11/01/2025 lúc 10:59 (GMT+7)
Breaking News

Các quốc gia cần chia sẻ thông tin miễn trừ bản quyền đối với vaccine COVID-19

Đây chính là mong muốn của Việt Nam đã được Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chia sẻ tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, được diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 13/5 vừa qua.

Đây chính là mong muốn của Việt Nam đã được Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chia sẻ tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, được diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 13/5 vừa qua.

Theo đó, Việt Nam mong muốn các quốc gia chia sẻ thông tin miễn trừ bản quyền đối với vaccine COVID-19 để các loại vaccine sớm được phổ biến rộng rãi ở tất cả các nước trên thế giới. Chia sẻ quan điểm liên quan đến việc Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố ủng hộ việc miễn trừ bản quyền đối với vaccine ngừa COVID-19, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát và các nước nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh, Việt Nam đã rất nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng COVID-19 trên thế giới để sớm nhập khẩu về sử dụng trong nước.

Ảnh minh họa (Internet)

Cho đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được một số nguồn cung cấp vaccine có cam kết cung ứng từ Chương trình COVAX facilities, từ nhà sản xuất và cung cấp vaccine AstraZeneca. Song sóng với đó, Việt Nam cũng đang thực hiện tiêm chủng cho những đối tượng được ưu tiên.

Ngoài nguồn cung cấp vaccine nhập khẩu, Việt Nam đang thúc đẩy nghiên cứu, phát triển vaccine ở trong nước. Vaccine do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong năm 2022 để có thể chủ động nguồn cung, an ninh y tế, ứng phó khi đại dịch xảy ra trong tương lai.

Bà Lê Thị Thu Hằng đã nhấn mạnh: "Đồng thời, để mở ra cơ hội khống chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này, Việt Nam cũng mong muốn các quốc gia chia sẻ thông tin miễn trừ bản quyền đối với vaccine COVID-19 để các loại vaccine sớm được phổ biến rộng rãi ở tất cả các nước trên thế giới.”

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, có khả năng Việt Nam sẽ điều chỉnh chính sách về nhập cảnh. Liên quan đến vấn đề này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin thêm: Trước diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp trên thế giới, để đảm bảo mục tiêu an toàn phòng chống dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng một số biện pháp, trong đó có tạm dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài và chỉ giải quyết cho người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kĩ thuật, lao động tay nghề cao và nhà quản lý doanh nghiệp vào Việt Nam làm việc và phải bảo đảm các phương án cách ly và yêu cầu về y tế.

Ngoài ra, trong thời gian hiện nay, Việt Nam cũng đã quyết định tạm dừng, hạn chế việc nhập cảnh đối với người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài để tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở trong nước.

Song song với đó, Bộ Ngoại giao đang tích cực theo dõi, tiếp tục cập nhật thông tin về diễn biến dịch bệnh trên thế giới, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để có các biện pháp nới lỏng hoặc thắt chặt nhập cảnh, phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép, phòng chống dịch bệnh.

Liên quan đến tình hình người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bị mắc COVID-19, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, thời gian vừa qua, có một số người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam dương tính với SARS-CoV-2. Trên tinh thần nhân đạo, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã quan tâm và hỗ trợ người nước ngoài ở Việt Nam điều trị tích cực, bảo đảm an toàn và được giám sát, chăm sóc y tế.

“Các thương gia, chuyên gia nước ngoài nhập cảnh phải tuân thủ các quy định xuất nhập cảnh và phòng chống dịch bệnh của Việt Nam hiện nay. Các cơ quan chức năng và địa phương liên quan sẽ thực hiện việc quản lý người nhập cảnh theo đúng thẩm quyền và phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh trong nước và thế giới”, Người Phát ngôn khẳng định.