23/01/2025 lúc 12:51 (GMT+7)
Breaking News

Bình Thuận - Một vùng huyền tích

VNHN- “Trời cao đất rộng vơi vơi/ Ngàn thu ân đức muôn đời oai linh!/ Nhớ khi tế độ ngư thuyền/ Ra khơi, vô lộng bình yên tháng ngày…” Như một khát vọng vươn lên từ biển cả, những điệu dân ca về biển đã làm nên sắc thái của làng nghề sông nước từng theo chân Chúa Nguyễn đi tìm miền đất mới phương Nam.

VNHN- “Trời cao đất rộng vơi vơi/ Ngàn thu ân đức muôn đời oai linh!/ Nhớ khi tế độ ngư thuyền/ Ra khơi, vô lộng bình yên tháng ngày…” Như một khát vọng vươn lên từ biển cả, những điệu dân ca về biển đã làm nên sắc thái của làng nghề sông nước từng theo chân Chúa Nguyễn đi tìm miền đất mới phương Nam. Đó là lời nguyện của cả cộng đồng trong hành trình đi tìm sự bình yên trước nghịch cảnh sóng gió biển đông…những câu ca ấy hơn 300 năm về trước đã mang lại cho cư dân miền biển Bình Thuận một sức mạnh tinh thần để vươn khơi biển cả và tồn tại cho đến bây giờ.

Tượng đài tại trung tâm thành phố Phan Thiết

Phố Ngư Ông quanh năm mặn mòi gió biển bên cửa sông Phan Thiết, nơi có ngôi đền thờ thần Nam Hải do vạn chài Thủy Tú, một vạn đã khai cơ nghề biển dựng lên vào năm Nhâm ngọ 1762 đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Gần 260 năm tồn tại, đền này thờ hơn 100 bộ xương cá voi, vị cứu tinh mang lại điều lành cho dân vạn, trong đó có bộ xương được phong thần Nam Hải vào giữa thế kỷ 19, dài 22m và được giới khoa học đánh giá là lớn nhất vùng Đông Nam Á.

Bộ xương cá ông vạn Thủy Tú

Ngọc phả đình làng Đức Thắng, thành phố Phan Thiết ghi rằng lưu dân đầu tiên từ miền ngũ Quảng vào khai phá vùng cửa biển phố Hài, tức vùng hữu ngạn sông Phan Thiết bây giờ. Họ vốn là những dân chài sống chết với biển từ quê cũ nên dấu ấn mà họ để lại trên vùng đất mới này là tín ngưỡng thờ linh vật biển đông. Phố Hài, Thủy Tú, Khánh Long, Khánh Thiện, Hiệp Hưng, Nam Hải, Thạch Long ở Phan Thiết và nhiều cửa biển khác ở Bình Thuận như Phan Rí, La Gi, An Thạnh, Mũi Né…qua nhiều đời lập nghiệp, lớp người Ngũ Quảng đã hình thành nên những vạn chài sầm uất vang bóng một thời với ghe bầu và nước mắm Phan Thiết.

Cửa sông Phan Thiết, Bình Thuận

Bóng huyền tích cá Ông trong dân gian Bình Thuận mờ ảo khi nhà Nguyễn thiết lập vương triều đầu thế kỷ 19. Trong hơn140 năm trị vì, triều đại này đã có trên 100 đạo sắc phong thần cho các đền vạn thờ cá ông ở Bình Thuận, trong đó vạn Thủy Tú có 24 sắc phong và vua Minh Mạng phong cá ông thờ ở vạn Thủy Tú là Nam Hải cự tộc ngọc linh thượng đẵng thần và cho khắc hình lên nhân đĩnh, một trong 9 báu vật của triều đình. Vua Thiệu Trị phong là Đại càn quốc gia Nam Hải Đại tướng quân. Thời Minh Mạng nguyên niên vua đặt tên là nhân ngư, đến thời Tự Đức nguyên niên vua đổi tên là Đức ngư. Theo sách Đại Nam nhất thống chí ghi “ Cá tính từ thiện, hay giải cứu người khi qua biển gặp nạn. Loài cá này ở trong Nam Hải thì linh còn ở biển khác thì không linh”. Những sắc tứ này đã thổi vào vạn chài Thủy Tú một sắc màu thế tục, khiến mỗi cuộc đời cư dân vạn mãi mãi gắn chặt với huyền tích xa xưa.

Ngày xưa người Bình Thuận đi biển thường truyền nhau câu chuyện hễ nước biển rực đỏ là cá ông xuất hiện kéo theo hàng đàn cá mòi, cá cơm dày đặc; cá ông vào bờ thì năm đó biển bội thu. Câu chuyện lung linh sắc màu huyền bí chưa ai giải thích được, song đó cũng là niềm tin để cư dân biển ra khơi đánh cá. Trung thành với niềm tin ấy mà hàng năm ở hầu hết các vạn chài ở Bình Thuận đều diễn ra các lễ hội cầu ngư. Ngày nay những lễ nghi tín ngưỡng đã nhạt nhòa niềm tin theo tiến bộ khoa học nhưng tinh thần nhân văn thấm đẩm trong tín ngưỡng truyền thống như đức hiếu hy sinh hay đạo hiếu từng tồn tại hàng trăm năm ở các làng chài ven biển tỉnh Bình Thuận vẫn không có gì thay thế được. Linh hồn của lễ cầu ngư chính là ước vọng đi tìm sự bình yên và no ấm cho phần đời còn lại của những người nặng nợ với biển.

Lễ hội Cầu ngư của các vạn chài ở Bình Thuận

Cũng tại phường Đức Thắng, Phan Thiết còn có một ngôi đình khác mà nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gỗ cho thấy đình được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 dùng làm nơi thờ tự tiền hiền của các dòng họ như Trần, Lê, Nguyễn… đã khai canh lập nên làng Đức Thắng vào cuối thế kỷ 17. Nhưng người được dân làng tôn vinh và lập đình thờ là ông Trần Chất, một hương trưởng kỳ hào đã chết oan dưới lưỡi gươm của tả tướng quân Lê Văn Duyệt, khi ông đã liều mình cản đầu xe tả tướng để cầu xin xây dựng cầu, lập chợ. Cái chết của ông đã được dân làng kêu thấu kinh thành và sau được triều đình giải oan và sắc phong ông là thần hoàng làng, thì oan nợ ấy của dân làng mới tan dần theo lệ tế thu vào tháng 9 âm lịch hàng năm. Cho đến bây giờ lễ tế làng cho dù mờ nhạt đi phần nào song trong tâm thức của các bậc cao niên ngày nay vẫn mang ý nghĩa giải hạn nhằm đền ơn, đáp nghĩa đối với tiền nhân đã hy sinh vì hạnh phúc của cộng đồng.

Ở xã Tân Tiến, thị xã La Gi, phía nam thành phố Phan Thiết có ngôi làng Tam Tân là đất tì địa của nghĩa quân Trương Định, khi nhà Nguyễn cắt 6 tỉnh Nam kỳ cho thực dân Pháp năm 1867, đây cũng là đất tụ nghĩa của phong trào Cần Vương và Đông du sau này, bởi Tam Tân đã hội tụ văn hóa của xứ Quảng nơi quê người. Nơi đây có ngôi đình được xây dựng vào năm 1879, đời Tự Đức thứ 32 thờ vợ chồng dân dã Quảng Nam không họ tên danh phận chỉ để lại trong lòng người dân địa phương những công tích qua giai thoại truyền kỳ nên người đời gọi là Thầy Thím. Thầy là một đạo sĩ tinh thông thuật số ở làng La Qua, phủ Điện Bàn, Quảng Nam vì mắc tội sử dụng tà thuật chuyển ngôi đình của làng bên về La Qua nên đã bị triều đình xử bằng hình pháp “Tam ban triều điển”, nhưng nhờ giỏi thuật, thầy đã cùng vợ dùng vải lụa “đằng vân” về phương nam lánh nạn ở làng Tam Tân nầy và được người dân nơi đây che chở. Tại đây, vợ chồng thầy thường ngày vào rừng lấy thuốc, đón gỗ đóng thuyền giúp dân để trả ơn bao bọc. Chuyện về thầy Thím đã tạc vào lòng người hậu thế với những công tích về con người dân dã vô danh nhưng đã sống bằng một tinh thần nhân văn cao cả.

Dinh Thầy Thím

Huyện Bắc Bình là vùng đất tụ cư lâu đời của người Chăm ở Bình Thuận. Cho đến nay tộc người Chăm ở đây vẫn bảo lưu được bản sắc truyền thống lễ hội dân gian, dung hòa giữa các dòng tín ngưỡng Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Nho giáo của cư dân bản địa. Làng Hậu Quách xưa nay là ngôi làng cổ của người Chăm thuộc xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Cư dân làng từ lâu chủ yếu sống bằng nghề nông và dệt vải và theo dòng tín ngưỡng mới gọi là Chăm Bani, nhưng dù Chăm Bani hay Balamôn từ lâu họ vẫn sống với nhau theo tập tục lễ hội cầu mùa truyền thống, đó là các lễ hội khi tiếng sấm gọi mùa bắt đầu “Khi nghe tiếng sấm tây đông, dân làng hớn hở mới hòng yên vui”. Đó là câu ca dao của người Chăm làng Hậu Quách trong tháng lễ hội Rija vào tháng giêng Chăm (tháng tư dương lịch) hàng năm. Rịja là hệ thống lễ hội của người Chăm gồm nhiều lễ thức có mục đích và phạm vi thực hiện khác nhau, nhưng tất cả đều phản ánh khát vọng của con người vượt lên số phận và theo sức mạnh của tự nhiên về mưu cầu của cuộc sống bình yên và hạnh phúc.

Lễ hội của đồng bào Chăm ở Bình Thuận

Bình Thuận, vùng đất từ thuở vắng dấu chân người mà ai đó đã gieo vào ca dao thời mở đất mở nước. Giờ đây, hơn 300 năm mời gọi, vùng đất này đã là nơi tụ cư yên bình của các dân tộc anh em và qua chiều dài lịch sử, mảnh đất này đã có một bề dày văn hóa mà ở tận cùng của lớp trầm tích này lấp lánh những huyền tích, đó là ánh hào quang tỏa sáng từ chân dung của tiền nhân mà các thế hệ con cháu Bình Thuận muốn gửi gắm và nhờ cậy để cuộc sống ngày càng tốt đẹp và nhân ái hơn./.