Châu Á đang là điểm sáng của tăng trưởng toàn cầu (Ảnh: Business Insider).
Cụm từ “công xưởng châu Á” mô tả một trong những thành tựu kinh tế ấn tượng nhất trong lịch sử của khu vực. Trong nửa thế kỷ vừa qua, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và gần đây hơn là Trung Quốc đã trở thành những trung tâm sản xuất hàng hóa nhộn nhịp. Từ đây, hàng hóa được xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây. Hàng triệu người châu Á thoát nghèo nhờ làm công việc lắp ráp và chế tạo, nhiều người trở nên thịnh vượng. Tuy nhiên, theo tờ The Economist, hiện mô hình kinh tế của khu vực một lần nữa đang chuyển dịch, gây ra những hậu quả cho châu Á và thế giới.
Sự bùng nổ sản xuất kéo dài ở châu Á đã thúc đẩy làn sóng hội nhập thương mại. Năm 1990, 46% thương mại châu Á diễn ra trong khu vực. Đến năm 2021, con số đó đã tăng lên 58%, đưa châu Á trở thành lục địa hội nhập nhất sau châu Âu. Khi châu Á trở nên giàu có hơn và các công ty ở đây trở nên hùng mạnh hơn, dòng vốn đầu tư cũng dần mang tính khu vực nhiều hơn.
Trong thập kỷ qua, các công ty châu Á đã là những nhà đầu tư nhiệt tình vào các quốc gia lân cận trong cùng khu vực. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại châu Á của chính các nhà đầu tư châu Á đã tăng nhanh gần gấp đôi so với các nhà đầu tư phương Tây. Phần lớn trong số đó đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc cũng là một nhà đầu tư lớn, dòng vốn từ nước này đã chảy tới những quốc gia nghèo hơn, có dân số trẻ hơn. Kết quả là vào năm 2021, người châu Á sở hữu 59% lượng FDI của khu vực (không bao gồm các trung tâm tài chính Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore), tăng từ 48% của năm 2010. Trong khi đó, thị phần FDI của phương Tây đã giảm.
Một bức tranh tương tự xuất hiện trong các luồng vốn tài chính khác. Thị phần cho vay ngân hàng xuyên biên giới của châu Á đã tăng từ mức dưới 40% trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2018-2019 lên 54% hiện nay. Các công ty như Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ của Nhật Bản và Ngân hàng United Oversea của Singapore đã mở rộng hoạt động trong khu vực, ngay cả khi các nhà cho vay phương Tây rút lui.
Những hoạt động tài chính phát triển mà Mỹ thực hiện trong khu vực phần lớn được thực hiện thông qua các ngân hàng đa phương. Các nước châu Á là những người cho vay lớn hơn và cũng là những người cho vay trực tiếp. Từ năm 2015 đến năm 2021, Trung Quốc cam kết đầu tư trung bình 5,5 tỷ USD cho khu vực mỗi năm, tiếp theo là Nhật Bản với 4 tỷ USD và Hàn Quốc với 2,9 tỷ USD. Phần lớn các khoản vay này đi kèm với việc chuyển giao chuyên môn kỹ thuật.
Sự hội nhập của châu Á có thể sẽ sâu sắc hơn nữa trong tương lai. Các hiệp định thương mại tiên tiến mới như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã loại bỏ một số rào cản đối với thương mại. Khi chuỗi cung ứng ngày càng trở nên phức tạp hơn, sẽ cần nhiều nguồn đầu tư xuyên biên giới hơn vào lĩnh vực hậu cần (logistic). Trong bối cảnh khi các công ty trong khu vực đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, họ đã lựa chọn Ấn Độ hoặc Việt Nam làm điểm đến.
Để tăng triển vọng kinh tế của khu vực, người tiêu dùng châu Á cần tăng cường hội nhập. Hiện nay, phần lớn thương mại xuyên Á là đầu vào trung gian, được sử dụng để sản xuất hàng hóa thành phẩm chứ không phải là hàng tiêu dùng. Nhưng trong 5 năm tới, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, các nền kinh tế châu Á mới nổi và đang phát triển có khả năng tăng trưởng 4,5% mỗi năm, nhanh gấp ba lần so với các nước tiên tiến. Khi người tiêu dùng giàu hơn, họ sẽ mua nhiều hơn hàng hóa từ chính “hàng xóm” của họ.
Cần lưu ý rằng hiện sự chênh lệch về thu nhập trên khắp châu Á là rất lớn. Thống kê cho thấy thu nhập đầu người trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực dao động từ 8.000 USD ở Ấn Độ đến 49.000 USD ở Nhật Bản (số liệu đã được điều chỉnh theo sức mua). Giống như việc hội nhập ở EU đã giúp thu nhập ở Đông Âu bắt kịp với thu nhập ở Tây Âu, hội nhập ở châu Á cũng sẽ giúp nâng cao thu nhập ở phía Nam và Đông Nam châu Á. Tiền tiết kiệm của các nước châu Á giàu có và già hóa đang được sử dụng hiệu quả ở các nước nghèo và trẻ hơn, nơi chúng giúp mang lại sự thịnh vượng, đồng thời tạo ra lợi nhuận lành mạnh cho các nhà đầu tư. Thương mại gia tăng sẽ làm giảm giá cho người tiêu dùng và đầu tư nhiều hơn sẽ làm giảm chi phí vốn.
Mặc dù Mỹ vẫn là nhà đầu tư quan trọng trong khu vực, nhưng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của nước này sẽ bị suy giảm. Xét về mặt tương đối, cường quốc lớn nhất thế giới đã mất đi ảnh hưởng tài chính. Do đó, nước này sẽ thu được ít lợi nhuận tương đối hơn từ sự bùng nổ sắp tới ở châu Á. Hơn nữa, các nhà chính trị gia Mỹ không “mặn mà” với các thỏa thuận thương mại tự do, vốn là phương tiện hữu hiệu giúp kết nối thương mại với khu vực châu Á. Khi tìm cách xây dựng các liên minh ở châu Á, Mỹ có ít “củ cà rốt” kinh tế hơn để chào mời so với trước đây.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là khu vực châu Á sẽ bị thống trị bởi Trung Quốc - cường quốc lớn nhất trong khu vực. Đúng là Trung Quốc đã đạt được ảnh hưởng thông qua sức nặng thương mại khổng lồ và sáng kiến "Vành đai và Con đường". Nhưng nhiều nước châu Á đang bứt phá độc lập và có các lối đi của riêng các nước. Các nền dân chủ châu Á giàu có và trưởng thành khác như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là đối trọng quan trọng đối với Trung Quốc.
Theo một cuộc khảo sát của Viện Iseas-Yusof Ishak ở Singapore, viện trợ phát triển lâu dài của Nhật Bản cho Đông Nam Á giúp giải thích lý do vì sao giới tinh hoa trong khu vực cho rằng Nhật Bản là cường quốc đáng tin cậy nhất châu Á. Trong khi đó, Hàn Quốc tự hào về quá trình chuyển đổi nhanh chóng từ nước nhận viện trợ sang nước tài trợ lớn./.
Thông tấn xã Việt Nam