11/01/2025 lúc 01:21 (GMT+7)
Breaking News

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề xuất 5 phương hướng mà các nước Mekong-Nhật Bản cần thúc đẩy hợp tác

Về phương hướng hợp tác, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng Mekong-Nhật Bản cần ưu tiên thực hiện hai mục tiêu quan trọng là kiểm soát hoàn toàn đại dịch và phục hồi kinh tế bao trùm, bền vững.

Về phương hướng hợp tác, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng Mekong-Nhật Bản cần ưu tiên thực hiện hai mục tiêu quan trọng là kiểm soát hoàn toàn đại dịch và phục hồi kinh tế bao trùm, bền vững.

Ảnh: Tuấn Anh

Ngày 6/8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự và phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng hợp tác Mekong-Nhật Bản lần thứ 14 theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị do Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi chủ trì, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Mekong: Campuchia, Lào, Myanamar và Thái Lan.

Hội nghị thảo luận tình hình và phương hướng hợp tác Mekong - Nhật Bản. Bộ trưởng Motegi thông báo Nhật Bản đã và đang thúc đẩy triển khai các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực với tổng trị giá 9 tỷ USD; cung cấp 5,6 triệu liều vaccine Covid-19, 700 máy tạo ôxy, cùng với 750 triệu Yên (6,8 triệu USD) hỗ trợ xây dựng hệ thống bảo quản lạnh dành các cho các nước Mekong.

Các Bộ trưởng đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho các nước Mekong, đặc biệt trong ứng phó đại dịch Covid-19, và ghi nhận những kết quả đạt được của hợp tác trong triển khai Chiến lược Tokyo 2018, Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mekong 2.0, Sáng kiến Mekong - Nhật Bản về các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới 2030.

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các Bộ trưởng nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp các nỗ lực chung chống dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế. Hội nghị nhất trí: (i) thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine, bảo đảm tiếp cận vaccine kịp thời và hiệu quả; (ii) tăng cường kết nối khu vực, thúc đẩy thương mại, đầu tư và đa dạng hóa chuỗi cung ứng; (iii) phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong; (iv) phát triển hạ tầng chất lượng cao; (v) thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong cuộc chiến chống Covid-19 tại khu vực và đánh giá hợp tác Mekong - Nhật Bản đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của các nước Mekong.

Bộ trưởng nhấn mạnh mặc dù trong năm qua dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nước Mekong và Nhật Bản vẫn duy trì các cuộc họp cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương, đa phương quan trọng; hỗ trợ nhau hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh, cũng như giữ vững đà phát triển quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Về phương hướng hợp tác, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng các nước cần ưu tiên thực hiện hai mục tiêu quan trọng là kiểm soát hoàn toàn đại dịch và phục hồi kinh tế bao trùm, bền vững. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị chiến lược hợp tác sắp tới của Mekong - Nhật Bản cần dựa trên ba trụ cột: Kinh tế năng động và thích ứng; Xã hội lành mạnh, lấy người dân làm trung tâm; và Mekong xanh và số.

Với các trụ cột này, các nước Mekong và Nhật Bản cần thúc đẩy hợp tác theo hướng.

Một là, thúc đẩy hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ và phân phối vaccine kịp thời, hiệu quả; tăng cường năng lực ứng phó của hệ thống y tế.

Hai là, tăng cường hợp tác về phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý bền vững nguồn nước xuyên biên giới, đặc biệt là nguồn nước Mekong; triển khai hiệu quả Sáng kiến Mekong - Nhật Bản về các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới 2030 và Đối tác Đầu tư vì Mục tiêu phát triển bền vững Mekong.

Ba là, tăng cường hợp tác kinh tế Mekong - Nhật Bản, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng; đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ; thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do ở khu vực.

Bốn là, thúc đẩy hợp tác về chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, nền kinh tế số và xã hội số; chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng số, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiến trình chuyển đổi số; và thu hẹp khoảng cách số, đặc biệt giữa nông thôn và thành thị.

Năm là, tăng cường sự gắn kết giữa hợp tác Mekong - Nhật Bản với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và các cơ chế hợp tác Mekong khác.

Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được Hội nghị đánh giá cao. Các đề xuất của Việt Nam được các nước ghi nhận để thúc đẩy hợp tác cũng như chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 13 dự kiến vào cuối năm 2021.