14/10/2024 lúc 03:57 (GMT+7)
Breaking News

Cần có cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy khoa học công nghệ thực sự phát triển

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra định hướng chiến lược, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế… Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu và là một đột phá chiến lược, động lực then chốt để phát triển.

Trong nhiều năm qua, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không thể không nhắc đến vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Đây cũng là 1 trong 8 mục tiêu đạt được của Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2012.

Những kết quả đáng khích lệ

Đến nay, cả nước có 687 tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 236 trường đại học, 03 khu công nghệ cao quốc gia, 13 khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 08 khu công nghệ thông tin tập trung và gần 67.000 cán bộ nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhiều viện nghiên cứu công nghệ công nghiệp theo mô hình tiên tiến thế giới được hình thành ở cả 2 khu vực công lập và tư nhân.

Thị trường công nghệ bước đầu được thúc đẩy phát triển với 15 sàn giao dịch công nghệ, 9 cơ sở ươm tạo công nghệ cao và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đồng thời đã có hơn 50 cơ sở ươm tạo và doanh nghiệp thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 186 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp và mạng lưới các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN trên toàn quốc.  Hiện 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học và công nghệ cao là: cơ khí chế tạo, điện tử-công nghệ thông tin, hóa chất-nhựa, cao su và chế biến tinh lương thực thực phẩm.

Nguồn lực thông tin, nền tảng số hóa được đầu tư, kết nối và chia sẻ mở trong cộng đồng. Thị trường công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển, hệ thống sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng ngày càng hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, khuyến khích sự ra đời của hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng tăng trưởng. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn, khoa học và công nghệ trong những năm gần đây có sự tăng trưởng về số lượng.

Phát triển và ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam nói chung và trong cộng đồng doanh nghiệp nước ta nói riêng đã có bước phát triển mạnh hơn; kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được ứng dụng nhanh hơn, nhiều hơn, hiệu quả hơn trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang dựa nhiều vào ứng dụng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo…  

Một số hạn chế trong hành trình phát triển KH&CN

1. Mặc dù trong thời gian qua, Phát triển và ứng dụng KH&CN và ĐMST ở Việt Nam nói chung và trong cộng đồng doanh nghiệp nước ta nói riêng đã có bước phát triển so với trước, nhưng khách quan mà nói, trình độ KH&CN của nước ta nhìn chung vẫn còn khoảng cách khá xa so với nhóm đầu khu vực Đông Nam Á, chứ chưa nói là trên phạm vi thế giới. Bên cạnh một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh, như công nghệ thông tin, viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính - ngân hàng…, nhiều doanh nghiệp vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong nước còn những bất cập. Sự chuyển giao công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh cao từ các doanh nghiệp FDI còn hạn chế…Chi ngân sách nhà nước cho KH&CN chiếm khoảng 1,36% đến 1,52% tổng chi ngân sách nhà nước (chưa kể chi quốc phòng - an ninh và dự phòng). Tổng đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN bình quân trong các năm gần đây đạt khoảng 1,08% GDP, chưa đạt mục tiêu 2% GDP vào năm 2020...

2. Một trong những yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển của KH&CN là phát triển thị trường KHCN. Nhưng lĩnh vực này ở nước ta mới bước đầu hình thành và đang từng bước phát triển. Nguồn cung công nghệ trong nước chiếm tỷ trọng thấp, nhiều kết quả nghiên cứu của viện, trường chưa được chuyển giao. Phần lớn kết quả nghiên cứu dừng lại ở quy mô nhỏ hoặc trong phòng thí nghiệm, chưa sẵn sàng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Sự liên thông giữa thị trường KHCN trong nước với thị trường KHCN thế giới cũng như với các thị trường khác ở trong nước (đặc biệt là thị trường lao động và thị trường vốn) còn nhiều hạn chế…

3. Mặt khác, từ góc độ kinh tế, việc phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, gắn chặt chiến lược sản xuất, kinh doanh với hoạt động nghiên cứu khoa học và đội ngũ các nhà khoa học của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, chưa khai thác được nguồn lợi từ KHCN và chưa tận dụng được thế mạnh của doanh nghiệp.

4. Ngay đối với các nhà khoa học, cũng chỉ có 2 lựa chọn để thương mại hóa được kết quả nghiên cứu KHCN của mình là chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp hoặc tự mình khởi nghiệp. Đa số các nhà khoa học lựa chọn phương án chuyển giao công nghệ hoặc giao lại cho tổ chức chủ trì để chuyển giao mà không chọn phương án tự mình khởi nghiệp bởi không có nhiều nhà khoa học có đủ năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh.

5. Đúng là hoạt động khoa học có tính đặc thù, bản chất của nghiên cứu là đi tìm những cái mới, nên có thể thành công, có thể thất bại, có thể thành công sớm hoặc thành công muộn. Vì vậy việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng trong thời gian nhất định là không khả thi. Cho nên đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học cũng rất cần gắn với đặc thù đó và cần tăng mạnh cả chi phí đầu tư cho quá trình nghiên cứu và cho “khen thưởng” kết quả nghiên cứu xuất sắc...

6. Từ những thực tế đó, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ KH&CN (28/12/2023), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã cho rằng: “Khoa học công nghệ là ngành khó vì không phải là lợi thế của Việt Nam. Chúng ta chưa có đủ nguồn lực, chưa có cơ chế đủ mạnh để phát triển, thậm chí cơ chế đang là rào cản cho sự phát triển của khoa học và công nghê”… Như vậy có thể thấy, cơ chế, chính sách cho sự phát triển KH&CN ở nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, kể cả trong nghiên cứu và ứng dụng KH&CN.

Một số giải pháp quan trọng để KH&CN thực sự phát triển

Để mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao thì KH&CN chính là giải pháp quan trọng và có tính thúc đẩy, đi tắt đón đầu. Tuy nhiên, từ thực tế phát triển KHCN hiện nay, rất cần phải triển khai thực hiện những giải pháp mới nhằm khắc phục những hạn chế và góp phần thúc đẩy KHCN phát triển nhanh và thực chất:

1. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường khoa học và công nghệ, phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước vào các dự án nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ, từ các doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, các nguồn lực xã hội, đa dạng các kênh đầu tư, tăng tính liên kết hệ thống để thúc đẩy sự phát triển của thị trường khoa học và công nghệ. Doanh nghiệp cần tích cực đầu tư cho nghiên cứu phát triển, nâng cao năng lực công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể: Doanh nghiệp có chính sách đầu tư các nhiệm vụ KHCN dài hạn cho đến khi ra được sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh; thúc đẩy hoạt động kết nối viện, trường với doanh nghiệp; dành ưu tiên mua thiết bị, công nghệ là sản phẩm khoa học được tạo ra từ các nghiên cứu trong nước…

2. Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo hành lang cho phát triển KH&CN. Bên cạnh đó, ngành KH&CN cần có thêm chính sách đặc thù để phát triển lĩnh vực đặc biệt này về các nội dung như: Định giá tài sản hình thành sau khi triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học, chế độ chính sách cho người làm khoa học, cơ chế tự chủ, cơ chế tài chính…Cần có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp KH&CN, ĐMST và CĐS về mặt tài chính. Nếu được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, vay vốn tín dụng đầu tư, thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước, tổ chức nghiên cứu khoa học trong đó có doanh nghiệp sẽ tập trung được nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho KH&CN, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, không ngừng tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng và sức cạnh tranh.

3. Ngoài ra, cần thúc đẩy hơn nữa nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ theo hướng khuyến khích, tạo cảm hứng cho các nhà khoa học, có chính sách phân bổ đủ chi phí cho nghiên cứu khoa học. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong xây dựng cơ chế quản lý, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; đồng thời phát huy các tiềm năng để đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực quản lý, thúc đẩy phát triển bền vững. Tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài. Sử dụng các chính sách ưu đãi về thuế để thu hút vốn đầu tư, cả từ trong nước và các nguồn lực nước ngoài đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp hỗ trợ…

4. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm khoa học và công nghệ cuối cùng theo kết quả đầu ra. Có cơ chế thúc đẩy đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại; hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, mua thiết kế, thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài thuộc các lĩnh vực ưu tiên; hỗ trợ doanh nghiệp mua công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước; hỗ trợ ưu đãi đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

5. Tích cực đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập về nhân lực, kinh phí hoạt động dựa trên kết quả và hiệu quả hoạt động. Tăng cường thực hiện cơ chế hợp tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả. Tạo điều kiện để các tổ chức khoa học và công nghệ được vay vốn từ các quỹ hoặc các tổ chức tín dụng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ.

6. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thể chế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thông qua thực thi các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Tăng cường hiệu quả các quy định ưu đãi đối với đối tượng là doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, như mức ưu đãi đối với kết quả nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ mới và các sản phẩm, dịch vụ khoa học và công nghệ mới. Tập trung cải thiện các thể chế liên quan nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

7. Tiếp tục đổi mới cơ chế đầu tư và tài chính cho KH&CN, ĐMST và CĐS trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên chỉ số đo lường kết quả, hiệu quả đầu ra. Linh hoạt và đơn giản hóa thủ tục tuyển chọn nhiệm vụ KH&CN, thanh quyết toán tài chính theo thông lệ quốc tế, giảm tối đa các gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học.

8. Tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông bên cạnh việc tăng cường trang thiết bị nghiên cứu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành; kiên trì đầu tư tăng cường tiềm lực thông tin KH&CN phục vụ quản lý.

9. Tiếp tục rà soát, cải tổ bộ máy quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực quản lý KH&CN, CĐS; đổi mới tư duy quản lý để ứng phó kịp thời với các thay đổi không ngừng và nhanh chóng của hệ sinh thái ĐMST và CĐS; áp dụng công nghệ kỹ thuật cao trong quản lý hoạt động KH&CN để giảm thủ tục hành chính đối với các nhà khoa học, tổ chức KH&CN./.

Ths. Hoàng Xuân Lương

...