VNHNO - Mới đây, Bộ trưởng GTVT đã chủ trì buổi làm việc về công tác chuyển giao các doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước quản lý.
Trươc đó, theo quy định tại Nghị định số 131 ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có 7 tập đoàn và 12 tổng công ty được Chính phủ giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu.
Trong số này, có 5 tổng công ty thuộc Bộ GTVT gồm TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines), TCT Cảng hàng không VN (ACV), TCT Đường sắt VN (VNR), TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) và TCT Hàng hải VN (Vinalines).
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Thủ tướng yêu cầu các đơn vị phải làm tốt công tác bàn giao, đảm bảo công việc không chồng chéo, đình trệ”.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: Để công việc sắp tới được suôn sẻ, cần đẩy nhanh xây dựng các Đề án quản lý khai thác hạ tầng, liệt kê nội dung bàn giao với Ủy ban, làm rõ trách nhiệm các bên trong giai đoạn giao thời.
Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói: “Bộ GTVT sẽ thực hiện chức năng QLNN trên cơ sở chiến lược, quy hoạch. Việc của Bộ GTVT là nghiên cứu kế hoạch đầu tư và cơ chế chính sách”.
Với TCT Đầu tư đường cao tốc VN, TCT Hàng không VN, Thứ trưởng Thọ cho rằng: “Sẽ bàn giao nguyên trạng”.
TCT Hàng không Việt Nam sẽ bàn giao nguyên trạng
Đối với TCT Hàng hải, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết: “Đã tách bạch rõ chức năng QLNN và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp nên việc bàn giao sẽ không gặp khó khăn gì”.
Liên quan đến việc bàn giao VEC, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay, Bộ GTVT đang thực hiện tái cơ cấu lại TCT Cửu Long (CIPM) theo hướng sáp nhập về VEC. Để thuận lợi hơn, cần hoàn tất việc sáp nhập trước khi chuyển giao.
Sau ý kiến phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nêu rõ: “Quan điểm là bàn giao nguyên trạng nhưng phải có hồ sơ rõ ràng”./.