18/01/2025 lúc 19:25 (GMT+7)
Breaking News

“Cái tôi” to hay bé?

VNHN-Đã sinh ra, tồn tại trong cuộc đời, ai cũng có “cái tôi” của riêng mình. Cái tôi chính là bản ngã, bản chất, cá tính vốn có của mỗi con người. “Cái tôi” vừa để phân biệt, vừa để khẳng định “ta là ai” trong thế giới bao la này.

VNHN-Đã sinh ra, tồn tại trong cuộc đời, ai cũng có “cái tôi” của riêng mình. Cái tôi chính là bản ngã, bản chất, cá tính vốn có của mỗi con người. “Cái tôi” vừa để phân biệt, vừa để khẳng định “ta là ai” trong thế giới bao la này.

Nói về “cái tôi” của cán bộ thời nay, cũng có dăm bảy hạng “cái tôi”.

Có những cán bộ luôn thể hiện “cái tôi” của mình một cách sáng suốt, tiên phong trong việc khai phá những hướng đi mới, cách làm mới, tất cả vì lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội; đồng thời kiên quyết rũ bỏ tác phong quan liêu, lề lối làm việc “ghế sa lông, bàn giấy, phòng lạnh” để thúc đẩy mọi công việc diễn ra suôn sẻ, hanh thông. “Cái tôi” đó là “cái tôi” quyết đoán, mạnh mẽ, “cái tôi” vượt trước rất đáng khích lệ.

Có những cán bộ bộc lộ “cái tôi” của mình một cách bình thản, nhã nhặn, không ồn ào, không hô hào hiệu triệu chung chung, không thích “trống giong, cờ mở”, mà luôn kiên trì, bền bỉ làm thay đổi tình hình bằng cách nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, làm đến đâu chắc chắn, hiệu quả đến đó. “Cái tôi” đó là “cái tôi” sâu sắc, “cái tôi” đáng nể.

Có những cán bộ biểu hiện “cái tôi” tế nhị, khéo léo, ứng xử có trước có sau, kính trên nhường dưới, tôn trọng đồng cấp, đồng nghiệp, không tham quyền cố vị, không vun vén trục lợi cho cá nhân và gia đình, biết điều hòa các mối quan hệ lợi ích để trong cơ quan, đơn vị không ai bị thiệt thòi hay bị đứng ra “ngoài lề”. “Cái tôi” đó là “cái tôi” nhân văn, “cái tôi” đáng trọng.

Tuy thế, nơi này, nơi khác, chỗ nọ, chỗ kia vẫn có những “cái tôi” của cán bộ lãnh đạo khiến cấp trên nghi ngại, cấp dưới phàn nàn, dư luận than phiền. Ví như, có vị bí thư cấp huyện từng nói rằng: “Ban chấp hành đảng bộ tỉnh cũng là tôi, hội đồng nhân dân huyện cũng là tôi, lãnh đạo huyện cũng là tôi, vậy tôi không có quyền quyết định vấn đề đó hay sao?”. Lại nữa, có cán bộ chủ chốt (vừa là người đứng đầu cơ quan hành chính, vừa đảm nhiệm vai trò bí thư cấp ủy) đề cao vị thế quyền lực của mình: “Dân chủ là cứ cho mọi người thoải mái nói ra, bàn cho hết nước hết cái đi, tranh luận xới xáo mọi vấn đề cho ra nhẽ đi, nhưng người quyết định cuối cùng và cao nhất phải là tôi!”. Chưa hết, có cán bộ ở cơ sở từng nói như cảnh báo: “Cứ cho mọi người thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đi, nhưng tôi mới là chủ tài khoản số 1 ở đây!”... Những lời nói, phát ngôn trên xuất phát từ “cái tôi” chuyên quyền, độc đoán, tham quyền, vụ lợi, háo danh, nên đó là “cái tôi” nhỏ bé, tầm thường, không xứng với tâm thế, vị trí của người “cầm cân nảy mực”.

Thời gian gần đây, cũng đã xuất hiện “cái tôi” của một số cán bộ mà người ta thường gọi là “cái tôi nổ”, “cái tôi hào nhoáng”, “cái tôi nửa vời”, “cái tôi tinh vi”... “Cái tôi nổ” là chỉ biết nói hay, nói giỏi, diễn thuyết tốt trước đám đông nhưng làm lại dở, hiệu quả thấp. “Cái tôi hào nhoáng” là cố tình tận dụng truyền thông, tranh thủ cơ hội trước tập thể để “đánh bóng cá nhân”, mà thực chất là vuốt ve, lấy lòng cả cấp trên, cấp dưới và đồng nghiệp, mà không chú ý vào công việc thực tế của mình. “Cái tôi nửa vời” nghĩa là khi chỉ đạo thì tỏ ra vẻ ráo riết, “đao to búa lớn”, nhưng lại thiếu sâu sát kiểm tra, giám sát cụ thể nên kết quả không như mong muốn chủ quan của cá nhân. “Cái tôi tinh vi” là chỉ biết nhăm nhăm kín đáo “mua chuộc” các mối quan hệ cốt để mang lại lợi ích cho riêng mình.

Vì sao người ta lại dễ nhìn nhận ra “cái tôi” của cán bộ nhất?

Bởi vì, đã là cán bộ dù ở cấp nào thì cũng là “hình ảnh đại diện” của một tập thể, một cộng đồng nhất định. Khi là “hình ảnh đại diện” nên “cái tôi” của cán bộ đương nhiên trở thành “tiêu điểm” để người dân, nhân viên, cấp dưới thuộc quyền của họ nhìn vào. “Cái tôi” của cán bộ tuy thuộc phạm trù cái riêng của cá nhân, nhưng cái riêng đó lại có quan hệ mật thiết với “cái ta”, “cái chung” nên có sự tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới mọi người xung quanh.

Muốn để “cái tôi” của cán bộ không trở nên nhỏ mọn, cỏn con, nông cạn, hời hợt đến mức bị xem thường, thì người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải đề cao lòng tự trọng, liêm sỉ, nêu gương, tiếp thu điều hay lẽ phải, trân trọng những chuẩn mực chung của tập thể, tự giác khép mình vào khuôn khổ tổ chức, tự biết làm giàu và nhân lên những giá trị nhân văn, tích cực trong phẩm chất cá nhân để qua đó, dần dần đẩy lùi, hạn chế những yếu tố tiêu cực còn ẩn chứa, lẩn khuất trong “cái tôi” tầm thường của mình./.