Đối với dự án Cam Lộ - La Sơn do Ban Quản lý dự án Hồ Chí Minh (QLDA) làm Chủ đầu tư có chiều dài 98,3 km với tổng mức đầu tư trên 7.669 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 31/10/2022, tuy nhiên, do một số hạng mục chưa hoàn thành Ban QLDA Hồ Chí Minh phải xin gia hạn.
Theo Bộ GTVT, tính đến hết tháng 11/2022, lũy kế giải ngân đạt 1.248/1.510 tỷ đồng (khoảng 82,7% kế hoạch), chậm khoảng 17,3% (262 tỷ đồng).
Nguyên nhân khách quan do thời tiết biến động, miền Trung năm nay mưa nhiều. Về nguyên nhân chủ quan do nhà thầu chậm hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, thanh toán và tiến độ thi công chậm 1,76% (sản lượng lũy kế đạt 96% giá trị hợp đồng).
Vì thế, Bộ GTVT yêu cầu Ban HCM chỉ đạo nhà thầu thi công liên tục “3ca, 4 kíp”/ngày để hoàn thành tuyến chính trước ngày 30/11/2022. Đối với các công việc còn lại như hàng rào, đường gom và các tuyến nối… phải hoàn thành trong tháng 12/2022.
"Ban Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thành các thủ tục nghiệm thu, thanh toán để giải ngân các khối lượng đã thi công đủ điều kiện thanh toán theo yêu cầu. Đồng thời, phối hợp với Hội đồng kiểm tra nhà nước, hoàn thành các thủ tục nghiệm thu để đưa công trình vào khai thác trước ngày 31/12/2022", Bộ GTVT nêu.
Đối với dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt – đây là dự án PPP do Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng làm Chủ đầu tư – Ban QLDA 6 thay mặt Bộ GTVT phụ trách. Dự án có chiều dài 49,3km, tổng mức đầu tư trên 13.338 tỷ đồng.
Sau rất nhiều khó khăn về huy động vốn, đến tháng 5/2021, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đã chính thức được khởi công và dự kiến mốc hoàn thành vào tháng 5/2024. Tuy nhiên, sau 18 tháng khởi công, dự án mới giải ngân được 437/601 tỷ đồng (đạt 72,7% kế hoạch), chậm khoảng 27,3% (164 tỷ đồng).
Nguyên nhân chủ yếu do Hợp đồng tín dụng ký kết chậm hơn 4 tháng so với yêu cầu, đến ngày 12/2/2022 nhà đầu tư mới ký được hợp đồng. Việc giải ngân vốn tín dụng chậm, cụ thể từ khi ký hợp đồng đến khi giải ngân mất hơn 9 tháng.
Mặt khác, Bộ GTVT nêu rõ: "Doanh nghiệp Dự án này yếu trong công tác quản lý, điều hành nhân sự, cách thức điều hành,… Các Nhà thầu thi công ở đây cũng chính là các nhà đầu tư chậm 6,8% (sản lượng lũy kế mới đạt 18% giá trị hợp đồng).
Vì thế, Bộ GTVT yêu cầu: Nhà đầu tư kiên quyết loại bỏ các nhà thầu yếu kém. Rà soát khối lượng của các nhà thầu thi công chậm để điều chuyển kịp thời. Yêu cầu kiện toàn bộ máy quản lý, điều hành của doanh nghiệp dự án.
“Chủ đầu tư phải chỉ đạo các nhà thầu lập lại tiến độ thi công tổng thể, chi tiết các hạng mục theo mốc tiến độ hoàn thành tháng 5/2024. Đối với Ban QLDA 6 với vai trò đại diện Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải kiểm soát chặt chẽ về tiến độ, chất lượng; yêu cầu nhà đầu tư tuân thủ hợp đồng đã ký”, Cục Quản lý đầu tư xây dựng nêu rõ.
Đối với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, đây cũng là dự án được đầu tư theo mô hình PPP, do Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang- Cam Lâm làm chủ đầu tư. Ban Hồ Chí Minh đại diện cho Bộ GTVT quản lý.
Dự án có tổng chiều dài 49,1km, tổng mức đầu tư 7.615 tỷ đồng. Đây là tuyến cao tốc PPP cũng gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn nên tháng 9/2021 mới được khởi công và dự kiến hoàn trong tháng 9/2023.
Đến hết tháng 11/2022, dự án đã giải ngân đạt 708,17/785,1 tỷ đồng (90,2% kế hoạch), chậm khoảng 9,8% (76,93 tỷ đồng) do nhà thầu chậm hoàn thành các thủ tục nghiệm thu thanh toán.
Vì thế, Bộ GTVT yêu cầu Ban Hồ Chí Minh với vai trò đại diện Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục nghiệm thu, thanh toán, đảm bảo tiến độ giải ngân theo yêu cầu.