22/01/2025 lúc 22:41 (GMT+7)
Breaking News

Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng

VNHN - Chiều 13/12, tại Trụ sở T.Ư Đảng, tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị khóa IX về Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

VNHN - Chiều 13/12, tại Trụ sở T.Ư Đảng, tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị khóa IX về Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cùng dự, có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc.

Sau khi nghe lãnh đạo Ban Kinh tế T.Ư báo cáo, Bộ Chính trị đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc vào Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33. Thay mặt Bộ Chính trị, kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33 đã tạo cú huých cho Đà Nẵng trong quá trình đi lên. 

Sau 15 năm thực hiện, Đà Nẵng có bước phát triển nhanh, mạnh, đúng hướng; hạ tầng kinh tế, đô thị có nhiều thay đổi. Chỉ số cạnh tranh, chỉ số phát triển con người có nhiều tiến bộ. Đà Nẵng là điển hình cho một thành phố năng động, sáng tạo, biết khai thác các tiềm năng thế mạnh tại chỗ và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương để phát triển. Chưa bao giờ Đà Nẵng có bộ mặt, cơ đồ như hiện nay.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Trong quá trình đó, Đà Nẵng đã biết kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với quản lý, phát triển đô thị, giữa kinh tế với văn hóa xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh. Giai đoạn 2003 - 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn thành phố (GRDP) ước đạt khoảng 10%/năm; so năm 2003, giá trị GRDP năm 2018 tăng 4,2 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gần bảy lần. Cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch theo hướng hiện đại “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”. 

Ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất, là động lực thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng bền vững và trở thành trung tâm dịch vụ lớn của miền trung. Diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng, không gian phát triển đô thị được mở rộng gấp bốn lần so năm 2003, tạo nhiều điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan; kết cấu hạ tầng phát triển mạnh mẽ và tương đối hiện đại, đạt nhiều thành quả vượt bậc trong tiến trình xây dựng thành phố cảng biển lớn, đô thị văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng chỉ ra rằng, với vị thế địa chính trị, kinh tế và nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng Đà Nẵng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng cũng như sự kỳ vọng của nhân dân cả nước; chưa làm được vai trò là trung tâm của miền trung và Tây Nguyên. Công tác xây dựng quy hoạch tổng thể và dài hạn còn hạn chế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, so với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, thì công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, như việc bố trí cán bộ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò của tổ chức cơ sở Đảng,… Thành phố đi lên từ đất, nhưng khuyết điểm, vi phạm cũng từ đất, công tác sử dụng, quản lý đất đai có vấn đề; giàu lên từ đất và khổ sở cũng từ đất, để xảy ra một số vụ việc đáng tiếc. Đây là bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc.

Về định hướng, tư tưởng chỉ đạo chung là cần phát huy truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương Đà Nẵng; làm thật tốt công tác tư tưởng, vững vàng đi lên nhanh hơn, mạnh hơn, chắc chắn hơn, nhưng không được để xảy ra sơ hở, vi phạm, xây dựng Đà Nẵng thật sự là thành phố thông minh, đáng sống, là trung tâm kinh tế văn hóa xã hội của miền trung và Tây Nguyên. 

Thành phố cần thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch; tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn có lợi thế; phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ du lịch. Cần xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao; chú trọng vai trò của Đà Nẵng đối với Biển Đông, chủ động, phát hiện các vấn đề từ xa, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Đà Nẵng cần chú trọng làm thật tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đối với một số mặt nổi cộm, cần tìm mọi cách khắc phục cho hiệu quả, ngăn ngừa, vô hiệu hóa các phần tử xấu lợi dụng chống phá. Tập trung làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng đoàn kết nội bộ, trước hết là trong tập thể Ban Thường vụ Thành ủy, phát huy dân chủ, chấn chỉnh đội ngũ, không vì một số vụ việc tiêu cực vừa qua mà nhụt chí. 

Bộ Chính trị thống nhất sẽ ban hành nghị quyết về Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trên cơ sở kế thừa Nghị quyết 33, bổ sung những điểm mới sao cho phù hợp điều kiện, tình hình mới. Cái nào đã rõ, đã chín thì quyết tâm làm; cái nào còn vướng thì bàn, nghiên cứu và kịp thời có hướng giải quyết, thực hiện. Bộ Chính trị đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương hỗ trợ Đà Nẵng phát triển toàn diện./.

Theo Nhandan.com.vn