23/11/2024 lúc 05:49 (GMT+7)
Breaking News

Bộ Tài chính yêu cầu tăng cường công tác quản lý, gian lận thương mại Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019

VNHN – Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-BTC chỉ đạo ngành tài chính thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá; chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.

VNHN – Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-BTC chỉ đạo ngành tài chính thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá; chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trong các thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.

Chỉ thị yêu cầu, thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính; giám đốc sở tài chính, cục trưởng cục thuế, cục trưởng cục hải quan, giám đốc kho bạc nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cục trưởng cục dự trữ nhà nước khu vực theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số nhiệm vụ.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trong các thời điểm trước, trong và sau Tết để chủ động kiểm soát ổn định thị trường giá cả, không để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Ảnh minh họa

Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong thời điểm có nhu cầu cao trong dịp Tết để tham mưu kịp thời cho Bộ các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp, nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát.

Đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, tổng hợp phân tích dự báo; chủ động xây dựng kịch bản điều chỉnh giá một số mặt hàng quan trọng do Nhà nước quản lý trong những tháng đầu năm 2019 với lộ trình và bước đi phù hợp để hạn chế tác động đến mặt bằng giá chung khi có phát sinh.

Tổ chức giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước.

Giám đốc sở tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tiếp tục tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn;

Trong đó, chú trọng các công việc như theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật; đề xuất kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định cho người dân vùng gặp thiên tai, lũ lụt, cứu đói cho dân trong thời kỳ giáp hạt và trong dịp Tết theo đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội…

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá;

Có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; công bố công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không để xảy ra hiện tượng lợi dụng thời điểm Tết để tăng giá dây chuyền, tác động ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng trong dịp lễ, tết, cao điểm để tăng giá cước vận tải ở mức cao và các trường hợp không thực hiện việc kê khai, niêm yết giá; công bố công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm, triệt để, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhất là đối với các mặt hàng vũ khí, chất nổ, pháo, hàng hóa vi phạm môi trường, các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán như: thuốc lá, rượu bia, gia cầm, thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu; đặc biệt ở những khu vực địa bàn trọng yếu, giáp biên giới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị địa phương cần có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm nhất là trong dịp trước và sau Tết.

Mặt khác, Giám đốc các sở tài chính cần căn cứ điều kiện thực tế, khả năng cân đối ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính và các nguồn tài chính, tín dụng khác của địa phương, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường phù hợp với tình hình thực tế.

Chỉ thị nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị thủ trưởng các đơn vị trong ngành Tài chính tổ chức triển khai toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trong chỉ thị cũng yêu cầu sở tài chính các tỉnh, các đơn vị thuộc Bộ thực hiện chế độ báo cáo dịp trước, trong và sau Tết để kịp thời báo cáo Bộ./.