23/12/2024 lúc 03:33 (GMT+7)
Breaking News

Bộ Y tế: Việt Nam nỗ lực chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

Sáng ngày 05/4/2024, tại trụ sở Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã chủ trì cuộc họp về việc triển khai Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 25/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao, hướng đến mục tiêu chấm dứt bênh lao tại Việt Nam năm 2030.

Tham dự cuộc họp có đại diện của Bệnh viện phổi Trung ương và đại diện các Vụ, Cục liên quan của Bộ Y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã chủ trì cuộc họp về triển khai Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 25/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao. (Ảnh: BYT)

Cuộc họp đã nghe báo cáo của đại diện Bệnh viện Phổi Trung ương về Tổng kết 10 năm triển khai chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

TS.BSCC. Đinh Văn Lượng – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương báo cáo tại cuộc họp. (Ảnh:BYT)

PGS.TS Nguyễn Bình Hòa - Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương báo cáo tại cuộc họp. (Ảnh: BYT)

Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo quyết định 374/QĐ-TTg ngày 17/3/2014 với những mục tiêu cụ thể là:

Mục tiêu hết năm 2015: Giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 187/100.000 dân; Giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 18/100.000 dân; Tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc dưới 5% trong số bệnh lao mới phát hiện.

Mục tiêu hết năm 2020: Giảm mắc lao trong cộng đồng xuống dưới 131/100.000 dân; Giảm chết do lao xuống dưới 10/100.000 dân; Khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.

Tầm nhìn đến năm 2030: Tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 dân. Hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao

Để đạt được những mục tiêu đó, chương trình chống lao quốc gia đã thực hiện một loạt những nhóm giải pháp chiến lược giải pháp về chính sách, pháp luật; giải pháp truyền thông; giải pháp chuyên môn kỹ thuật và cung cấp dịch vụ phòng chống lao; giải pháp hợp tác quốc tế; giải pháp về cung ứng thuốc và hậu cần kỹ thuật; giải pháp về bảo đảm nguồn tài chính cho công tác phòng chống lao; giải pháp về bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng chống lao; giải pháp về kiểm tra giám sát và đã đạt được những kết quả ban đầu.

Tuy nhiên do ảnh hưởng nặng nề của dịch CIVID-19, Việt Nam đứng thứ 7 trong 10 nước có tỷ lệ giảm phát hiện lao cao nhất thế giới (giữa năm 2021 so với năm 2019). Từ năm 2018, Việt Nam từ xếp thứ 16 thành xếp thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng cao về bệnh lao. Tình hình dịch tễ bệnh lao còn nhiều mối lo ngại khi có tới 40% số người mắc lao không được phát hiện. Giai đoạn 2011 - 2022, chương trình đã phát hiện và thu dung điều trị cho hơn 1.300.000 bệnh nhân lao đã điều trị cho hơn 1.200.000 bệnh nhân lao với tỷ lệ khỏi bệnh cao. Lượng bệnh nhân lao kháng thuốc được phát hiện và thu dung điều trị cũng tăng dần qua từng năm.

Báo cáo cũng đưa ra kế hoạch tổng kết 10 năm triển khai chiến lược quốc gia phòng, chống lao và những đề xuất quan trọng trong chiến lược giai đoạn mới. Bệnh viện Phổi Trung ương cũng đưa ra những đề xuất cụ thể liên quan đến công tác phòng, chống lao.

Đề xuất hỗ trợ ban hành cơ chế chính sách; phê duyệt chiến lược phòng, chống lao quốc gia trong giai đoạn mới; tạo cơ sở pháp lý để đảm bảo nguồn lực, tăng cường đầu tư và triển khai các hoạt động phòng chống lao; đôn đốc, giám sát việc triển khai của các Bộ/ngành, địa phương

Bệnh viện cũng đề xuất mở rộng đối tượng được sử dụng miễn phí thuốc lao nguồn ngân sách nhà nước còn tồn kho: ưu tiên người bệnh có thẻ BHYT có mức hưởng <100% để không phải đồng chi trả tiền thuốc.

Đề xuất về nhân lực cần sửa Thông tư số 03/2023/TT-BYT:bổ sung biên chế nhân lực khối dự phòng ; xây dựng Nghị định về phụ cấp theo nghề thay thế Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011: đảm bảo duy trì phụ cấp ưu đãi nghề cho những người làm trong môi trường lây nhiễm; Giám sát UBND các tỉnh trong việc ban hành chính sách thu hút nhân lực phòng, chống lao; ưu tiên đầu tư và bố trí ngân sách cho các cơ sở chống lao ở các tỉnh; ban hành các nội dung chi và hướng dẫn chi cho các hoạt động phòng, chống lao.

Sửa đổi Thông tư 02/2023/TT-BYT quy định về việc phối hợp giữa các cơ sở y tế trong quản lý bệnh lao nhằm đáp ứng các thay đổi về chuyên môn và tổ chức thực hiện phòng, chống lao trong điều kiện mới.

Đối với lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ công tác phòng, chống lao cho các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ công tác phòng, chống lao cho các địa phương; hỗ trợ rà soát và kịp thời phê duyệt các hướng dẫn chuyên môn về phát hiện, chẩn đoán, điều trị và quản lý, dự phòng bệnh lao; xây dựng Thông tư quy định định mức kinh tế-kỹ thuật các dịch vụ phòng, chống lao; Chỉ đạo các tỉnh thành lập mô hình công tác phòng chống lao tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện hoạt động phòng chống lao trên toàn quốc. Hỗ trợ các cơ sở pháp lý và giải pháp để đảm bảo nguồn lực cho hoạt động phòng, chống lao, đặc biệt là thuốc điều trị lao.

Tăng cường hợp tác quốc tế để vận động nguồn lực quốc tế, kỹ thuật, kinh nghiệm hỗ trợ công tác, phòng, chống bệnh lao tại Việt Nam. Chỉ đạo xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt chiến lược Quốc gia phòng, chống lao trong giai đoạn mới. Phê duyệt kế hoạch chiến lược phòng, chống lao giai đoạn 5 năm làm cơ sở để UBND và Sở Y tế các tỉnh chỉ đạo xây dựng và phê duyệt, cam kết ngân sách cho kế hoạch chiến lược phòng, chống lao ở tỉnh.

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 25 cũng như các nhiệm vụ khác được quy định tại chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh lao và các văn bản pháp lý khác. Xem nhiệm vụ kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống cơ sở phòng, chống bệnh lao trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm vụ công tác. Có chính sách thu hút nhân lực cho hoạt động chống lao nhất là đội ngũ bác sĩ; ban hành Nghị quyết về hướng dẫn chi tiết về việc xây dựng thống nhất các nội dung chi và hướng dẫn chi cho các hoạt động phòng, chống lao để các địa phương thống nhất trong công tác xây dựng chương trình và triển khai thực hiện đồng nhất; đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ phòng, chống lao vào các Nghị quyết của Đảng các cấp, của HĐND các cấp để có sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban, đoàn thể.

Đối với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp Triển khai hoạt động BHYT cho thuốc lao đạt hiệu quả. Triển khai hoạt động BHYT́ cho các dịch vụ khám chữa bệnh lao đạt hiệu quả.

Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin để Bệnh viện Phổi Trung ương biết tình hình thanh toán các chi phí liên quan đến khám chữa bệnh lao tại các cơ sở y tế, theo dõi thực trạng khấm chữa bệnh lao tại các cơ sở y tế trên toàn quốc và đưa ra các cảnh báo sớm để cơ sở y tế chưa đảm bảo điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế kịp thời hướng dẫn cho người bệnh trong thời gian cơ sở y tế chưa kiện toàn các điều kiện.

Đại diện các Vụ, Cục chuyên môn phát biểu ý kiến tại cuộc họp. (Ảnh: BYT)

Cuộc họp đã nghe ý kiến của các Vụ, Cục liên quan đến các lĩnh vực Y tế dự phòng, Khám chữa bệnh, Bảo hiểm y tế, Pháp chế, Kế hoạch Tài chính và Hợp tác quốc tế để đáp ứng và tăng cường năng lực công tác phòng, chống bệnh lao phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao vai trò đầu mối của Bệnh viện Phổi Trung ương và chương trình phòng, chống lao đã cố gắng, nỗ lực để đạt được những thành tựu như ngày hôm nay. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó vẫn còn rất nhiều khó khăn vướng mắc, ảnh hưởng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Do tỷ lệ lao kháng thuốc tăng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm gián đoạn công tác phòng, chống lao, sự quan tâm của các Bộ, ban ngành, các địa phương và đặc biệt là người dân chưa đúng mức gây ra nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu kết luận. (Ảnh: BYT)

 

Từ những thực tế đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn giao Bệnh viện Phổi Trung ương cần hoàn thiện báo cáo tổng thể dựa trên nội dung của Bệnh viện sẵn có và những ý kiến đóng góp của các Vụ, Cục tại cuộc họp. Giúp Bộ Y tế có nhận định cụ thể tình hình phòng, chống lao hiện nay và những nguyên nhân sâu xa của những vướng mắc, khó khăn đó là do đâu. Những vướng mắc do thể chế, chính sách, những vướng mắc do thanh toán BHYT, vướng mắc về tài chính là như thế nào, và những tồn tại về vấn đề truyền thông, ý thức của người dân, sự quan tâm đầu tư của địa phương trong công tác phòng, chống lao còn chưa thỏa đáng… Từ những khó khăn đó thì đưa ra những giải pháp theo định hướng của 8 nhóm giải pháp mà Bệnh viện đã đề xuất nhưng cần đi sâu phân tích chi tiết hơn về lĩnh vực chuyên môn. Đưa các giải pháp đầy đủ và chi tiết, quyết tâm bằng mọi giá để mục tiêu thanh toán bệnh lao năm 2030 là không thay đổi.

Thứ Trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị Cục Khám chữa bệnh và Cục Y tế Dự phòng chỉ đạo Bệnh viện Phổi Trung ương xây dựng Đề án để chúng ta thực hiện được Nghị quyết 42 của Ban chấp Hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới trong đó có mục tiêu cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét năm 2030. Trong Đề án cần đưa ra đầy đủ các giải pháp quyết liệt để phòng, chống lao, có thể đưa chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương, phân bổ ngân sách cho hoạt động phòng, chống lao tại địa phương. Xác định việc chấm dứt Bệnh lao vào năm 2030 là mục tiêu chính trị để khẳng định vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chỉ đạo Bệnh viện Phổi Trung ương cần sớm hoàn thành việc tổng kết 10 năm hoạt động phòng, chống lao quốc gia, kết hợp với Cục Quản lý Khám chữa bệnh rà soát lại quy trình chuyên môn, kĩ thuật và khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng, chống lao quốc gia, chỉnh sửa quy chế cho phù hợp với tình hình hiện tại, phối hợp với Vụ Kế hoạch tài chính xây dựng quy chế chi tiêu trong hoạt động của chương trình; cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành của chương trình phòng, chống lao quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn lưu ý các Vụ, Cục và đơn vị chuyên môn cần quan tâm đến lĩnh vực y tế tư nhân để tránh bỏ sót và tạo ra lỗ hổng trong công tác phòng, chống lao. Cùng với đó, cần quan tâm hoàn thiện các lỗ hổng trong cơ chế, chính sách, Bệnh viện Phổi Trung ương cần rà soát và có giải pháp xử lý kịp thời; tất cả các công việc này trước ngày 15/4/2024 phải xong và chuẩn bị để xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Cuối cùng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn yêu cầu đơn vị đầu mối chuyên môn Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với các Vụ, Cục liên quan khẩn trương, quyết tâm và phấn đấu đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030./

Đoàn Tuấn