13/01/2025 lúc 16:31 (GMT+7)
Breaking News

Cần lưu giữ tục lệ hát “Sắc bùa” tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa

Hát “Sắc bùa” là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mường được duy trì và phát triển ở nhiều tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Trung Bộ, riêng Nam Bộ có ở tỉnh Bến Tre nhưng đã thất truyền. Trong tiếng Mường 2 từ “Sắc bùa” có nghĩa là “xách cồng”. Tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), tục lệ hát “Sắc bùa” (người dân địa phương hay gọi là hát Phường chúc) có những đặc trưng riêng mang đậm sắc thái của người Mường xứ Thanh.

Hát “Sắc bùa” là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mường được duy trì và phát triển ở nhiều tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Trung Bộ, riêng Nam Bộ có ở tỉnh Bến Tre nhưng đã thất truyền. Trong tiếng Mường 2 từ “Sắc bùa” có nghĩa là “xách cồng”. Tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), tục lệ hát “Sắc bùa” (người dân địa phương hay gọi là hát Phường chúc) có những đặc trưng riêng mang đậm sắc thái của người Mường xứ Thanh.

Là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường tại Ngọc Lặc, từ lâu đời tục lệ hát “Sắc bùa” đã được gìn giữ, phát huy, được tổ tiên truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời được sáng tạo không ngừng cùng với tiến trình phát triển của lịch sử đất nước. Nghệ thuật trình diễn “Sắc bùa” của người Mường là phương tiện giao tiếp, bày tỏ lòng tôn kính của một cộng đồng đối với mỗi con người, với thiên nhiên, vũ trụ với sự cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người, mọi nhà an khang thịnh vượng.

Một số hình ảnh hát "Sắc bùa" của người Mường tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa

Trong tục lệ hát “Sắc bùa” tại Ngọc Lặc có hệ thống nhạc khí, nhạc cụ đa dạng như: Cồng, chiêng, trống, chuông, khánh, sáo ôi, mõ, tỉnh tang, đâm đuống, tam bu. Cồng chiêng là nhạc cụ tiêu biểu nhất, đồng thời còn là bảo vật của mỗi gia đình, mỗi làng, mỗi vùng Mường kể cả về mặt chế tác, tài sản vật chất, tinh thần; được tổ chức dưới hình thức là đội nghệ thuật quần chúng tự nguyện tập hợp thành một phường (Phường chúc) với tinh thần đoàn kết thống nhất cao.

Nghệ thuật trình diễn của Phường chúc là một tập thể gồm những người tài năng, có khả năng sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật truyền thống dân tộc và yêu thích hát Xường (hát Xường chúc – Xường khoát rác) và đánh cồng chiêng. Trong các ngày lễ tết, mừng nhà mới Phường chúc xách cồng chiêng đi hết nhà này đến nhà khác, qua Mường này đến Mường kia để đánh chiêng, hát chúc. Nghệ thuật trình diễn được thực hiện như sau: Cồng 1: Cồng lệnh (nếu kèm trống, kèn, ụi, nhị là cồng dùng trong đám hiếu). Cồng 2 (cồng đôi) dùng trong lễ hội Pồn pôông (nhịp nhanh phục vụ cho việc diễn trò và nhảy múa). Cồng 3, cồng 4, cồng 7 (cồng dàn) là cồng mừng: Mừng năm mới, mừng đám cưới (rước dâu), mừng nhà mới, mừng mùa, mừng khách đến nhà, mừng hội xuống đồng (khai hạ)…tiêu biểu là cồng bùa (dán bùa). Phường chúc với sự huy động và tập hợp số lượng cồng không hạn chế nhưng ít nhất phải đủ 12 cồng, trong đó có bộ “cồng tiết tấu” và bộ cồng “khầm”. 

Hát Sắc bùa gồm nhiều chủ đề khác nhau và được phân chia thành các phân đoạn  (Đi đường. Vào cổng. Hát chúc và hòa tấu dưới chân cầu thang. Ra về). Ở mỗi phân đoạn, các bài hát có nội dung riêng. Khi đi đường thì có bài hát đi đường. Khi đến nhà, Phường chúc gióng chiêng ngoài cổng và bài hát bài mở cổng. Vào sân, đến chân cầu thang thì dừng lại hòa tấu cồng chiêng (bài Sắc bùa) và hát Xường chúc Tết. Khi ra về Phường chúc có bài chào về và bài hát đóng cổng.

Lời của bài hát “Chúc Tết”, “Chúc mừng năm mới” có khuôn mẫu chung nhưng đến nhà nào thì Phường chúc phải vận lời vào cảnh nhà ấy mà hát chúc cho phù hợp. Khi Phường chúc hát bài đóng cổng, nhà chủ thường tặng cho họ (có thể là bánh chưng, gạo, rượu hoặc tiền) gọi là mừng tuổi nhân dịp năm mới hay thay lời cảm ơn mừng dâu, mừng rể.

Trên quãng đường đi từ nhà này sang nhà khác, từ Mường này sang Mường khác, Phường chúc diễn tấu các bài Xường chúc và hòa tấu cồng chiêng các bài hát: đi đường, đùn đim, bông trắng bông vàng, rước đuốc, cà rồng…với những làn điệu khác nhau, theo nhịp cồng chiêng điêu luyện, tài hoa của cả Phường, đặc biệt là vai trò của người đội trưởng (trưởng Phường).

Tùy nghệ thuật trình diễn (khả năng diễn tấu) và thẩm âm của từng vùng Mường mà giai điệu cú khác nhau, nhưng cơ bản vẫn có chung một giai điệu hát “Xường khoát rác” và đánh cồng chiêng theo tiết tấu phổ biến nhất là:

Đầu tiên là dàn “cồng nhịp” (choóc noóc) mở đầu: Chiêng giọng cao điểm một tiếng “boong”/ Chiêng giọng trung điểm một tiếng “bêếnh”/ Chiêng giọng cao điểm một tiếng “boong”. Tiếp đến là dàn “cồng khầm” (đệm sau cồng nhịp): Boong, boong boong “khầm”/ Boong bêếnh boong bêếnh “khầm”/ Boong, boong boong “khầm”/ Boong, boong bêếnh boong bêếnh “khầm”/ Boong, boong, boong “khầm”/ Boong bêếnh boong bêếnh “khầm”. Tất cả Phường chúc cùng đánh tiếng “khầm” (mỗi phường phải có 12 tiếng chiêng theo thứ tự từ nhỏ đến lớn).

Người Mường quan niệm đối với dàn Phường chúc thì càng nhiều cồng “khầm” (vài chục, vài trăm) là phường đại, tiếng “khầm” càng to thì niềm vui càng lớn, hạnh phúc càng đầy, “dưới sân lắm trâu, nhiều bò. Trên nhà nhiều cơm, nhiều lúa, nhiều ngô khoai, sắn…”. Những bài có hợp âm “khầm” cuối câu nghe có tiếng vang lớn, vang xa như đất rung, rừng chuyển, như sấm dậy, mưa nguồn. Những bài có hợp âm “khô” cuối câu nghe như có luồng gió mát thoảng qua, như đám mây lững lờ trôi đi, cũng có thể là vật gì đó đang bồng bềnh trên sông, làm người nghe có cảm giác lâng lâng khó tả. Đặc biệt, trong các bài đi đường như rước đuốc, đùm đi, cà rồng, với nghệ thuật đảo chiêng rặt đùi chiêng ở âm cao ghe lách tách, rào rào như ngựa chạy, lửa cháy và những tiếng ấy như quẩn quanh, uốn lượn, leo lên, tụt xuống như người đang tiến trên đường đèo dốc.

Trang phục của Phường bùa Ngọc Lặc cũng không cầu kỳ: nữ mặc trang phục truyền thống của người Mường tại địa phương, nam mặc quần áo nâu, chít khăn nâu.

Với giá trị văn hóa hiện hữu, “Sắc bùa”của huyện Ngọc Lặc cần được công nhận và gìn giữ nhằm:

1. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường nói chung và huyện Ngọc Lặc nói riêng, góp phần tích cực vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

2. Bảo tồn nghệ thuật trình diễn “Sắc bùa” (Phường chúc) huyện Ngọc Lặc nhằm: truyền dạy, bồi dưỡng cho các thế hệ thanh – thiếu niên và cộng đồng dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc về nghệ thuật trình diễn Cồng chiêng và hát dân ca Mường (hát Xường, hát Đang, Xường cài va, Xường khoát rác), góp phần xây dựng nông thôn mới trên quê hương Ngọc Lặc.

3. Bảo tồn nghệ thuật trình diễn Phường chúc của dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, các vùng miền trong tỉnh, trong nước và bạn bè quốc tế, góp phần phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Những người tham gia hát “Sắc bùa” là những người được lựa chọn, khi trình diễn họ thể hiện được tầm hồn cao đẹp, luôn đem đến cho mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng xã hội một niềm tin yêu và hy vọng trong cuộc sống, vượt qua khó khăn gian khổ, hăng say lao động để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc. Tuy vậy, tục lệ hát “Sắc bùa” là loại hình trình diễn theo một mô tuýp truyền thống chủ yếu do các bậc cao niên thực hiện, đối với thế hệ trẻ việc học tập và trình diễn còn hạn chế, nếu không được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia để bảo tồn, giữ gìn, truyền dạy và phát huy thì tục hát “Sắc bùa” (Phường chúc) tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) sẽ bị mai một và có nguy cơ thất truyền./.