên nhiên, thân thiện với môi trường để mọi người có một "ngôi nhà chung" tươi đẹp, an toàn, bền vững.

Năm 2020, dự án hoa giấy của Ngọc Hiếu đã đạt giải A trong cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Cột mốc này rất có ý nghĩa khích lệ với sự phát triển của Maypaperflower sau rất nhiều những đánh đổi để có được thành công bước đầu như ngày hôm nay.

Dự án hoa giấy của Ngọc Hiếu đã đạt giải A trong cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.

Kể về những ngày đầu tiên đồng hành cùng Startup, Ngọc Hiếu chia sẻ mọi công đoạn thực hiện gần như đều phải tự mày mò bởi không một trường lớp mở ra để dạy các kiến thức về một bộ môn còn quá mới mẻ này. Tất cả những gì mình có thể làm khi đó chỉ là quan sát thật kỹ dáng vẻ của những bông hoa khi nở rộ và thể hiện nó bằng đường nét, cắt gấp sao cho giống nhất.

Dù may mắn sở hữu năng khiếu ở nhiều bộ môn nghệ thuật cũng như một cửa hàng hoa tươi thuận lợi cho việc mô phỏng, thế nhưng với cô việc tạo ra những bức tranh hoa giấy giai đoạn đầu thật chẳng dễ dàng. Phải thử và kết hợp rất nhiều các phương pháp, các loại keo, chất liệu giấy, vẽ khác nhau mới có thể tìm được ra ưu và nhược điểm.

Điều này đồng nghĩa với việc để có một sản phẩm hoàn thiện bày bán trên thị trường như hôm nay thì từng có rất nhiều những sản phẩm thất bại phải trả giá bằng thời gian và tài chính. May mắn thay ông trời không phụ lòng người cố gắng, các sản phẩm của cô không chỉ được người dân trong khu vực Thừa Thiên Huế yêu thích mà nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các tỉnh thành trong nước hay thậm chí là cả quốc tế.

“Ôm trọn” nét đẹp văn hoá Cố Đô

Nhiều báo đã viết về căn nhà chứa đầy hoa giấy trên đất Cố Đô nhưng không mấy ai biết thực sự cuộc đời của Founder trẻ tuổi có cuộc sống riêng tư như thế nào. Chỉ biết rằng khi được kể về hoa, mắt cô gái ấy rạng rỡ; khi được làm hoa giấy, các công đoạn cắt dán thủ công nhẹ nhàng, sẽ khiến Hiếu tập trung vào sự khéo léo của đôi tay, không phải suy nghĩ gì hết, giúp đầu óc thư giãn và cảm thấy thực sự bình an.

Chân dung chị Phan Ngọc Hiếu – Founder Maypaperflower.

Trong những năm tháng chưa đạt được nhiều thành tựu và còn mãi kẹt trong vòng lặp thất bại, thử, thất bại rồi lại thử. Tất cả những gì Hiếu có thể nghĩ tới là tình yêu dành cho sản phẩm của mình. Cô nghĩ đến những bó hoa, bức tranh, khách hàng gửi tặng cho người yêu trong buổi gặp mặt đầu tiên, nghĩ đến những khu vườn của danh họa Monet rồi lấy đó làm động lực cho tác phẩm.

Cuộc chơi trong thế giới tinh thần là nơi duy nhất của Hiếu có thể dựa vào trong giai đoạn Maypaperflower vẫn còn đang trong những bước đi đầu tiên chưa tạo được đà danh tiếng. Theo thời gian, người ta bắt đầu hứng thú với thế giới mộng mơ trong những bức tranh hoa giấy của cô gái trẻ. Khách tìm đến Maypaperflower ngày càng nhiều, tên tuổi của hoa giấy truyền thống xứ Huế cũng từ đó tăng theo.

Tranh giấy, một trong những sản phẩm của Maypaperflower được khách hàng ưa thích.

Nhìn lại chặng đường gần nửa thập kỷ từ những ngày mày mò thử nghiệm từng loại giấy đến khi các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng Maypaperflower xuất hiện trong các gia đình thành thị Thừa Thiên Huế, trong các gói quà khách hàng gửi tặng đối tác... Nghĩ đến thôi cũng đã cảm thấy chút an yên trong lòng. Nhưng nếu một ngày, bỗng dưng các cụ già ở Làng Thanh Tiên chẳng còn xuất hiện, rồi thì mọi thứ cũng đi vào quá vãng nhưng với ai thương nhớ Cố Đô xưa, thương nhớ những lễ nghi, nét đẹp văn hóa lâu đời chắc sẽ chạnh lòng.

Đó là điều mà Hiếu còn trăn trở, làm sao để lan tỏa  “làn gió mới” của hoa giấy dựa trên nền tảng văn hoá Huế kết hợp mỹ thuật đương đại tạo ra được nhiều sản phẩm hợp thời đại. Để cho hoa giấy Thanh Tiên nói riêng và nghề hoa giấy xứ Huế nói chung; rằng dù cuộc đời có biến thiên, dù Cố Đô có đổi khác thì không chỉ vẫn còn những lăng tẩm, mà còn có cả những con người xứ Huế “ôm trọn” trong mình những nét đẹp văn hóa thiêng liêng ấy.