VNHN - Ngành sữa trong nước vẫn là yếu tố tăng trưởng cốt lõi của Vinamlik. Theo BVSC, lợi nhuận của Vinamilk có thể đạt 10.793 tỷ đồng trong 2018, tăng trưởng 5%.
Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), với dân số trẻ, tốc độ đô thị hoá cao, thu nhập bình quân trên đà tăng và tiêu thụ sữa bình quân đầu người còn thấp, ngành sữa Việt Nam vẫn rất khả quan và tiếp tục bám theo dự báo tăng trưởng kép từ 7-9% trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, với thị phần lớn nhất và đã đứng đầu đa số các phân khúc, BVSC chỉ kỳ vọng CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) tăng trưởng bằng với mức bình quân chung của ngành. Nói cách khác, VNM sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm và ổn định hơn trong thời gian tới.
Năm 2018, BVSC dự báo doanh thu thuần cả năm của VNM đạt 54.486 tỷ đồng, tăng 7% và lợi nhuận sau thuế đạt 10.793 tỷ đồng, tăng trưởng 5%. EPS dự phóng đạt 6.714 đồng/cp tương ứng với P/E 26,8 lần.
BVSC giả định, doanh thu nội địa tăng trưởng 7%, bằng với mức dự báo tăng trưởng chung của thị trường. Doanh thu xuất khẩu giả định giảm 15% do lo ngại về thị trường Iraq. Biên gộp ước tính mức 45,3% so với 47,5% trong năm 2017 do quan ngại về chi phí sữa bột tăng. Giả định này tương ứng với giá SMP 2.000 USD/tấn và WMP 2.900 - 3.000 USD/tấn trong khi giá sữa thu mua trong nước tiếp tục được giữ nguyên. Tỷ lệ SG&A trên doanh thu cả năm trong giả định ở mức 23%, cao hơn mức quý I là 21,1%.
Ảnh minh họa
Hoạt động M&A có thể tạo ra động lực tăng trưởng mới. Trong chiến lược phát triển 5 năm 2017-2021, VNM có đề cập rõ định hướng tăng cường M&A tại các nước trong khu vực để tăng năng lực sản xuất và cung cấp nguồn nguyên liệu.
Với nguồn tiền mặt gần 10.000 tỷ đồng vào cuối quý I và khả năng tạo ra dòng tiền từ HĐKD dương hơn 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong khi tổng đầu tư dự kiến trong cả giai đoạn 2017-2021 chỉ ở mức 17.000 tỷ đồng, VNM đang có rất nhiều nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động M&A nếu cần thiết. Thực tế việc mua lại 65% CTCP Đường Khánh Hoà trong năm ngoái cho thấy VNM ngày càng chú tâm đến hoạt động M&A.
Cuộc chạy đua giữa nhóm cổ đông F&N và Jardine cũng là một điểm nhấn rất quan trọng. Hiện F&N và Jardine đều đang là cổ đông lớn của VNM với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 19,5% và 10%.
BVSC cho rằng có cơ sở để cho rằng 2 cổ đông này rất quan tâm phần nắm giữ còn lại của SCIC (36%). Nếu SCIC thoái lô lớn thì bên nào mua được sẽ tiến rất gần đến việc nắm quyền kiểm soát VNM. Ở những trường hợp như vậy thì mức giá thoái vốn có thể sẽ đạt được mức rất cao tương tự như trường hợp của Sabeco. Mới đây nhóm Jardine cũng đăng ký mua thêm 14,5 triệu cổ phiếu VNM để nâng sở hữu lên hơn 11%.