Thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, qua giải trình gene các mẫu bệnh phẩm COVID-19, các nhà khoa học của Viện đã phát hiện đột biến gene trong 4/32 mẫu bệnh phẩm.
GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế cho biết: “Chúng tôi phát hiện có đột biến mất Y144 trên protein S của virus B.1.617.2 (lần đầu phát hiện tại Ấn Độ). Đột biến này giống đột biến phát hiện trên biến thể B.1.1.7 (lần đầu phát hiện tại Anh)”.
Ảnh minh họa (Internet)
Theo GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, dữ liệu B.1.617.2 trên GISAID hiện tại chưa ghi nhận đột biến mất Y144, nên đột biến này vẫn cần theo dõi và nghiên cứu thêm.
GISAID là bản đồ cập nhật kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2, được các nhà học học trên toàn cầu cập nhật liên tục; bản đồ này được các nhà khoa học tại các quốc gia cùng tham khảo, theo sát sự biến đổi của virus SARS-CoV-2.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong phiên họp Chính phủ sáng 29/5 đã thông tin chủng virus SARS-CoV-2 phổ biến hiện nay tại Việt Nam là chủng Ấn Độ đã có các dấu hiệu tăng khả năng lây nhiễm và bệnh tăng nặng hơn so với các đợt dịch trước.
Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 7 biến chủng của virus corona, gồm: B.1.222, B.1.619, D614G, B.1.1.7, B.1.351, A.23.1 và B.1.617.2.
Trong đó, chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ có khả năng lây lan mạnh, là nguyên nhân xuất hiện số ca nhiễm cộng đồng lớn tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các tỉnh thành phía Bắc.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), kết quả giải trình tự gen virus trên 5 bệnh nhân thuộc chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp, cả 5 đều là biến chủng B.1.617.2, tức biến chủng Ấn Độ.
Nguồn: baochinhphu.vn