05/11/2024 lúc 00:47 (GMT+7)
Breaking News

Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép

Ngày 30-10, tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước và các đơn vị: Chi cục Kiểm lâm vùng III, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Vườn quốc gia Cát Tiên tổ chức Hội thảo “Tỉnh Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh Bình Phước có diện tích rừng tự nhiên là 55.977,26 ha với nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học cao. Trong đó, nhiều loài động thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đang được bảo vệ tại Vườn quốc gia Cát Tiên và Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước phát biểu tại hội thảo

Trong nhiều năm qua, cùng với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước luôn quan tâm chỉ đạo sát sao đến các vấn đề môi trường, bảo vệ rừng, đa dạng sinh học và các loài động vật hoang dã (ĐVHD) nhằm góp phần tích cực trong cải thiện chất lượng và số lượng tài nguyên thiên nhiên; giảm nhiều nguy cơ suy thoái tài nguyên môi trường và tuyệt chủng của nhiều loài động thực vật hoang dã quý, hiếm.

Việc tổ chức hội thảo nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp, phát huy vai trò trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong việc chấm dứt sử dụng ĐVHD trái phép và phòng chống tội phạm về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật; tham gia phát hiện, tố giác, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ đa dạng sinh học; góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội và phát triển kinh tế tỉnh Bình Phước.

Xây dựng tỉnh Bình Phước trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong việc không sử dụng ĐVHD trái phép trên cả nước; và đơn vị đi đầu trong việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học (2022); Chiến lược phát triển Lâm nghiệp (2021); Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã (ĐVHD); Hướng dẫn số 13-HD/BTGTW ngày 19/7/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường tuyên truyền việc thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm; Quyết định số 1623/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Tăng cường Phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Các đại biểu tham gia nghi thức khởi động Chương trình “Tỉnh Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép”

“Việc bảo vệ các loài ĐVHD hoang dã là mắt xích quan trọng trong việc giữ lại sự ổn định của tự nhiên, hạn chế được rất nhiều những thiên tai mà tự nhiên gây ra cho con người mà chúng ta có thể thấy rõ đã tác động đến cuộc sống trực tiếp của người dân. Nói không với sử dụng ĐVHD trái phép sẽ tạo được làn sóng thay đổi mạnh mẽ khi toàn thể người dân cùng chung tay, đoàn kết thực hiện” - Ông Phạm Thụy Luân cho biết.

Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam cho biết, năm mươi năm qua, bảy mươi lăm phần trăm quần thể động vật hoang dã ở trên cạn trên thế giới đã biến mất khỏi trái đất. Chính vì thế, hội thảo này mong muốn rằng nâng cao nhận thức, thúc đẩy cộng đồng cùng tham gia để cùng hành động “nói không với động vật hoang dã trái phép”.

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Kế đến, mong muốn mọi người, thứ nhất nói không với các cái sản phẩm về động vật hoang dã, không sử dụng, không dùng động vật hoang dã. Thứ hai, cùng lên tiếng phản đối những hành vi trái phép đang sử dụng động vật hoang dã. Thứ ba, tẩy chay các nhà hàng, những đối tượng buôn bán động vật hoang dã. Từ đó, thay đổi hành vi và suy nghĩ của họ. Và cuối cùng mong muốn mọi người khi phát hiện được các hành vi vi phạm thì cùng thông báo đến các cơ quan chức năng để chấm dứt ngay việc sử dụng động vật hoang dã.

Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Minh, Phó giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết, tỉnh Bình Phước là một tỉnh biên giới, có vị trí vai trò đặc biệt quan trọng về quân sự, và an ninh quốc gia. Với diện tích trên 688.000ha đất tự nhiên, hiện còn lại 56.000ha đất rừng, với 2 khu rừng đặc dụng: Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Vườn quốc gia Cát Tiên và một số chủ rừng khác trên địa bàn tỉnh. Đây là lá chắn, là hành lang quan trọng, góp phần bảo vệ an ninh chính trị địa phương. Và đây cũng là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đang còn sót lại, với giá trị đa dạng sinh học rất cao, với nhiều loài đặc hữu quý hiếm cần được yêu tiên bảo vệ.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên trình bày tham luận tại hội thảo

Vườn quốc gia Cát Tiên với diện tích trên 71.000ha, bằng sự nỗ lực của mình, sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các địa phương trong đó có tỉnh Bình Phước trong công tác bảo vệ rừng.

Tài nguyên rừng những năm qua, luôn được bảo vệ rất tốt: Diện tích rừng không bị xâm lấn, các hành vi khai thác rừng tự nhiên đã giảm tới mức tối đa, nhiều loài thực vật, động vật quan trọng được quan tâm bảo vệ, nghiên cứu đánh giá và phát triển.

Từ đầu năm tới nay, lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên đã tổ chức trên 62.000 lượt tuần tra trong rừng, ngăn chặn nhiều vụ vi phạm tài nguyên rừng, thào gỡ trên 2.000 sợi bấy các loại.

Gia đình Voọc đi kiếm ăn trong VQG Bù Gia Mập

“Bằng những số liệu thu được, chúng tôi có nhận định rằng, hệ động vật rừng của chúng ta vẫn bị tác động, săn bắt dưới nhiều hình thức, vận chuyển buôn bán, sử dụng tiêu thụ trái pháp luật, vẫn còn lén lút xảy ra, trên nhiều địa bàn. Mặc dù chúng tôi cũng đã nỗ lực, hiện nhiều giải pháp lớn; tuyên truyền, hỗ trợ phát triển kinh tế người dân, nhằm hạn chế tận gốc nhiều những nguyên nhân. Tuy nhiên, hiệu quả còn hạn chế; cần phải có những hành động quyết liệt hơn, sự đồng hành vào cuộc của các cấp, các ngành, thì công cuộc bảo vệ rừng mới đạt được kết quả như mong đợi.

Chim Hồng Hoàng ở VQG Bù Gia Mập 

Do đó, hội thảo “Tỉnh Bình Phước nói không với động vật hoang dã trái phép” có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, là một thông điệp truyền thông mạnh mẽ, khẳng định sự quyết tâm, sự đồng hành của chính quyền địa phương, các ngành để bảo vệ hệ động vật rừng quý giá của chúng ta. Đó là đồng hành trong chỉ đạo, điều hành; đồng hành trong hỗ trợ phát triển kinh tế người dân những khu vực sâu, xa giáp rừng; đồng hành trong ngăn chặn xử lý vi phạm, đưa công tác truyền thông tới đông đảo các tầng lớp xã hội, để thay đổi ứng xử của chúng ta đối với các loại: Chúng ta phải nói thay những loài không thể nói” - ông Nguyễn Văn Minh nói.

Bùi Thanh Liêm