26/01/2025 lúc 13:58 (GMT+7)
Breaking News

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại một số nước châu Á và bài học cho Việt Nam

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là lực lượng kinh tế chính yếu tại Việt Nam, chiếm tới hơn 90% tổng số các doanh nghiệp hiện có, có đóng góp đáng kể đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các DNNVV tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn như về nguồn vốn, nguồn khách hàng và các vấn đề pháp lý, dẫn tới việc các doanh nghiệp này không phát triển được hết tiềm năng.

Ảnh minh họa - TL

Kinh nghiệm của Nhật Bản

Trước khi ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 1949, Nhật Bản đã thành lập cơ quan đặc biệt nhằm hỗ trợ khu vực này (gọi là SMEA). Mục đích của Luật này nhằm đảm bảo các cơ hội kinh doanh và tính công bằng trong cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhật Bản; Cải thiện hệ thống thuế bao gồm cả việc hạch toán, thu thuế, hoàn thuế đơn giản hơn góp phần hỗ trợ DNNVV. Trong thời kỳ 1945 – 1972, Nhật Bản chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp, góp phần tạo nền tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Đến năm 1963 Đạo luật này được chỉnh sửa và tiếp tục được hoàn thiện vào năm 1999 để phù hợp với tình hình, nhất là sự phát triển của các công ty khởi nghiệp. Các nội dung quan trọng được đề cập tới bao gồm: (i) Thúc đẩy sáng tạo kinh doanh và khởi nghiệp, các hoạt động sáng tạo bên trong DNNVV; (ii) tăng cường sức mạnh cho các DNNVV thông qua hỗ trợ sáp nhập các nguồn lực và nâng cao sự công bằng trong các giao dịch của khu vực doanh nghiệp này; (iii) tăng tính ổn định của môi trường kinh doanh và thúc đẩy sự chuyển biến trong DNNVV, thích ứng với môi trường kinh doanh mới và (iv) hỗ trợ cung cấp tài chính và nâng cao vốn tự có cho các DNNVV.

Ngoài khung chính sách trên, chính phủ Nhật Bản còn thiết kế một cơ chế hỗ trợ đặc biệt thông qua chương trình “J-startup”. Chương trình nhằm thu hút và ươm tạo các công ty khởi nghiệp cả trong và ngoài nước Nhật (METI Japan, 2020). J-startup khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân hỗ trợ thành lập các công ty khởi nghiệp và DNNVV thông qua mô hình hợp tác như tham gia vào kinh doanh mạo hiểm cùng các công ty này. Kết quả, tổng giá trị hoạt động kinh doanh mạo hiểm đã lên tới 1 tỷ USD vào năm 2023. Cả chính phủ và khu vực tư nhân tham gia hỗ trợ công ty khởi nghiệp và các DNNVV.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Sau chiến tranh, vào những năm 1960 và 1970, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành các chính sách nhằm khuyến khích sự phát triển của các DNNVV thông qua kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm. Tuy nhiên, ở thời điểm đó dấu ấn chính sách nằm ở các doanh nghiệp có quy mô lớn nhiều hơn (Dollar và Sokoloff, 1990). Chính phủ sau đó tin rằng khu vực DNNVV mới là động cơ chính cho tăng trưởng kinh tế (Sung và cộng sự, 2016). Trong những năm 1980, chính phủ Hàn Quốc thay đổi và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các DNNVV hơn. Chính sách cho các DNNVV được nhấn mạnh trong Hiến pháp tại Điều 123, chỉ rõ “Nhà nước cần bảo vệ và thúc đẩy DNNVV”.

Nhìn chung, các đạo luật hỗ trợ DNNVV của Hàn Quốc là tương đối toàn diện. Mục tiêu của chính phủ Hàn Quốc là gia tăng số lượng DNNVV nên bên cạnh các đạo luật hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, các giải pháp chính sách cũng được thực thi bao gồm chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi và bảo đảm tín dụng (Deliotte, 2019). Về mặt thể chế, sự tồn tại Bộ các doanh nghiệp khởi nghiệp và các DNNVV của Hàn Quốc hướng đến mục tiêu: (i) Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nhằm nâng cao tính cạnh tranh của các DNNVV; (ii) thúc đẩy khởi nghiệp để hướng nền kinh tế Hàn Quốc thành “quốc gia khởi nghiệp”; (iii) hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tự làm chủ với cơ chế chính sách mục tiêu riêng biệt; (iv) đặt nền móng hướng tới nền kinh tế công bằng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên sự hợp tác cùng có lợi.

Kinh nghiệm của Malaysia và Thái Lan

Nhằm triển khai chiến lược phát triển kinh tế dựa trên sự năng động của khu vực DNNVV, từ năm 1996, Chính phủ Malaysia đã cho thành lập tổ chức đặc biệt hỗ trợ DNNVV, gọi là SMIDEC. Kế hoạch chiến lược lần 2 giai đoạn 1996 – 2006 tập trung vào các chính sách hỗ trợ DNNVV như tiếp cận thị trường, tăng cường năng lực khoa học công nghệ, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp cận tài chính (Chin và Lim, 2018). Trong giai đoạn 2006-2020, nhận thức được tầm quan trọng của các doanh nghiệp khởi nghiệp, kế hoạch chiến lược lần 3 của chính phủ Malaysia đã nhấn mạnh thêm đến các giải pháp hỗ trợ các công ty khởi nghiệp. Tầm nhìn của Malaysia được mô tả trong chiến lược hỗ trợ các DNNVV bao gồm: (i) Tăng cường năng lực cạnh tranh của các DNNVV; (ii) tận dụng nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài; (iii) dẫn dắt sự tăng trưởng của các DNNVV thông qua công nghệ, tri thức và đổi mới; (iv) thiết lập một chính sách gắn kết hơn trên một nền tảng thể chế phù hợp; (v) thúc đẩy tăng trưởng và phát triển các DNNVV trong ngành dịch vụ.

Tương tự Malaysia, kế hoạch chiến lược của Thái Lan sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 1997 mới bắt đầu chú trọng tới việc hỗ trợ thúc đẩy các DNNVV. Theo đuổi chiến lược hướng ngoại (export led country) từ những năm 1970, các DNNVV trong lĩnh vực sản xuất hướng đến xuất khẩu đã nhận được sự hỗ trợ tốt từ phía chính phủ Thái Lan, kết quả dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ của các doanh nghiệp này. Thái Lan cũng thành lập Trung tâm hỗ trợ DNNVV, gọi tắt là OSMEP (Office of Small Medium Enterprise Promotion). Cơ quan này có tránh nhiệm quản lý quỹ cho vay/đầu tư cho các DNNVV, đồng thời, hàng năm lên kế hoạch tổng thể trình hội đồng quốc gia (đứng đầu là Thủ tướng Thái Lan) đối với việc hỗ trợ DNNVV. Kế hoạch tổng thể cần phù hợp với chiến lược tổng thể và được xây dựng trên 3 cấp độ: địa phương, vùng và quốc gia. Từ năm 2016, nhận thức được tầm quan trọng của các công ty khởi nghiệp, cả Thái Lan và Malaysia đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ dành cho loại hình công ty này.

Bài học cho Việt Nam

Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế của hai nước Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) và hai nước Đông Nam Á (Malaysia, Thái Lan), bài học rút cho Việt Nam bao gồm:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế hỗ trợ cho các DNNVV.

Thể chế bao gồm các quy định pháp lý, đối tượng tham gia và cơ chế phối hợp. Trong thể chế đối với việc hỗ trợ thì cơ quan đầu mối như trung tâm hỗ trợ DNNVV đóng vai trò rất quan trọng. Kinh nghiệm tại các nước cho thấy sự xuất hiện của tổ chức kết nối giữa DNNVV với chính phủ. Tổ chức này có nhiệm vụ lên kế hoạch hằng năm phù hợp với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế, xã hội; chủ trì và phối hợp thực thi các kế hoạch hỗ trợ DNNVV. Bên cạnh cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm cho việc thúc đẩy sự hỗ trợ DNNVV, hệ thống các quy định pháp luật đóng vai trò không nhỏ. Bài học từ các quốc gia cho thấy hệ thống đạo luật cần toàn diện trên các khía cạnh như nội dung hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ, phạm vi hỗ trợ. Tổng hợp kinh nghiệm các nước cho thấy, hiện nay có 8 nội dung luật cần quan tâm bao gồm: (i) Khuyến khích các DNNVV và công ty khởi nghiệp; (ii) chính phủ trợ cấp cho các DNNVV và công ty khởi nghiệp; (iii) cơ chế tài chính – tín dụng hỗ trợ công ty khởi nghiệp, DNNVV; (iv) ưu đãi thuế; (v) cơ chế ưu đãi đối với công ty khởi nghiệp nước ngoài; (vi) cơ chế đầu tư vốn hợp tác giữa doanh nghiệp lớn và DNNVV, các công ty khởi nghiệp; (vii) hỗ trợ đào tạo các DNNVV chuyển đổi số; (viii) cơ chế hỗ trợ sự tồn tại của các công ty khởi nghiệp, DNNVV trong điều kiện bất ổn.

Thứ hai, tăng cường tính đặc thù trong các chính sách hỗ trợ DNNVV và các công ty khởi nghiệp.

Dữ liệu từ các đạo luật hỗ trợ, các chính sách hỗ trợ DNNVV hay các công ty khởi nghiệp ở các nước dường như đi theo một công thức chung, thiếu sự khác biệt. Định hướng nền kinh tế đi theo mô hình đổi mới sáng tạo cần sự đổi mới sáng tạo ngay trong công tác ban hành cơ chế chính sách. Sự sáng tạo hay khác biệt đến từ các vùng miền khác nhau, sẽ đưa ra cơ chế chính sách phù hợp hơn với các DNNVV, các công ty khởi nghiệp. Xây dựng cơ chế chính sách cho các công ty khởi nghiệp và các DNNVV nên được tiếp cận theo kênh từ dưới lên (bottom-up) nhằm tạo ra các giải pháp chính sách, cơ chế đặc thù hơn. Việc tiếp cận theo kênh từ trên xuống (Top-down) dẫn đến hệ quả như hiện nay là thiên hướng tập trung quá nhiều vào ngành liên quan tới dịch vụ, công nghệ thông tin, trong khi đó bỏ quên những ngành kinh tế thực như nông nghiệp, công nghiệp – vốn là những ngành quan trọng tạo nên sự bền vững của nền kinh tế.

Tính đặc thù trong các chính sách hỗ trợ DNNVV, công ty khởi nghiệp còn thể hiện ở các mô hình pháp lý thử nghiệm “sandbox”. Bài học từ dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực đồ uống của Thái Lan cho thấy, với quy định pháp lý hiện tại thì chỉ doanh nghiệp lớn mới được bán bia. Điều này vô hình chung hạn chế sự tham gia của các công ty khởi nghiệp hoặc các DNNVV có những sản phẩm bia mới. Do đó, các mô hình pháp lý thử nghiệm có thể giúp cho các công ty khởi nghiệp hay các DNNVV tiếp cận được với thị trường (cả đầu vào và đầu ra) mà trước đây vốn chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn. Tương tự như ở Hàn Quốc, mô hình pháp lý thử nghiệm cũng đã được ra đời nhằm tạo cơ hội cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thông tin có thể tiếp cận thử nghiệm sản phẩm trên thị trường (Im 2020).

Thứ ba, cơ chế tài chính tín dụng cần đi cùng với sự đơn giản hóa trong thủ tục và đa dạng các kênh huy động vốn.

Khảo sát kinh nghiệm tại 4 quốc gia cho thấy, cơ chế tài chính tín dụng được các Chính phủ sử dụng rất nhiều nhằm hỗ trợ các DNNVV và các công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, các doanh nghiệp này được tiếp cận tương đối hạn chế do sự phức tạp trong thủ tục vay (Uchida và cộng sự, 2012). Haron và cộng sự (2013) cho rằng các công ty khởi nghiệp và DNNVV cần đảm bảo hồ sơ pháp lý, tài sản thế chấp và mối quan hệ tốt với các tổ chức tài chính. Do đó, cơ chế tài chính tín dụng cần đi với những thủ tục đơn giản. Bên cạnh đó, cần khuyến khích mô hình huy động vốn từ cộng đồng thông qua các nền tảng được chính phủ xác thực. Mô hình HIT (Hometown Investment Trust) ở Nhật Bản là một minh chứng điển hình. HIT là một kênh cung cấp tài chính bổ sung cho các công ty khởi nghiệp và DNNVV thông qua huy động vốn từ cộng đồng. Chính phủ có thể tiết kiệm được nguồn lực nhờ những mô hình như HIT. Thay vào đó, chính phủ có thể tạo môi trường pháp lý thuận lợi, ví dụ như các sandbox thử nghiệm như Hàn Quốc, nhằm khuyến khích kênh tài chính từ cộng đồng. Bản thân các công ty khởi nghiệp và các DNNVV có thể học hỏi thông qua các chương trình đào tạo đặc thù như huy động vốn trên các nền tảng chia sẻ giống như HIT.

Thứ tư, chú trọng phát triển vốn nhân lực trong nền kinh tế.

Kinh nghiệm của Malaysia và Nhật Bản cho thấy tầm quan trọng của việc thu hút các công ty khởi nghiệp, dự án khởi nghiệp quốc tế vào trong nước. Tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi cùng cơ chế chính sách liên quan phù hợp sẽ tạo ra sự lan tỏa tri thức, công nghệ tốt từ nước ngoài vào nền kinh tế. Vốn nhân lực ngày càng đóng vai trò quan trọng trong một nền kinh tế dựa trên tri thức, đổi mới sáng tạo. Do đó, các chính sách thu hút nhân lực quốc tế thông qua các công ty, dự án khởi nghiệp là cần thiết nhằm hỗ trợ các DNNVV, các công ty khởi nghiệp nội địa.

Phạm Thủy