Kết quả chung về tình hình kinh tế - xã hội mà tỉnh Thanh Hoá đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020 không thể không kể đến thành tựu nổi bật về thu hút đầu tư.
Đặc biệt, trong những năm gần đây Thanh Hoá đã và đang nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, bởi chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, môi trường đầu tư khá thông thoáng, lành mạnh.
Một góc khu kinh tế Nghi Sơn
Thu hút các dự án đầu tư lớn:
Trong 5 năm qua (2016 - 2020), Thanh Hóa thu hút hơn 1.070 dự án đầu tư trực tiếp, bao gồm 76 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tổng vốn đăng ký lần lượt hơn 114.500 tỷ đồng và hơn 3,6 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI, là điểm đến của nhiều tập đoàn công nghiệp trên thế giới. Vừa qua, Foxconn, Tập đoàn công nghiệp chuyên sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử cho nhiều "ông lớn" công nghệ toàn cầu, trong đó có Apple vừa tìm kiếm các địa điểm để đặt nhà máy tại Thanh Hóa. Theo dự kiến sẽ có 3 địa điểm được lựa chọn để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện là Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn, Khu công nghiệp (KCN) phía Tây TP Thanh Hóa hoặc KCN tại huyện Thiệu Hóa.
Trước đó, vào tháng 12/2020, công ty WHA Industrial Development (Thái Lan) quyết định nghiên cứu đầu tư 2 dự án xây dựng hạ tầng KCN tại Thanh Hóa với tổng mức đầu tư khoảng 335 triệu USD. Tổng diện tích khoảng 1.339 ha, bao gồm 539 ha tại KKT Nghi Sơn và 800 ha tại KCN Phú Quý. Công ty WHA có kinh nghiệm 30 năm phát triển BĐS KCN, từng đầu tư hơn 3.200 ha KCN tại dự án KCN WHA IZ 1 – Nghệ An thuộc KKT Đông Nam Nghệ An.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hoá có KKT Nghi Sơn, diện tích 106.000 ha và 8 KCN đang hoạt động gồm KCN Lễ Môn, Đình Hương – Tây Bắc Ga, Bỉm Sơn, Hoàng Long, Lam Sơn – Sao Vàng, Ngọc Lặc, Bãi Trành và Thạch Quảng. Một số dự án đầu tư lớn tại đây như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 - 2, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn...
Theo quy hoạch phát triển các KKT, KCN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa sẽ phát triển thêm KKT Cửa khẩu Na Mèo thuộc huyện Quan Sơn và 2 KCN đô thị - dịch vụ phía Tây và phía Bắc TP Thanh Hóa. Trong đó, khu phía Bắc TP Thanh Hóa có diện tích 800 ha, mục tiêu phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, hướng đến nền “công nghiệp 4.0”. Còn khu phía Tây TP Thanh Hóa quy hoạch tổng diện tích 1.200 ha, bao gồm 900 ha phát triển KCN còn lại là khu đô thị, khu công cộng.
Dự án Quảng Trường biển Tp Sầm Sơn của Tập đoàn Sun Group
Thanh Hoá có lợi thế và tiềm năng để thu hút đầu tư lớn:
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, mở ra nhiều cơ hội, phát triển mới cho tỉnh vươn lên trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc. Theo đó, Thanh Hóa cùng với Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng hình thành tứ giác phát triển ở phía bắc của tổ quốc, tầm nhìn đến năm 2045 là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước. Có thể nhận thấy, Chính phủ đã có nhiều kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng tại Thanh Hóa. Tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn Ninh Bình – Thanh Hóa đang được tiến hành và sẽ tác động tích cực, to lớn đến sự phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng của xứ Thanh trong tương lai gần.
Sân bay Thọ Xuân đang được quy hoạch để trở thành sân bay quốc tế
Thanh Hóa có một vị trí chiến lược quan trọng với cảng nước sâu Nghi Sơn với năng lực khai thác hơn 100 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng 100.000 DWT. KKT Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha là một trong số 8 khu kinh tế ven biển được vận hành với những cơ chế ưu đãi đặc biệt về thuế TNDN, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu...Trong khi đó, sân bay Thọ Xuân đang được quy hoạch để trở thành sân bay quốc tế, cửa khẩu Na Mèo giúp liên thông với Lào và các quốc gia Đông Nam Á bằng đường bộ. Ngoài ra, Thanh Hóa cũng được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh, nổi bật là bãi biển Sầm Sơn đã và đang được đầu tư nhiều resort, khách sạn cao cấp, dự án du lịch Bến en huyện Như Thanh, Pù Luông huyện Bá Thước.
Thanh Hóa có nguồn nhân lực dồi dào với hơn 2,5 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm đến hơn 60% dân số của tỉnh, vừa là nguồn lao động vừa mang đến nhiều cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực như bán lẻ, các dự án nhà ở hay văn phòng. Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, giá thuê trung bình BĐS KCN tại Thanh Hóa vào khoảng 40 - 50 USD/m2/kỳ hạn thuê. Mức giá này vô cùng hấp dẫn so với các tỉnh và thành phố lân cận. Ví dụ, mức giá ở Hà Nội là 140 USD/m2, Hải Phòng là 95 USD/m2, Hưng Yên là 75 USD/m2 còn Hải Dương khoảng 60 USD/m2 mỗi kỳ hạn thuê. Các KCN thường có thời hạn sử dụng đất trên 50 năm và kỳ hạn mà bên thuê trả phí cho chủ đầu tư khu công nghiệp tùy thuộc vào thời hạn thuê đất còn lại của chủ đầu tư được quy định trong các văn bản pháp lý liên quan.
Những kết quả nêu trên cho thấy, Thanh Hoá đã và đang là địa bàn hấp dẫn đối với nhà đầu tư, không chỉ bởi những tài nguyên về thiên nhiên, vị trí và giao thông thuận lợi mà còn là những chính sách đầu tư thông thoáng, môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn. Việc Thanh Hoá đang trở thành mảnh đất "màu mỡ" cho các nhà đầu tư đã hoàn toàn khẳng định những bước đi đúng đắn của tỉnh ở lĩnh vực này trong những năm qua.