15/11/2024 lúc 23:44 (GMT+7)
Breaking News

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nhìn từ góc độ khoa học lãnh đạo cách mạng

Khẳng định lại chân giá trị của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là điều cực kỳ cần thiết để góp phần giúp cho các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu đúng về lịch sử, luôn luôn nêu cao ý chí độc lập tự chủ, lòng tự hào và tự tôn dân tộc, kế thừa, phát huy xứng đáng truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của các thế hệ cha anh, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ảnh minh họa - TL

Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với tầm vóc vĩ đại của nó trong tiến trình cách mạng Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử và được khai thác nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau. Đã có không ít tác phẩm, bài viết chứa đựng biết bao lời hay, ý đẹp về “sức mạnh kỳ diệu Việt Nam”, về “thắng lợi của ý chí, lương tri, phẩm giá và trí tuệ Việt Nam”; và cũng có cả những ý kiến lạc lõng hòng cố tình hạ thấp thắng lợi này khi coi đó như là “sự ăn may”... Chính vì vậy, khẳng định lại chân giá trị của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là điều cực kỳ cần thiết để góp phần giúp cho các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu đúng về lịch sử, luôn luôn nêu cao ý chí độc lập tự chủ, lòng tự hào và tự tôn dân tộc, kế thừa, phát huy xứng đáng truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của các thế hệ cha anh, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sáng tạo của Đảng trong hoạch định đường lối và phương pháp cách mạng thời kỳ 1930-1945 được thể hiện trên những vấn đề cơ bản sau đây:

Một là, sáng tạo trong giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp, phản đế và phản phong.

Ngay từ khi mới ra đời, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (2-1930) đã nhận thấy yêu cầu khách quan, bức thiết nhất của xã hội thuộc địa như Việt Nam là phải tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc chứ chưa phải là đấu tranh giai cấp lên cao như ở các nước tư bản phương Tây. Đối tượng trực tiếp của cách mạng thuộc địa lúc này là chủ nghĩa thực dân, vì “Nọc độc và sức sống của của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa”. Để giải phóng thuộc địa, các dân tộc thuộc địa phải cắt đứt cái vòi nọc độc ấy. Trên cơ sở nhận thức rõ những vấn đề có tính đặc thù ở Việt Nam không giống như ở phương Tây thời C. Mác, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng xác định phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đó là một quá trình phát triển lâu dài, phải trải qua những giai đoạn chiến lược khác nhau, mà trước tiên là đánh đổ bọn đế quốc và Việt gian tay sai (phong kiến phản động), giành độc lập cho đất nước. Chủ trương đó đáp ứng đúng yêu cầu khách quan của lịch sử Việt Nam.

Khi đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ, liên tiếp trong ba Hội nghị: lần thứ sáu (11-1939), lần thứ bảy (11-1940), và đặc biệt là Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5-1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, trên cơ sở phân tích chuẩn xác những biến chuyển của tình hình thế giới và Đông Dương, đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược với chủ trương đặt nhiệm vụ chống đế quốc và bọn Việt gian tay sai để giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm gác khẩu hiệu “Cách mạng ruộng đất”. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: “Nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta và của cách mạng Đông Dương”. “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Hội nghị giải thích rõ về sự thay đổi đó: “Trong lúc này muốn giải quyết nhiệm vụ giải phóng không thể đưa thêm một nhiệm vụ thứ hai chưa cần thiết với toàn thể nhân dân, giải quyết trước mà có hại cho nhiệm vụ thứ nhất”. Vấn đề ruộng đất mà Hội nghị Trung ương lần thứ tám bàn đến chỉ là chia lại công điền, và chia ruộng đất “tịch thu của Việt gian phản quốc”, chứ không phải của địa chủ nói chung, để tập trung đánh lại kẻ thù của dân tộc cả về chính trị và kinh tế. Vì thế, “Trong khi tuyên truyền, không được dùng những khẩu hiệu quá thời... Không nên nói đánh đổ Nam triều phong kiến và tịch thu ruộng đất của địa chủ mà nói diệt trừ bọn Việt gian phản quốc”.

Chủ trương nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc của Đảng tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết Ban Thường vụ Trung ương Đảng (2-1943): “Lúc này, nhiệm vụ dân tộc giải phóng cần kíp và quan trọng hơn. Nên Đảng phải thống nhất mọi lực lượng cách mạng đặng mau hoàn thành nhiệm vụ ấy trước... Do đó khẩu hiệu thổ địa cách mạng không thể đề ra lúc này”.

Như vậy, từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên đến Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (2-1943) đều xác định nhiệm vụ và mục tiêu chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền ở Việt Nam là đánh đổ bọn đế quốc, phong kiến, giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày. Đó là một quá trình phát triển qua những giai đoạn chiến lược khác nhau, phù hợp với thực tiễn Việt Nam cũng như yêu cầu tập hợp lực lượng cách mạng cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, chủ trương đó đã có thời kỳ vấp phải sự phản ứng và phê phán gay gắt từ phía Quốc tế Cộng sản và những người cùng chung chí hướng. Song bằng bản lĩnh và trí tuệ của mình, Đảng ta đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, vượt qua những rào cản của những tư tưởng và khuôn mẫu giáo điều, kiên định với mục tiêu đã định. Nhờ đó, Đảng đã quy tụ và tập hợp được sức mạnh và lực lượng của toàn thể quốc gia dân tộc, làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó chính là biểu hiện rõ nhất của sự vận dụng sáng tạo lý luận Mác – Lênin về giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp, cũng như góp phần làm phong phú lý luận đó từ điều kiện cụ thể ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Đây cũng là bài học quan trọng ch Đảng ta sau này.

Hai là, sáng tạo trong tập hợp lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc

Tổ chức lực lượng cách mạng là một vấn đề có tầm chiến lược của cách mạng Việt Nam, một bộ phận quan trọng và nét đặc thù trong đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng thời kỳ từ 1930 đến Cách mạng Tháng Tám 1945. Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan điểm mang sắc thái riêng về lực lượng trong cách mạng giải phóng dân tộc.

Nếu chủ nghĩa Mác – Lênin quan niệm, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và đi sâu bàn về liên minh công nông, coi đó là nguyên tắc của cách mạng vô sản; thì Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam lại cho rằng lực lượng cách mạng là toàn dân, tuy nhiên vị trí vai trò của từng giai cấp, bộ phận lại không giống nhau. Theo đó, bộ phận trung tâm trong lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo. Việc đánh giá vai trò của giai cấp nông dân trong khối liên minh ấy của Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam có những nét mới rất sáng tạo. Nếu chủ nghĩa Mác- Lênin nhấn mạnh hạn chế của giai cấp nông dân ở tính chất tư hữu, thì Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta chỉ nêu hạn chế của họ là không có khả năng tự giải phóng, không có khả năng lãnh đạo cách mạng; đồng thời, nhấn mạnh mặt tích cực của nông dân, nhất là khả năng đấu tranh chống áp bức giai cấp và áp bức dân tộc của họ. Hơn nữa, Nguyễn Ái Quốc cho rằng: nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng chỉ rõ: “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo”. Vì thế, cùng với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân là lực lượng chủ công của cách mạng.

Đối với tiểu tư sản, trí thức, nếu chủ nghĩa Mác-Lê nin coi họ là tầng lớp trung gian trong cách mạng vô sản, thì Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam lại coi họ là đồng minh gần gũi của công nhân và nông dân. Cương lĩnh năm 1930 khẳng định: “Đảng phải hết sức liện lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông (...) để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”, đồng thời khẳng định tiểu tư sản là một trong những động lực của cách mạng. Vì thực tế tiểu tư sản, trí thức cũng bị đế quốc, phong kiến áp bức, bóc lột, cũng chịu nỗi nhục của người dân mất nước, và lớp chiến sĩ đầu tiên đi theo xu hướng cách mạng vô sản ở Việt Nam phần lớn xuất thân từ những người trong số họ. Theo Nguyễn Ái Quốc, mặt tích cực của họ là ở chỗ: họ “có đầu óc dân tộc và đầu óc cách mạng”.

Trọng trí thức cũng là một chính sách được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sớm quan tâm và được Đảng nhận thức ngày càng cụ thể, rõ ràng hơn trong quá trình vận động cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta. Vai trò ngày càng tích cực của tiểu tư sản trí thức, sinh viên, học sinh thông qua các cuộc đấu tranh rất sôi nổi ở các đô thị trước và trong Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh cho sự nhận định đúng đắn của Hồ Chí Minh và Đảng ta về năng lực hoạt động cách mạng của họ.

Tầng lớp tư sản dân tộc được Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trước hết, hơn ai hết là vị lãnh tụ của Đảng nhìn nhận rất đầy đủ, cụ thể và thấu đáo. Trong khi lý luận của C.Mác coi toàn bộ giai cấp tư sản là đối tượng của cách mạng vô sản thì V.I.Lênin là người đầu tiên nhận thấy và đánh giá cao vai trò của giai cấp tư sản dân tộc khi họ đóng vai trò lãnh đạo phong trào dân tộc dân chủ đầu thế kỷ XX ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... Cả V.I.Lênin và Hồ Chí Minh đều nhận rõ hạn chế lớn nhất của giai cấp này là ở tính không triệt để trong cách mạng, nhưng mặt ưu điểm của họ là tính dân chủ cao. Sáng tạo tư tưởng của lê nin, Hồ Chí Minh còn chú ý nhiều hơn đến yếu tố dân tộc trong họ. Thời kỳ 1936-1939, Đảng đã chủ trương tổ chức Mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi, “không những chỉ có nhân dân lao động mà gồm cả giai cấp tư sản dân tộc”.

Đối với giai cấp địa chủ phong kiến, nếu chỉ đơn thuần xét về mặt lý luận thì rõ ràng là đối tượng của cách mạng dân tộc dân chủ và không còn có vai trò tích cực trong lịch sử. Tuy nhiên, trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể của một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phân biệt rõ đặc điểm và thái độ của từng bộ phận trong giai cấp này, thấy rõ những yếu tố tích cực để lôi kéo họ về hàng ngũ cách mạng. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã chủ trương “sớm hình thành tư tưởng phân hóa giai cấp địa chủ phong kiến”. Vì thế, ngay từ đầu Đảng ta đã xác định: bộ phận đại địa chủ phong kiến mà quyền lợi hoàn toàn gắn bó với đế quốc, đứng hẳn về phía phản cách mạng thì phải kiên quyết đánh đổ. Còn lại, bộ phận tiểu, trung địa chủ, và số ít đại địa chủ mà thái độ còn đang “lừng chừng”, do dự thì phải tranh thủ họ, lôi kéo họ về phía cách mạng để chống kẻ thù dân tộc hoặc “ít lâu sau cho họ đứng trung lập.

Như vậy, theo quan điểm của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng trong cách mạng giải phóng dân tộc ở nước thuộc địa nửa phong kiến, mà cụ thể là ở Việt Nam không hề bó hẹp trong khuôn mẫu của lý luận, mà là toàn thể dân tộc, đoàn kết thành một khối thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là một đóng góp vừa sáng tạo, vừa thực tế.

Ba là, sáng tạo trong lựa chọn phương pháp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Muốn đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi, điều quan trọng trước tiên là phải xác định đúng phương hướng và mục tiêu chiến lược cũng như phương hướng và mục tiêu cụ thể của mỗi thời kỳ. Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng bạo lực cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà còn có những đóng góp quan trọng, làm phong phú thêm kho tàng lý luận đó.

Lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra tính tất yếu phải sử dụng bạo lực cách mạng trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ sự thống trị của chủ nghĩa tư bản, xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội mới; đồng thời chỉ rõ những nguyên tắc cơ bản để khởi nghĩa vũ trang giành thắng lợi. Cách mạng Tháng Mười Nga được tiến hành bằng khởi nghĩa vũ trang, trong đó về lực lượng, ngoài giai cấp công nhân còn thêm nông dân, binh lính, quân đội cách mạng; khởi nghĩa diễn ra trước hết ở đô thị, sau đó mới toả về nông thôn nắm chính quyền. Đảng Cộng sản Trung Quốc thì chủ trương “lấy nông dân làm quân chủ lực”, “lấy nông thôn bao vây thành thị”. Từ quan điểm bạo lực như vậy nên chiến tranh cách mạng ở Trung Quốc thực chất là chiến tranh của nông dân, chiến tranh của quân đội. Nhiệm vụ chính và hình thức cao nhất của cách mạng Trung Quốc là dùng vũ trang đoạt lấy chính quyền, “chính quyền đẻ ra trên nòng súng”.

Ở Việt Nam, từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền, Đảng ta đều khẳng định, bạo lực cách mạng là phương thức cơ bản để đạt mục đích của cách mạng Việt Nam, là phương thức để xoá bỏ các mâu thuẫn đối kháng trong xã hội nước ta. Sức mạnh bạo lực là sức mạnh của toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Con đường giành chính quyền được tiến hành bằng khởi nghĩa vũ trang. Khi chưa có tình thế cách mạng, Đảng chủ trương đưa quần chúng ra đấu tranh để giành “phần ít”, thông qua đó từng bước tập dượt quần chúng và phong trào cách mạng. Khi thời cơ đến phải nhanh chóng chớp thời cơ, phát động quần chúng đứng lên đấu tranh giành chính quyền. Thực tiễn Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của một quá trình chuẩn bị đấu tranh cách mạng lâu dài, trải qua 3 lần tổng diễn tập trước đó. Đó là một cuộc cách mạng bạo lực kết hợp chặt chẽ lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, lấy đấu tranh chính trị làm chính. Hình thái khởi nghĩa là từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa, gắn việc giành chính quyền về tay nhân dân với việc bảo vệ thành quả cách mạng. Đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa là một điển hình sáng tạo của Đảng và Hồ Chí Minh trong việc vận dụng lý luận Mác - Lênin về khởi nghĩa vũ trang.

Những sáng tạo của Đảng trong hoạch định phương pháp cách mạng chính là nhân tố hàng đầu đưa đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên mới cho cách mạng Việt Nam – Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là cơ sở để Đảng tiếp tục bổ sung, phát triển và hoàn thiện đường lối, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến thắng lợi, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thu non sốn về một mối; góp phần bổ sung, phát triển và làm phong phú thêm kho tàng lý luận Mác - Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa nửa phong kiến.

Thành công của Đảng trong hoạch định đường lối và phương pháp cách mạng thời kỳ 1930-1945, là bắt nguồn từ bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong việc tiếp thu và vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, có tham khảo những kinh nghiệm tốt của thế giới nhưng không sao chép bất cứ một mô hình có sẵn nào. Sáng tạo đó vẫn là nhữn bài học quan trọng, còn nguyên giá trị trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay của Đảng ta và Nhân dân ta.

ĐẠI TÁ, PGS.TS. Nguyễn Văn Sự

Học viện Chính trị -Bộ Quốc phòng

...