24/01/2025 lúc 00:33 (GMT+7)
Breaking News

Bộ Thông tin và Truyền thông giao ban QLNN Quý II/2020

VNHN - Sáng ngày 8/6, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý nhà nước (QLNN) Quý II/2020. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng Bộ TT&TT; đại diện lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT và đại diện 8 cơ quan chuyên trách về CNTT thuộc các Bộ, ngành Trung ương. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 65 điểm cầu trên toàn quốc.

VNHN - Sáng ngày 8/6, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý nhà nước (QLNN) Quý II/2020. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng Bộ TT&TT; đại diện lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT và đại diện 8 cơ quan chuyên trách về CNTT thuộc các Bộ, ngành Trung ương. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 65 điểm cầu trên toàn quốc.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu kết luận Hội nghị

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ, trong Quý II/2020, Bộ TT&TT đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành thực hiện có hiệu quả, toàn diện các kế hoạch, chương trình công tác đã đề ra.

Lĩnh vực bưu chính: Bộ TT&TT đã ban hành các Quyết định phê duyệt kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Mã bưu chính quốc gia năm 2020; Kế hoạch triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-BTTTT ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, chuyển trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI năm 2020... Phê duyệt kế hoạch tổ chức Hội nghị chuyên đề về bưu chính; Phê duyệt phương án điều tra sản lượng và giá cước bình quân đối với dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí năm 2020. Ban hành các bộ tem: "Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”; “Tem tình yêu”; "Chiến thắng Bạch Đằng (1288)"; “Kỷ niệm 150 năm sinh V⋅I⋅Lê-nin (1870-1924)”; “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19”; “Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020)” và “50 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh (1970-2020)”; Triển khai công tác tổ chức triển lãm tem bưu chính quốc gia 2020 (Vietstampex 2020); Công bố nền tảng Mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode), đánh dấu việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Mã địa chỉ bưu chính gắn với bản đồ số V-Map được Quốc hội giao tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV...

Lĩnh vực Viễn thông: Trong thời gian qua, Bộ TT&TT và 63 Sở TTTT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hiện đang phối hợp triển khai Biên bản hợp tác số 01/BB-BTTTT-BGDĐT ngày 26/3/2020 giữa Bộ TT&TT và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phòng chống, dịch bệnh Covid-19 và đẩy nhanh chuyển đổi số. Bộ đã chỉ đạo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham vấn doanh nghiệp, xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh 4G/5G, đẩy nhanh việc chuyển đổi sử dụng thiết bị đầu cuối từ 2G sang điện thoại thông minh 4G với mục tiêu sớm dừng công nghệ 2G để triển khai các công nghệ băng rộng di động thế hệ mới. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc lắp đặt, xây dựng trạm BTS trên đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung trong việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money (văn bản số 1634/BTTTT - CVT ngày 05/5/2020).

Ngoài ra, Bộ TT&TT đã tiếp nhận và xử lý 18 hồ sơ công bố chất lượng dịch vụ viễn thông; xử lý hơn 5000 hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu; cấp hơn 2300 giấy chứng nhận hợp quy; 250 bản tiếp nhận công bố hợp quy và gần 6000 giấy chứng nhận kiểm định thiết bị viễn thông và đài vô tuyến điện. Phối hợp với các doanh nghiệp di động tiếp nhận và xử lý 9.761 khiếu nại của người dân liên quan đến dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số (đầu số 18006099: 9.512 khiếu nại, đơn thư: 12 khiếu nại, email: 165 khiếu nại); Giải quyết các vướng mắc khó khăn cho hơn 60 tổ chức, cá nhân về xác định sản phẩm hàng hóa có thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2;...

Lĩnh vực Ứng dụng công nghệ thông tin: Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia 2025, định hướng 2030; Phương án phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) theo Nghị quyết số 17/NQ-CP; Hướng dẫn các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; hỗ trợ, hướng dẫn triển khai các mô hình ứng dụng CNTT, chia sẻ dữ liệu; Phát triển, vận hành Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai CPĐT; Xây dựng báo cáo công bố xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT của các cơ quan Trung ương, địa phương năm 2019: đang tiến hành rà soát số liệu của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Y tế và các doanh nghiệp công nghệ số để đẩy nhanh xây dựng và đưa vào sử dụng các giải pháp công nghệ thông tin phòng, chống dịch Covid-19...

Lĩnh vực An toàn, an ninh mạng: Trong 05 tháng đầu năm, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin) ghi nhận 1.495 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (701 cuộc Phishing, 498 cuộc Deface, 296 cuộc Malware), giảm 43,90% so so với cùng kỳ 05 tháng đầu năm 2019. Bộ TT&TT chỉ đạo đơn vị chức năng thuộc Bộ (Cục ATTT) chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh; tăng cường công tác giám sát, điều hành các nhà mạng phát hiện, ngăn chặn. Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai bảo đảm ATTT cho các sự kiện của năm Việt Nam làm chủ nhà Asean và Đại hội Đảng các cấp; Bộ TT&TT đã làm việc với các Doanh nghiệp trong liên minh sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin mạng Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Triển khai phương án giám sát, thống kê việc sử dụng hình thức thanh toán xuyên biên giới trái phép. Đôn đốc các nhà mạng hoàn thành triển khai hệ thống DPI để xử lý các nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng... Song song với đó, Bộ TT&TT đã Trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 24/3/2020 về tăng cường phối hợp và triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 về việc kéo dài thời hạn thí điểm một số chế độ ưu đãi và cơ chế tài chính đặc thù cho cán bộ kỹ thuật và lực lượng ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của Bộ TT&TT; Hoàn thiện việc tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ và trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác...

Lĩnh vực Công nghiệp ICT: Tổng doanh thu công nghiệp CNTT, công nghiệp điện tử, viễn thông (Nội địa, FDI): Ước tính 24,5 tỷ USD tăng trưởng 9,6% so với cùng kỳ trong đó doanh thu từ khối FDI đạt 23,3 tỷ chiếm 95% tổng doanh thu. Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông (Nội địa, FDI): Ước tính 40.000 doanh nghiệp trong đó có 650 doanh nghiệp FDI chiếm 1,6%.

Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Chương trình hành động triển khai thực hiện các nhiệm vụ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và đề xuất một số giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ số trong báo cáo chuyên đề của Bộ TT&TT tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vào ngày 09/5/2020; Triển khai công tác tổ chức Giải thưởng tuyên dương doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Triển khai, thúc đẩy các doanh nghiệp nội dung xây dựng phương án hợp tác với các nhà mạng để triển khai hỗ trợ giá cho chương trình phổ cập smartphone (Chương trình phổ cập smartphone); Thành lập Tổ công tác thúc đẩy phát triển 5G tại Việt Nam; Hướng dẫn một số địa phương về bổ sung quy hoạch và thành lập khu CNTT tập trung đối với dự án xây dựng hạ tầng khu Công viên phần mềm; Xây dựng dự thảo Chiến lược Phát triển doanh nghiệp công nghệ số...

Lĩnh vực Báo chí, truyền thông: Bộ TT&TT đã Công bố và trao Giấy phép hoạt động báo chí cho các cơ quan báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 và Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT ngày 04/6/2019 của Bộ TTTT (cơ bản hoàn thành việc quy hoạch đối với các Hội theo quy định); Sơ kết 01 năm thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (20/5/2020).

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, đặc biệt chỉ đạo các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026; Năm Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN, với phương châm “Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Mặt khác, Bộ đã tăng cường chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch; tuyên truyền về các sự kiện chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội của đất nước, vệ sinh, an toàn thực phẩm, ATGT...

Đồng thời, Bộ TT&TT đã đẩy mạnh việc đấu tranh, đàm phán yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới như Google, Facebook, Apple phải thực hiện ngăn chặn thông tin xấu độc trên nền tảng của các doanh nghiệp này. Tiếp tục rà soát, yêu cầu bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam về xử lý thông tin vi phạm, thanh toán và đóng thuế tại Việt Nam; thực hiện, rà soát các trò chơi điện tử có dấu hiệu đánh bạc, phát hành game vi phạm pháp luật Việt Nam; ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT trong năm 2020 là 100% các Bộ, ngành, địa phương có nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu; 100% hệ thống thông tin của Bộ, ngành và các tỉnh có bảo vệ 4 lớp; 100% các Bộ, ngành, địa phương xây dựng xong chiến lược chuyển đổi số; 100% các Bộ, ngành, địa phương có đóng góp của Sở TT&TT, của Bộ TT&TT vào báo cáo chính trị nhiệm kỳ tới về lĩnh vực TT&TT; 100% các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành Quy hoạch báo chí. Đồng thời, 100% các tỉnh và Bộ, ngành Trung ương có đầu mối làm việc với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) về việc tháo gỡ các thông tin xấu độc đối với đơn vị mình, tỉnh mình, bộ mình và đối với ngành này. 

Bộ trưởng chỉ rõ: Một trong những kinh nghiệm tốt và quan trọng nhất để thúc đẩy ứng dụng CNTT ở các đơn vị là người đứng đầu đơn vị sử dụng hàng ngày. Ví dụ như có 1 trung tâm điều hành thông minh có các điều hành liên quan đến kinh tế xã hội từ cấp tỉnh đến xã thì đầu tiên phải đưa về Bí thư để giám sát chính quyền, Bộ trưởng nêu ví dụ.

Theo Bộ trưởng, cơ quan chuyên trách ứng dụng CNTT phải dùng công nghệ để giải quyết các bài toán khó của mình. Cơ quan chuyên trách đặt đề bài còn lời giải để cho các doanh nghiệp. Nghề của cơ quan chuyên trách ứng dụng CNTT là đặt hàng, đặt bài toán. Nếu phải triển khai các phần mềm thì cơ quan chuyên trách CNTT không có đủ nguồn lực để làm.

Mặt khác, ứng dụng CNTT căn bản là lưu trữ dữ liệu và hệ thống CNTT sẽ điều khiển được rất nhiều thứ, khác với viễn thông nếu dùng nền tảng nước ngoài sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, các cơ quan chuyên trách ứng dụng CNTT phải tăng cường dùng nền tảng Việt Nam.

Về Bưu chính, hoàn thiện mã địa chỉ bưu chính. Vụ Bưu chính chỉ đạo các Sở TT&TT kiểm tra độ chính xác, mục tiêu về tỷ lệ đến hộ gia đình và những vấn đề còn khó khăn, ví dụ như ở nông thôn không có địa chỉ thì làm như thế nào. Mã địa chỉ bưu chính là một trong những nền tảng quan trọng để thực hiện thương mại điện tử và phải bảo mật.

Về viễn thông, các Sở TT&TT lập phải kế hoạch phủ sóng 5G tại các khu công nghiệp, khu CNTT tập trung, khu nào cần phủ sóng 5G trong năm 2020, khu nào phủ sóng vào năm 2021, 2022 để đón làn sóng đầu tư mới. Các Sở cần lập kế hoạch ngay từ năm nay, dự kiến đến tháng 10 là thí điểm thương mại hoá.

Đối với SIM rác, các Sở TT&TT cần xử lý mạnh tay, vừa qua đã thực hiện thanh tra toàn quốc, Bộ trưởng đã có nhắc nhở đến từng doanh nghiệp. Đối với mobile money, Bộ TT&TT yêu cầu là phải định danh được mới cung cấp. Các sở TT&TT coi việc xây dựng hạ tầng bưu chính viễn thông, tần số nói chung là công việc của mình đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp. Lập kế hoạch phát triển mạng lưới bưu chính viễn thông cho năm 2020 và 2021, Bộ TT&TT sẽ có hướng dẫn chi tiết cho các Sở

Trong quý III, các Sở TT&TT nên khuyến nghị tỉnh xây dựng chương trình chuyển đổi số của tỉnh. Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) sẽ ban hành mẫu hướng dẫn để làm. Các Bộ, ngành Trung ương cũng cần phải xây dựng chiến lược của ngành mình. Đây không phải là CNTT mà là chiến lược chuyển đổi số của ngành… 

Về công nghiệp ICT, Bộ trưởng yêu cầu Vụ CNTT đề nghị các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có lộ trình nâng cấp hạ tầng khu công nghiệp CNTT để đón làn sóng đầu tư mới FDI, tập trung hạ tầng viễn thông băng rộng, 5G. Một số tỉnh lớn như: TP.Hà Nội, TP.HCM cần chuẩn bị đón đầu tư nước ngoài có giá trị cao thì nên các khu CNTT tập trung, đón các doanh nghiệp nghiên cứu - phát triển (R&D), còn lắp ráp để các tỉnh lân cận, việc đưa ứng dụng CNTT vào từng gia đình, hộ kinh doanh, bắt buộc phải có doanh nghiệp số địa phương (mục tiêu là 1 doanh nghiệp/1000 dân).

Về báo chí - truyền thông: Các Sở TT&TT cần triển khai Quy hoạch báo chí theo đúng kế hoạch. Đặc biệt, thời gia tới các Cục chức năng kiên quyết xử lý các tờ báo, tạp chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích. Phối hợp với Bộ TT&TT để giám sát không gian mạng, tháo gỡ thông tin xấu độc, bảo vệ Đại hội Đảng các cấp, nhân sự trong quy hoạch.  

Bộ trưởng đánh giá, qua Covid-19 các Sở TT&TT cũng lưu ý việc các phương tiện truyền thông mới đã phát huy rất hiệu quả, như nhắn tin qua mạng di động, mạng xã hội, mạng xã hội Việt Nam và hệ thống loa phường, loa xã.

Bộ trưởng lưu ý: Muốn có vị thế cao, Sở TT&TT các tỉnh phải nhận về mình nhiều việc khó, việc hỗ trợ cho các đơn vị là trách nhiệm của Bộ TT&TT. Dự kiến trong Quý III/2020, Bộ TT&TT sẽ tổ chức khóa đào tạo về ICT cho Giám đốc các Sở TT&TT chưa được đào tạo chuyên môn về ICT. Bộ sẽ cấp chứng chỉ đào tạo quản lý ICT sau khóa học này. Thời gian đào tạo sẽ kéo dài trong khoảng từ 1-2 tháng. Mặt khác, Bộ TT&TT đã có lực lượng cơ động để hỗ trợ về chuyên môn cho các Sở TT&TT, khi có yêu cầu, Bộ TT&TT có thể hỗ trợ từ xa hoặc cử người trực tiếp xuống đơn vị và sẵn sàng cử người đi biệt phái. Ngoài ra, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT cần xây dựng các bộ cẩm nang về từng lĩnh vực mà mình quản lý.

Đăng Quý