05/05/2024 lúc 13:11 (GMT+7)
Breaking News

Cà phê Việt khẳng định vị trí tại Anh

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), cùng với việc Anh tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã và đang tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có cà phê. Đây là cơ hội và cũng là động lực để ngành cà phê Việt Nam tiếp tục nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế bằng những chiến lược và chính sách đúng đắn, sự đồng hành từ mỗi cá nhân, doanh nghiệp, địa phương và toàn xã hội.

Cà phê là một trong những sản phẩm đạt được kim ngạch rất cao.

Trong năm 2023, Vương quốc Anh nhập khẩu cà phê từ hơn 60 thị trường. Có 5 thị trường có lượng nhập khẩu đạt trên 1.000 tấn đứng đầu là Việt Nam. Cà phê là một trong những niềm tự hào của Việt Nam, với vị trí hiện nay đứng thứ 2 trên thế giới. Ngành cà phê Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu của mình trong vòng 20 năm trở lại. Có thể thấy, cà phê Việt Nam đang được thế giới đánh giá cao về chất lượng, giàu tiềm năng tăng trưởng về giá trị xuất khẩu và thị phần cà phê của Việt Nam ở Anh đang chiếm thị phần lớn, nhưng chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân, cà phê xanh…

Sau hơn hai năm thực thi, Hiệp định UKVFTA trở thành lực đẩy để hàng hoá Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh nhiều tiềm năng. Với tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam sang Anh đã đạt xấp xỉ 6 tỷ bảng Anh. Trong đó, cà phê là một trong những sản phẩm đạt được kim ngạch rất cao. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 90,8 triệu USD cà phê sang Anh, tăng 61,1% so với năm 2021. 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Anh đạt 58,1 triệu USD. Qua đó, với mức độ phổ biến của cà phê tại Anh dự báo ngành công nghiệp cà phê ở Anh đang có những xu hướng phát triển mới và những xu hướng này sẽ tạo ra những cơ hội mới cho cà phê Việt Nam. Điển hình như cà phê uống lạnh có gia tăng thị phần so với cà phê nóng, yêu cầu về cà phê giao hàng trực tuyến, người tiêu dùng yêu cầu loại cà phê tốt cho sức khỏe, yêu cầu về ăn kiêng, hay các yêu cầu về cà phê dành cho đối tượng dân số trẻ… Những xu hướng đó đang tạo ra thị trường ngày càng lớn cho cà phê Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đưa thuế nhập khẩu xuống 0% đối với hơn 90% các dòng sản phẩm của Việt Nam sang Anh, trong đó có cà phê. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cà phê Việt Nam, giúp cho cà phê Việt Nam có ưu thế cạnh tranh rõ rệt và doanh nghiệp Việt Nam không nên và không thể bỏ lỡ.

Tuy nhiên, điều kiện thuận lợi về thị trường, thuế quan mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tận dụng thuận lợi về tiếp cận thị trường đó phải có chiến lược marketing, chiến lược thương hiệu phù hợp.

Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm, trong đó có quảng bá cà phê tại các hội chợ thực phẩm đồ uống ở London, Birmingham… những thành phố công nghiệp lớn của nước Anh để đưa cà phê thành phẩm của Việt Nam đến người tiêu dùng, nhà phân phối, nhà bán lẻ, nhà bán buôn nước này. Tuy vậy, thành công, hiệu quả của việc đưa thành phẩm của cà phê Việt Nam lên kệ siêu thị đến người tiêu dùng Anh chưa nhiều vì doanh nghiệp Việt Nam làm thương hiệu tại Châu Âu và nước Anh nói chung chưa trúng, chưa đúng với kì vọng, thị hiếu, văn hóa uống cà phê của người Anh. Đây cũng là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài. Do vậy, muốn cải thiện và tăng hiệu quả của thương hiệu cho sản phẩm của Việt Nam tại nước ngoài các doanh nghiệp Việt phải có sự thay đổi về suy nghĩ, có cách nghĩ khác về việc xây dựng, làm thương hiệu. Doanh nghiệp có thể thuê chuyên gia thương hiệu hiểu về văn hóa tiêu dùng, thói quen, lịch sử, thậm chí một chuyên gia về ngôn ngữ, chuyên gia thương hiệu tại chính thị trường mục tiêu thì khả năng thành công sẽ cao hơn.

Ngoài ra, việc phát triển thị trường cà phê nhân xuất khẩu từ Việt Nam sang Châu Âu hay sang Anh không có trở ngại lớn tuy nhiên các doanh nghiệp phải có chiến lược tiếp cận thị trường phù hợp để quảng bá sản phẩm và xây dựng lòng tin với các mặt hàng tiềm năng. Cùng với đó, phải đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng tại nước ngoài.