23/12/2024 lúc 05:55 (GMT+7)
Breaking News

Các ngân hàng “chạy đua” tăng lãi suất huy động

Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã nhích lên từ 0,1 - 0,3%/năm trong những ngày đầu tháng 5. Tín dụng cải thiện khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay.
Các ngân hàng “chạy đua” tăng lãi suất huy động

Xét về lãi suất huy động, Techcombank vẫn đang dẫn đầu với 7,8%/năm. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Tiếp sau đó là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) với 7,6%/năm, NamABank 7,4%/năm. Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), MSB hay VietCapitalBank áp dụng lãi suất cao nhất từ 7 - 7,1%/năm... đi kèm một số điều kiện riêng.

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại nhóm "Big 4" là Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tiếp tục giữ ổn định, cao nhất ở mức 5,5 - 5,6%/năm.

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa tăng mạnh lãi suất tiền gửi cả trên kênh huy động trực tuyến lẫn tại quầy. Hiện lãi suất tiết kiệm online cao nhất tại SHB lên đến 6,7%/năm cho kỳ hạn từ 36 tháng, tăng 0,35%/năm so với trước và 6,4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, tăng 0,3%/năm.

Với tiền gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất huy động cũng tăng 0,4%/năm lên mức 6,5 - 6,6%/năm với kỳ hạn 36 tháng và 6,1 - 6,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng.

Ngân hàng SHB cũng niêm yết lãi suất chứng chỉ tiền gửi Phát Lộc lên tới 7,4%/năm với kỳ hạn 8 năm và 7,2%/năm với kỳ hạn 6 năm.

Lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) cũng tăng từ 0,15 - 0,24%/năm tại một số kỳ hạn. Trong số đó, lãi suất kỳ hạn 24 tháng tăng 0,24%/năm lên 5,75%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,18%/năm lên mức 5,39%/năm...

Trước đó, từ nửa cuối tháng 4, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất như: Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)... Mức tăng tại các ngân hàng này dao động từ 0,1 - 0,4%/năm tùy từng kỳ hạn.

Công ty Chứng khoán VCBS nhận định, mặt bằng lãi suất năm nay khó có khả năng giảm so với cuối năm 2021, thậm chí có thể tăng trở lại, với mức tăng khoảng 0,5 - 1%/năm, đặc biệt là trong nửa cuối năm nay.

Còn theo chứng khoán SSI, thanh khoản trên thị trường chứng khoán chậm lại và mặt bằng lãi suất huy động nhích tăng đã giúp dòng tiền cá nhân gửi vào ngân hàng có xu hướng tăng.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy dòng tiền nhàn rỗi của dân cư đang quay trở về hệ thống ngân hàng. Tại thời điểm cuối tháng 2/2022, tiền gửi của khách hàng đạt hơn 11,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm. Trong số đó chủ yếu nhờ tiền gửi từ dân cư tăng.

Sau 2 tháng đầu năm, tiền gửi từ dân cư tăng hơn 159.600 tỷ đồng so với cuối năm 2021, đạt 5,46 triệu tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất huy động có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. “Lãi suất huy động đầu vào sẽ tiếp tục gia tăng ở một số thời điểm do áp lực lạm phát, do người dân vẫn muốn chuyển dịch kênh đầu tư, nhưng các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng vốn tiền gửi từ dân cư và kể cả doanh nghiệp”, ông Lực nhận định.

Hiện các doanh nghiệp đang lo ngại về xu hướng lãi suất tăng, khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng. Trong khi đang gặp khó khăn về dòng tiền, giờ nếu tăng thêm chi phí lãi suất sẽ dẫn đến phải thu hẹp hoạt động, không thể mở rộng đầu tư, tăng sản xuất.

Trong khi đó, gói hỗ trợ 2% vốn vay được Chính phủ ban hành từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa đi vào thực tế. Doanh nghiệp đang cần nguồn vốn rẻ vẫn phải chờ đợi. Đây là một vòng luẩn quẩn cần được tháo gỡ kịp thời.

Vân Anh