09/11/2024 lúc 01:00 (GMT+7)
Breaking News

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần phân loại dự án như "đèn giao thông"

Giai đoạn 2023 - 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) dự kiến nhận được khoản đầu tư công lên tới 60.000 tỷ đồng. Đây sẽ là cơ hội nâng cấp, xây mới các công trình thuỷ lợi, cảng cá... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao phát huy tối đa hiệu quả từng đồng vốn?

Nếu so sánh mức đầu tư trung hạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao giải ngân tăng 30% so với giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời, nguồn vốn vay ODA cũng tăng gấp đôi so với giai đoạn trước....

Hàng trăm công trình thuỷ lợi, cảng cá "xếp hàng" chờ đầu tư

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ NN & PTNN đến nay trên cả nước có 89 cảng cá đã được đầu tư, nâng cấp với tổng công suất khoảng 1,8 triệu tấn thủy sản qua cảng/năm; hiện có 66 khu neo đậu tránh trú bão đã được đầu tư nâng cấp với tổng công suất neo đậu khoảng 51.670 tàu.

Như vậy, vẫn còn 36 cảng cá và gần 80 khu neo đậu tránh trú bão cần tiếp tục được đầu tư nâng cấp.

Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn đã thực hiện đầu tư cho cảng cá khoảng 5.500 tỷ đồng, đầu tư khu neo đậu tránh trú bão là 1.865 tỷ đồng. 

Âu thuyền cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) có khả năng chứa 1.000 tàu vào neo đậu, tránh trú bão

Tuy vậy, Tổng cục Thủy sản nhận định, thực trạng hạ tầng thủy sản của chúng ta hiện rất yếu kém, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Nếu chúng ta không bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thủy sản sẽ khó gỡ “thẻ vàng“ và không thể chuyển ngành thủy sản từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có tránh nhiệm, hội nhập khu vực và quốc tế được.

Vì vậy, bố trí nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2022-2025 cho ngành thủy sản phải ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, phải tập trung hoàn thành dứt điểm các dự án trọng điểm, bức thiết như: Cảng cá động lực thuộc các Trung tâm nghề cá lớn; cảng cá loại I; khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng; hệ thống thông tin quản lý tàu cá để góp phần tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.

Đối với các dự án thủy lợi, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ phải hoàn thành 288 dự án xây dựng hạ tầng thủy lợi, đến thời điểm này đã hoàn thành 246 dự án.

Nhiều dự án lớn đã hoàn thành trong năm 2021, kịp thời đưa vào hoạt động đã phát huy được hiệu quả như: Hồ Bản Lải (Lạng Sơn); hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang (Hà Tĩnh); hồ Đồng Mít (Bình Định); hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận); hồ Sông Lũy (Bình Thuận); hồ EaHleo (Đắk Lắk); hồ Đa Sị (Lâm Đồng); hồ Ia Mơr, tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắk Lắk.

Bên cạnh đó là các dự án kiểm soát xâm nhập mặn: Đập Sông Hiếu, tỉnh Quảng Trị; Cống Tha La, cống Trà Sư tỉnh An Giang; Cống Âu Ninh Quới, tỉnh Bạc Liêu; hệ thống thuỷ lợi bắc nam Bến Tre. Đặc biệt siêu công trình Cống Cái Lớn – Cái Bé vừa mới khánh thành sẽ giúp tươi tiêu và ngăn mặn cho sản xuất nông nghiệp của cả một khu vực rộng lớn của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau.

Với nguồn vốn được bổ xung trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp sẽ khởi công xây dựng 127 dự án đầu tư xây dựng cơ bản ngoài ra còn 2 dự án nhóm A đã trình Thủ tướng Chính phủ và chờ Thủ tướng phê duyệt.

"Sẽ không còn chuyện Bộ làm một ít, địa phương làm một ít, nghe tưởng hay nhưng rất gay"

Theo Thứ trưởng Bộ NN & PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp, hiện Bộ đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022. Đồng thời, triển khai nhanh các dự án khởi công mới đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường quản lý chất lượng đầu tư, xây dựng công trình, nhất là công trình thủy lợi và áp dụng khoa học công nghệ để tăng thêm năng lực tưới, tiêu; phối hợp quản lý tốt nguồn nước của các lưu vực sông và hệ thống thuỷ lợi, nhất là các hồ chứa, bảo đảm các quá trình khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phục vụ có hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá: Rút kinh nghiệm cả thành công và thất bại trong trung hạn 2016 - 2020, cách thức chuẩn bị đầu tư các dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 được chúng ta làm kỹ lưỡng hơn, bài bản hơn, rốt ráo hơn và không có chuyện “tỉnh làm một ít, Trung ương làm một ít” như giai đoạn trước.

“Chẳng hạn, nếu một dự án có tổng nguồn vốn đầu tư dự án là 2.000 tỷ đồng thì Bộ sẽ chi 2.000 tỷ để làm, không có khái niệm tỉnh góp thêm vài trăm tỷ dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án ấy nhỉnh lên, tiến độ dự án không được đảm bảo. Đó là cách làm mới”, ông Hiệp nêu ví dụ.

Ông Hiệp cho biết: Nếu 100% chủ trương đầu tư dự án như thế nào, dự án sẽ được lập như thế đó thì rất không ổn. Nghe tưởng hay nhưng rất gay. Chúng ta phải căn cứ vào mục tiêu dự án là gì để tính toán và nếu thấy việc phân bổ nguồn vốn đầu tư theo chủ trương dự án chưa hợp lý thì chủ đầu tư cần có văn bản kiến nghị điều chỉnh gửi lên Bộ, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định.

Thứ trưởng cho rằng, sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, khi bắt đầu có tiền để lập dự án, chúng ta cần phải nghiên cứu, rà soát kỹ hơn để điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp.

Đồng tình với quan điểm trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Cái cuối cùng chúng ta hướng đến là phát huy được hiệu quả của vốn đầu tư chứ không phải là giải ngân tiền của nhà nước. Không thể để tình trạng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng xong hồ chứa nước nhưng địa phương chưa đầu tư hệ thống dẫn nước cho người dân thụ hưởng”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng công trình của Bộ cần phân loại các dự án như "đèn giao thông". Nhóm dự án nào màu xanh thì chúng ta có thể yên tâm. Nhóm dự án nào màu vàng thì cần lưu tâm và lo lắng. Nhóm dự án nào màu đỏ thì phải để lại, thúc đẩy hoặc cắt ra khỏi dự án gộp để không làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án thành phần khác có liên quan.

Đinh Tịnh