22/12/2024 lúc 15:58 (GMT+7)
Breaking News

Bộ Y tế đề xuất cho F0, F1 có thể đi làm

Liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID- 19, mới đây Bộ Y tế đã có đề xuất về việc cho F0, F1 được đi làm trong thời gian cách ly và xem xét bệnh COVID- 19 là "bệnh đặc hữu"

Liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID- 19, mới đây Bộ Y tế đã có đề xuất về việc cho F0, F1 được đi làm trong thời gian cách ly và xem xét bệnh COVID- 19 là "bệnh đặc hữu".

Với nhóm F0 có thể đi làm chỉ áp dụng với nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Khi F0 dương tính với COVID-19 mà không có triệu chứng vẫn có thể lây nhiễm cho người khác, vì vậy F0 vẫn cần cách ly để phòng ngừa lây nhiễm.

Đặc biệt, ở nhóm người có nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc bệnh (phụ nữ có thai, người cao tuổi, người nhiều bệnh lý nền, nhóm bệnh nhân đang điều trị bệnh lý cấp tính tại bệnh viện), việc không cách ly người bị nhiễm, lây lan bệnh cho nhóm người yếu thế sẽ làm tăng nguy cơ tử vong.

Chốt kiểm soát khu vực cách ly COVID-19.

F0 không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly, có thể được tự nguyện làm việc với hình thức trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh, thường xuyên theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K.

Đối với F1, trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc riêng, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.

F1 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân từ nơi cách ly đến nơi làm việc và ngược lại, thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm. F1 phải luôn theo dõi sức khỏe của mình. Ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, F1 cần phải xét nghiệm để biết mình có là F0 hay không, phòng nguy cơ lây cho người khác.

Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

F1 trong cùng một gia đình thì khả năng phơi nhiễm cao hơn nhiều so với các trường hợp F1 tiếp xúc thoáng qua. Khi trong gia đình có 1 F0, nguy cơ lây nhiễm cho người khác có thể lên tới 70 - 80%.

Để có thể coi COVID-19 như là một "bệnh đặc hữu" thì cần phải có những tiêu chí cụ thể như sau: Tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; Bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; Tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.

Hiện nay, số ca bệnh COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang tăng. WHO vẫn coi COVID-19 là đại dịch và quan ngại về khả năng tiếp tục có thêm các biến chủng mới của virus SARS-CoV2. Như vậy, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là "bệnh đặc hữu" và cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch COVID-19, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể coi bệnh COVID-19 là "bệnh đặc hữu" vào thời điểm thích hợp./.