09/12/2024 lúc 14:38 (GMT+7)
Breaking News

Bộ Nông nghiệp quyết tâm cắt giảm thủ tục hành chính thu hút đầu tư kinh doanh

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiên quyết thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Ước tính tiết kiệm từ việc cắt giảm, đơn giản hóa khoảng gần 2.000 tỷ đồng.

Gần 15 nghìn doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp tổng số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2016 là 508 thủ tục; đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 344 thủ tục (chiếm tỷ 67,7%). Tổng số TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ tính đến ngày 31/5/2022 là 359 thủ tục và được cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng.

Bộ Nông nghiệp cho biết Bộ triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và giảm chi phí thực hiện cho người dân, doanh nghiệp: Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT có 50 dịch vụ công trực tuyến. Năm 2022, tiếp tục triển khai xây dựng 17 DVCTT cấp Bộ tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC đảm bảo đề xuất phân cấp ít nhất 20% TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất phân cấp 54/344 TTHC, đạt tỷ lệ 15,69%.

Ngoài ra việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh: Theo Luật Đầu tư năm 2016, tổng số điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong lĩnh vực nông nghiệp là 345 điều kiện, tương ứng với 33 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đến nay, đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 252 điều kiện (bãi bỏ 115 điều kiện, sửa đổi 137 điều kiện), chiếm tỷ lệ 73%; chi phí tiết kiệm được từ việc cắt giảm 46,42 tỷ đồng. Tổng số lượng ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp hiện là 34 ngành nghề với 272 điều kiện kinh doanh đang còn hiệu lực.

Cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành: Tổng số sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành thời gian đầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm 251 nhóm sản phẩm hàng hóa, với 7698 dòng hàng. Đến nay, đã cắt giảm 5.288 dòng hàng (giảm 78% so với năm 2017); ước tính tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp trên là 21,6 tỷ đồng/năm.

Cùng với đó, đã thực hiện tập trung thống nhất một đầu mối kiểm tra chuyên ngành 14 nhóm sản phẩm, hàng hóa. Số sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trước thông quan thuộc phạm vi quản lý của Bộ hiện nay chỉ còn 1639 dòng hàng.

Như vậy, cùng với hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, cắt giảm, cải tiến mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo hướng một cửa liên thông; nâng cấp, mở rộng đăng ký trực tiếp qua cổng thông tin điện tử theo các cấp độ. Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các điều kiện đầu tư kinh doanh phải thực sự cần thiết, đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, không tạo rào cản gia nhập thị trường, không làm phát sinh chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, là nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.

" Đến nay, cả nước có 14.800 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp. Bên cạnh sự phát triển, đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tồn tại và giải pháp

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp TTHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc thực hiện TTHC được đổi mới, chất lượng giải quyết TTHC được nâng cao hơn trước; tuy nhiên một số thủ tục vẫn còn rườm rà, phức tạp; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công còn yếu.

Số lượng và vốn đăng ký của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thời gian qua tăng khá nhanh, nhưng vẫn chậm hơn so với bình quân chung và chưa bền vững, số doanh nghiệp dừng kinh doanh hàng năm khá lớn. Quy mô doanh nghiệp NLTS đa số còn nhỏ bé, hiệu quả hoạt động chưa cao, mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước và xã hội còn hạn chế.

Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp để tích hợp, chia sẻ cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu (mới có khoảng 2.200/19.000 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số, với gần 2% tổng số hộ nông dân được tập huấn công nghệ số). Chuyển đổi số của các doanh nghiệp, hộ sản xuất phần lớn cũng chưa đáp ứng yêu cầu do thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu minh bạch xuất xứ sản phẩm, thiếu kết nối chia sẻ thông tin của tất cả các khâu từ sản xuất, quản lý, logicstic, thương mại nông sản. Bộ Nông nghiệp cho biết.

Từ đó Bộ Nông nghiệp đề ra giải pháp khắc phục thời gian tới như sau:

Tiếp tục rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, rút; ngắn thời gian kiểm tra, tăng cường quản lý rủi ro, cắt giảm phí và lệ phí; giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo chỉ đạo của Chỉnh phủ tại Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020, trong đó, giai đoạn 2020 - 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định, 20% chi phí tuân thủ. Đẩy nhanh sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là công ty nông, lâm nghiệp để tạo cơ hội cho doanh nghiệp khu vực tư nhân đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017, Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XII “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Để khơi thông các “điểm nghẽn” trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Thanh Bút