21/01/2025 lúc 07:48 (GMT+7)
Breaking News

BV TƯ Quân đội 108 kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống và đón nhận danh hiệu AHLĐ

Sáng 19/4, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã tới dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống (1/4/1951-1/4/2021) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Sáng 19/4, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã tới dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống (1/4/1951-1/4/2021) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Cùng dự buổi lễ còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng Bệnh viện.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tập thể cán bộ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: VGP/Đình Nam

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được thành lập ngày 1/4/1951 tại làng Nông, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên và gắn liền với các tên gọi Bệnh viện Trung ương Yên Trạch, Phân Viện 8, Quân y Viện 108, Viện Quân y 108 và ngày nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Khi mới ra đời tại tỉnh Thái Nguyên, cơ sở vật chất của Bệnh viện còn nghèo nàn, lạc hậu với 30 cán bộ, nhân viên phục vụ và 100 giường bệnh. Trong điều kiện đó, các chiến sĩ áo trắng của Bệnh viện đã dũng cảm, vượt qua mọi gian nan thử thách, vừa cứu chữa thương bệnh binh, vừa tham gia chiến đấu, góp phần quan trọng vào việc nâng cao sức mạnh chiến đấu cho bộ đội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm quân y.

Năm 1954, hòa bình lập lại, Bệnh viện chuyển về Thủ đô Hà Nội và tập trung củng cố cơ sở vật chất để triển khai nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt, khi bước vào thời kỳ Đổi mới, Bệnh viện không ngừng đầu tư về mọi mặt, cả về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật và trở thành Bệnh viện Đa khoa, chuyên khoa sâu tuyến cuối toàn quân.

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phát triển lớn mạnh, xây dựng được đội ngũ cán bộ thầy thuốc hùng hậu với hơn 700 bác sĩ, dược sĩ đang công tác, gồm 45 Giáo sư và Phó Giáo sư, hơn 150 Tiến sĩ, hơn 280 bác sĩ chuyên khoa cấp I, II và thạc sĩ; hơn 1.800 điều dưỡng, kỹ thuật viên trong đó hơn 70% có trình độ cao đẳng và đại học. Bệnh viện đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước (vào năm 1985 và năm 2018); 1 lần được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” (vào năm 2020) cùng nhiều huân, huy chương, cờ thi đua các loại của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Trong 7 năm qua, số lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện liên tục tăng cao. Năm 2014, Bệnh viện tiếp nhận trung bình từ 1.500 đến 1.800 người/ngày thì nay, số lượng bệnh nhân đến khám trung bình luôn ở mức 4.500 đến 5.500 người/ngày. Cùng với đó, Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị người bệnh, trong đó có những kỹ thuật mũi nhọn đạt tầm khu vực và quốc tế.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là một trong những trung tâm hàng đầu triển khai nhiều kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người như: ghép tế bào gốc, ghép tủy, ghép giác mạc, ghép thận thường quy, ghép gan từ người cho sống, lấy - ghép đa phủ tạng từ người cho chết não...

Tháng 2/2018, Bệnh viện đã tổ chức thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời cũng là ca lấy, ghép và vận chuyển đa phủ tạng xuyên Việt lịch sử, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của y học nước nhà. Tháng 1/2020, Bệnh viện cũng đã tổ chức thực hiện thành công lần đầu tiên ghép chi thể từ người cho sống và tháng 9/2020 thực hiện thành công ca ghép 2 cẳng tay từ người cho chết não đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á.

Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện được 361 ca ghép mô tạng, trong đó ghép thận, ghép gan, ghép tủy, ghép tế bào gốc... thường quy, thực hiện thành công 3 ca ghép phổi từ người cho chết não; 2 ca ghép chi thể, góp phần nâng cao vị thế, trình độ của đội ngũ thầy thuốc bệnh viện lên ngang tầm khu vực và thế giới.