VNHN - Làm việc với các đơn vị chức năng tỉnh Lạng Sơn trong ngày cận Tết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ, để đạt được chỉ tiêu tổng kim ngạch cả nước 300 tỷ USD mà Thủ tướng giao, cũng như đạt mục tiêu mà tỉnh đề ra, thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục cùng với các bộ, ngành trung ương nâng cao năng lực XNK hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng nông sản, hoa quả tươi sang Trung Quốc.
Trước thềm năm mới Canh Tý, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương tới Lạng Sơn trực tiếp thị sát và kiểm tra thực tế tình hình thương mại biên giới và cung ứng hàng hóa dịp Tết Nguyên đán tại tỉnh Lạng Sơn, nhằm theo dõi sát diễn biến thị trường của một trong những tỉnh biên giới trọng điểm. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh cũng như các ngành chức năng của Lạng Sơn trong việc bảo đảm giá cả, bình ổn thị trường. Bộ trưởng đánh giá cao việc UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương triển khai chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường.
Theo đó, toàn bộ hệ thống doanh nghiệp cung ứng và phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, phục vụ, bảo đảm về chất lượng và giá cả, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu được đưa về phục vụ rộng khắp tới các xã, thôn, bản. Bộ trưởng ghi nhận công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn có nhiều chuyển biến. Tại một địa bàn vốn được coi là “đầu sóng ngọn gió” về hoạt động thương mại, theo Bộ trưởng, những chuyển động trên là rất có ý nghĩa. Công tác phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại đã được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhiều lần đề cập tại buổi làm việc của Bộ trưởng với lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành chức năng của Lạng Sơn.
Đứng trên vai trò Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặc biệt chú ý đến kinh nghiệm của Lạng Sơn trong việc phối hợp đồng bộ, hiệu quả, dứt điểm của Lạng Sơn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Nói như Bộ trưởng, tỉnh đã thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, nỗ lực và tính nhất quán, đồng bộ xuyên suốt trong cả hệ thống. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã “xới” các vấn đề mà Lạng Sơn cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Đó là triển khai thực hiện các kế hoạch, chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia; xác định rõ tính chất, yêu cầu của công tác chống hàng giả, gian lận thương mại; góp phần xây dựng cơ chế chính sách bảo đảm hiệu quả chung; thực hiện tốt Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân trong việc nghiêm túc thực hiện quy định.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chúc Tết các lực lượng 389 tại Lạng Sơn.
Báo cáo với Bộ trưởng và Đoàn công tác, ông Nguyễn Công Trưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhận định, chưa năm nào việc kiểm soát tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trên địa bàn lại được kiểm soát tốt như năm 2019. Ông Nguyễn Công Trưởng khẳng định: Tổng cục QLTT đã làm rất tốt công tác kiện toàn tổ chức, nhân sự của Cục QLTT Lạng Sơn cũng như luôn sát sao chỉ đạo, phối hợp với QLTT và các lực lượng hữu quan của địa phương mở các đợt kiểm tra kịp thời, phát hiện và xử lý những trường hợp hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Ông Nguyễn Công Trưởng cho biết thêm, thời gian qua, Lạng Sơn đã thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu, khi xảy ra hiện tượng ùn ứ, các lực lượng này làm việc rất tích cực, trao đổi với phía Trung Quốc nhằm hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung kinh phí đầu tư và rút ngắn thời gian thông tuyến đường liên thông giữa Lạng Sơn và Quảng Tây để giảm tải lượng nông sản lên biên giới. Trong bối cảnh mà hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020 đang đặt ra khá nhiều thách thức, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá rất cao những kiến nghị của tỉnh nêu tại buổi làm việc mà theo Bộ trưởng, nó rất chất lượng, thể hiện tầm nhìn, tư duy mới trong điều hành của tỉnh. Đó là phía tỉnh đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các đoàn làm việc trao đổi, đàm phán với Trung Quốc bổ sung thêm một số mặt hàng nông sản, thủy sản thế mạnh của Việt Nam nói chung và một số mặt hàng nông sản, hoa quả của tỉnh Lạng Sơn nói riêng được phép xuất khẩu vào Trung Quốc; phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tổ chức hội đàm, thống nhất với Trung Quốc cho phép nhập khẩu các mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu khác của tỉnh Lạng Sơn như: Chi Ma, Na Hình, Bình Nghi.Để góp phần tăng khả năng thông quan xuất khẩu nông sản của cả nước. "Phải bắt tay từ những thực tiễn như thế này mới hướng tới con số xuất khẩu 300 tỷ USD mà Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Công Thương và các bộ, ngành năm 2020"- Bộ trưởng phân tích.
Bộ trưởng cam kết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ sớm có buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn để bàn kỹ về các vấn đề của địa phương, về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn tới một cách cụ thể và sâu sát. Qua các ý kiến của Lãnh đạo các cơ quan chức năng thuộc tỉnh Lạng Sơn: Sở Công Thương, Hải quan, Biên phòng đánh giá tích cực về sự phối hợp chủ động của lực lượng QLTT, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Đây là động lực để Tổng cục QLTT ngày càng hoàn thiện tiến tới chính quy hiện đại và cũng là minh chứng khẳng định việc thành lập Tổng cục là hướng đi đúng đắn".
Liên quan đến thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, cần thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường vô cùng tiềm năng này. Cần cải thiện năng lực địa phương về logicstic, tìm ra đâu là điểm nghẽn. Bởi vì, Lạng Sơn sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa nếu khai thác tốt thế mạnh của logicstic. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Kế hoạch… căn cứ tình hình địa phương, trên cơ sở bám sát thực tiễn, sớm có ý kiến góp ý cho tỉnh. Đối với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ trưởng yêu cầu xây dựng kế hoạch, nghiên cứu thị trường, nêu các kiến nghị, đề xuất… để báo cáo tổng thể về thị trường Trung Quốc, từ đó khai thác những lợi thế và có hướng xuất khẩu bền vững vào thị trường tiềm năng này.