18/01/2025 lúc 07:26 (GMT+7)
Breaking News

Cần bảo tồn và phát triển di sản hát trống quân Bùi Xá

VNHN - Khác với các loại hình hát trống quân ở các vùng khác, trống quân Bùi Xá lại được người dân biến tấu theo lối văn thập cửu (10/9 hay 11/9) tạo nét riêng của vùng quê quan họ.

VNHN - Khác với các loại hình hát trống quân ở các vùng khác, trống quân Bùi Xá lại được người dân biến tấu theo lối văn thập cửu (10/9 hay 11/9) tạo nét riêng của vùng quê quan họ.

Mỗi độ mùa Thu về là người dân Bùi Xá, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh lại bồi hồi nhớ không khí rộn ràng của những đêm biểu diễn trống quân Bùi Xá xưa kia. Ngày nay, hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn. Để Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này phát triển và lan tỏa, bên cạnh sự nỗ lực của các nghệ nhân, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn, tạo động lực khuyến khích cộng đồng tích cực giữ gìn, truyền dạy và phát huy giá trị của di sản độc đáo.

Độc đáo tiếng hát trống quân

Cùng với sự phát triển của nghệ thuật hát trống quân ở các vùng khác, trống quân Bùi Xá xuất hiện từ thế kỷ thứ XIII và phát triển mạnh đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhớ lại thời kỳ hưng thịnh của trống quân Bùi Xá, nghệ nhân Lê Thị Mão, 94 tuổi, thôn Bùi Xá cho biết ngày đó, loại hình nghệ thuật này đã trở thành nét đẹp văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Trong làng, từ già tới trẻ ai cũng biết hát. Đã có nhiều liền anh, liền chị (cách gọi con trai, con gái của trống quân Bùi Xá) do say câu hát, điệu trống của nhau đã nên vợ, nên chồng. Ngày đó, khoảng giữa tháng Tám âm lịch, nhân dân trong làng lại tưng bừng mở hội hát trống quân. Không quản sớm khuya, những liền anh, liền chị thập phương kéo về Bùi Xá mong tìm được những câu hát đối hay nhất. Có khi, ngày đi làm nhưng đến tối, dưới ánh trăng các đôi nam nữ tổ chức canh hát thâu đêm đến sáng lại về đi làm.

Các liền chị biểu diễn trống quân Bùi Xá. 

Cứ như vậy, hội hát trống quân mở hết tháng Tám âm lịch. Là người yêu trống quân từ khi còn nhỏ, cụ Mão vinh dự được đi theo các liền anh, liền chị đi học hát, chơi trống quân. Đến năm 18 tuổi, cụ chính thức được tham gia các buổi hát đối đêm trăng. Tại đây, cụ đã kết duyên cùng nhạc công trống quân. Sau năm 1945, nghề hát trống quân lắng xuốn, đến năm 1993 được khôi phục lại. Năm 2003, những người yêu tiếng hát trống quân thành lập Câu lạc bộ trống quân Bùi Xá. Đến nay, câu lạc bộ vẫn duy trì và phát huy những nét độc đáo của loại hình nghệ thuật này. Không cần đàn, nhạc nhưng những tiếng hát giản dị, mộc mạc xen lẫn trong nhịp trống quân làng Bùi Xá đã tạo nên nét độc đáo riêng mà không loại hình nghệ thuật nào có được.

Nghệ nhân Lê Bá Bạo, 77 tuổi, làng Bùi Xá, xã Ninh Xá là một trong những “trụ cột” của câu lạc bộ cho biết: Khi vào buổi biểu diễn, trống quân Bùi Xá được tuân thủ theo thứ tự câu hát "chào, mừng, chúc, hỏi." Khác với các loại hình hát trống quân ở các vùng khác, câu hát đơn giản, nhịp điệu nhanh, ngắt quãng nhiều, ít luyến láy và theo thể lục bát (6/8), trống quân Bùi Xá lại được người dân biến tấu theo lối văn thập cửu (10/9 hay 11/9) tạo nét riêng của vùng quê quan họ. Đó chính là sự kết hợp hài hòa giữa Dân ca Quan họ Bắc Ninh và trống quân. Bởi vậy, trống quân Bùi Xá còn được mọi người gọi là quan họ thứ 2. Nói rồi ông cất cao giọng hát như để minh họa “Tôi mới ra đây, ở nhà, tôi mới ra đây/ chị em nhường trống, nhường dây, nhường dùi.”

Nghệ nhân Lê Bá Bạo 72 tuổi, Chủ nhiệm CLB Trống quân Bùi Xá, một trong những thành viên đầu tiên của CLB của những người yêu thích hát trống quân.

Để bảo đảm yếu tốt chuẩn xác của trống quân Bùi Xá, giai điệu vừa ngân nga, thong thả, có độ nảy nhất định. Độ nảy ở đây là yếu tố “vang, rền, nền, nảy” của quan họ. Để có thể hát Trống quân hay đòi hỏi mỗi người có giọng hát tốt, lòng đam mê, khả năng ứng đối nhanh nhẹn trong những cuộc thi hát, ông Bạo nhấn mạnh. Một điều đặc biệt nữa là trống quân Bùi Xá còn lưu giữ lại nhạc cụ đặc biệt. Đó là chiếc trống đất để bắt nhịp điệu bài hát. Ngày nay, cách làm trống đã được cải tiến, gồm một thanh gỗ nằm ngang, hai bên có hai cọc, một bên cọc là liền anh, một bên cọc là liền chị đứng đối đáp. Hai cọc được nối với nhau bằng sợi dây thép, chính giữa sợi dây đặt một cái trống, mặt rỗng úp xuống thanh ngang, mặt đáy sát sợi dây. Người nhạc công gõ vào đầu dây ở phía cọc, dây bật vào đáy trống kêu thành tiếng. Đặc biệt, để dễ dàng cơ động, đưa trống quân đi biểu diễn, chiếc trống đất đó có thể thay thế bằng trống bình thường.

Loay hoay bảo tồn và phát triển

Nhằm tăng cường hoạt động bảo tồn và phát triển trống quân Bùi Xá, những người yêu trống quân đã thành lập câu lạc bộ trống quân thôn Bùi Xá và Đội văn nghệ thôn Bùi Xá với tổng số trên 30 thành viên. Chủ nhiệm câu lạc bộ trống quân Bùi Xá Lê Thị Thư (70 tuổi) cho biết, Câu lạc bộ sinh hoạt vào các buổi tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần. Trong các buổi sinh hoạt, các thành viên câu lạc bộ bên cạnh ôn luyện và biểu diễn các bài hát cũ, tổ chức học và sưu tầm các bài hát mới. Đến nay, Câu lạc bộ đã sưu tầm được hơn 130 bài hát và in thành nhiều bản khác nhau để lưu truyền. Đặc biệt, nhằm bảo tồn, khích lệ những người yêu trống quân tiếp tục hoạt động truyền dạy, năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định công nhận trống quân Bùi Xá là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các liền chị biểu diễn trống quân Bùi Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. 

Tỉnh đã công nhận và vinh danh 3 nghệ nhân có đóng góp nhiều trong hoạt động bảo tồn và truyền dạy trống quân. Điều trăn trở lớn nhất hiện nay là công tác truyền dạy chỉ được chú trọng đến thế hệ thứ 3 trong Câu lạc bộ (thế hệ thứ nhất là các cụ trên 90 tuổi, thế hệ thứ 2 là các cụ trên 70 tuổi và thế hệ thứ 3 là trên 50 tuổi). Cũng theo bà Thư, hầu hết lớp trẻ không đam mê trống quân Bùi Xá. Nếu có cũng chỉ là trong các gia đình có ông bà, bố mẹ đi hát trống quân. Ngay cả các thành viên trong câu lạc bộ, mặc dù đam mê hát trống quân, tuy nhiên đều đang ở độ tuổi lao động nên không có nhiều thời gian dành cho sinh hoạt trống quân.

Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất là hiện nay không thể tái hiện được không gian trống quân xưa để cho các thế hệ, hoặc các liền anh, liền chị trẻ cảm thụ đầy đủ cái hay, cái đẹp của đêm hội trống quân. Vì vậy, việc truyền dạy lề lối cũng như cổ truyền của trống quân Bùi Xá còn gặp nhiều khó khăn. Nghệ nhân Lê Bá Bạo trăn trở: Hiện nay trống quân Bùi Xá đã được truyền dạy theo đúng lề lối, tuy nhiên linh hồn của trống quân là hát giao duyên, đối đáp không còn nữa do những người thực hành hát trống quân chủ yếu là các liền chị. Số lượng liền anh trong câu lạc bộ rất ít. Mong muốn lớn nhất của các nghệ nhân được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ mở các lớp truyền dạy hát trống quân, có cơ chế hỗ trợ hoạt động của Câu lạc bộ cũng như có chế độ đãi ngộ hợp lý với nghệ nhân và việc phong tặng nghệ nhân trống quân.

Trẻ con cũng rất hứng thú với môn nghệ thuật này.

Bà Lê Thị Thư cho biết, vừa qua, cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, lớp học hát trống quân trong nhà trường đã được mở. Các em học sinh rất đam mê. Vì vậy, câu lạc bộ đề nghị các cấp chính quyền tổ chức nhiều chương trình truyền dạy hơn nữa và tạo điều kiện cho Câu lạc bộ đi biểu diễn tại các chương trình giới thiệu văn hóa nghệ thuật các cấp để người dân Bùi Xá có thể mang lời ca, tiếng hát của mình phục vụ khán giả gần xa. Không chỉ vậy, những người hiểu và có khả năng diễn trống quân như cụ Lê Thị Mão không còn nhiều, đa phần đã già, yếu, bởi vậy công tác truyền dạy còn nhiều hạn chế.

Đồng quan điểm như các thành viên trong câu lạc bộ trống quân Bùi Xá, anh Phạm Hoàng Anh, Trưởng thôn Bùi Xá, huyện Thuận Thành cho biết: Từ sau khi trống quân Bùi Xá được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, chính quyền địa phương đã động viên các nghệ nhân, thành viên trong câu lạc bộ sưu tầm các bài hát trống quân cổ, đồng thời sáng tác các bài hát mới. Đến nay, câu lạc bộ có thể biểu diễn thành thạo hơn 100 bài trống quân và đạt được nhiều kết quả cao trong các cuộc thi văn hóa, văn nghệ cấp tỉnh.

Các thành viên CLB Trống quân Bùi Xá chỉnh sửa trang phục cho nhau trước buổi diễn.

Đặc biệt, địa phương rất chú trọng tổ chức các hoạt động biểu diễn trống quân Bùi Xá, tuy nhiên mới chỉ trong phạm vi địa phương, trong xã và một số chương trình trong huyện. Song song với truyền dạy theo kiểu truyền khẩu truyền thống trong các gia đình cũng cần xây dựng các chương trình, giáo trình truyền dạy kỹ thuật hát trống quân theo lề lối để tiếng hát trống quân thích ứng với sự phát triển của của đời sống âm nhạc đương đại, đưa vào truyền dạy trong các trường học phổ thông nhằm phát huy, tăng cường nguồn lực cho phong trào để di sản văn hóa phi vật thể có thể trường tồn và lan tỏa.