14/10/2024 lúc 09:03 (GMT+7)
Breaking News

Bình Phước đánh thức tiềm năng du lịch

Dù chưa được nhiều người biết đến, nhưng những danh thắng như Bà Rá - Thác Mơ, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Trảng cỏ Bù Lạch, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo, Căn cứ Tà Thiết, Khu du lịch sinh thái Bù Đốp, Khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ và trên 10 ghềnh thác trải dài suốt hàng chục km của sông Bé, sông Đồng Nai... với những khu rừng nguyên sinh, thảm cỏ, sông hồ rộng lớn, tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ và đa màu sắc.

Tuy nhiên, những năm qua việc khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch ở Bình Phước còn rất hạn chế. Do đó Quyết định số 2194/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được ban hành như đòn bẩy đưa ngành du lịch địa phương này phát triển.

Du khách đến tham quan Khu du lịch Căn cư Tà Thiết, huyện Lộc Ninh

Chú trọng du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng

Bà Trần Tuệ Hiền – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Bình Phước là tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm, năng động và phát triển phía Nam, có vị trí địa lý chiến lược, có các tuyến giao thông kết nối hết sức thuận lợi và giữ vai trò quan trọng, là cửa ngõ kết nối, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Vương quốc Campuchia - Lào - Thái Lan. Với lợi thế đó, mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm hình thành một số sản phẩm du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh, hạ tầng dịch vụ, du lịch ở trung tâm các huyện, thị xã và thành phố. Trong đó ưu tiên hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng như: du lịch tìm hiểu lịch sử, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm mang nét đặc trưng, khác biệt để khẳng định thương hiệu du lịch Bình Phước nhằm tăng số thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của mỗi du khách và tăng doanh thu từ du lịch.

Cụ thể, đến năm 2025: Xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả các tuyến du lịch nội tỉnh với các sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Phước theo các tuyến đường Quốc lộ 14, ĐT741, Quốc lộ 13, đặc biệt tuyến du lịch quốc tế TP.HCM - Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan, nhằm thu hút đông đảo du khách đến với Bình Phước. Có một đến hai khách sạn 4-5 sao trên địa bàn thành phố Đồng Xoài. Có 1 đến 2 sân Golf hoạt động trên địa bàn tỉnh. Công nhận 2 khu du lịch cấp tỉnh và 3 điểm du lịch. Phấn đấu năm 2025, đón khoảng 1,7 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 1.560 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 8.500 lao động, tăng mức chi tiêu của khách du lịch từ khoảng 700.000đ/ngày/khách lên đến 800.000đ/ngày/khách và tăng thời gian lưu trú từ 1,07 ngày/khách lên 1,15 ngày/khách.

Sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào S’tiêng được bày bán tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng

Đến năm 2030: Xây dựng, phát triển thành phố Đồng Xoài trở thành trung tâm du lịch của tỉnh với hệ thống dịch vụ tiện ích, có trung tâm vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn cao cấp. Có các trung tâm thương mại lớn, khu chợ đêm và hệ thống cửa hàng tiện ích. Nâng cấp và công nhận 1 khu du lịch cấp tỉnh thành khu du lịch cấp quốc gia và 1 điểm du lịch cấp tỉnh thành khu du lịch cấp tỉnh; công nhận mới 1 khu du lịch cấp quốc gia, 2 khu du lịch cấp tỉnh, 3 điểm du lịch. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 4 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 13.000 lao động, tăng mức chi tiêu của khách du lịch từ khoảng 800.000đ/ngày/khách lên 1.200.000đ/ngày/khách, tăng thời gian lưu trú từ 1,15 ngày/khách lên 1,45 ngày/khách.

Chế biến cơm lam của đồng bào S’tiêng tại sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng

Về Bình Phước thưởng thức cơm lam, rượu cần

Theo bà Trần Tuệ Hiền, để ngành du lịch phát triển, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp. Đó là, đưa các địa điểm, các dự án đầu tư phát triển du lịch vào quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế trong xã hội. Rà soát, lập, bổ sung, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chức năng theo quy định hiện hành các khu, điểm du lịch có tiềm năng, lợi thế trên địa bàn tỉnh. Tập trung đầu tư và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các dự án hình thành các khu du lịch cấp quốc gia, cấp tỉnh và các điểm du lịch.

Đáng chú ý như: Khu đô thị kết hợp nghỉ dưỡng hồ Suối Giai (huyện Đồng Phú) với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và đánh golf.

Một góc Trảng cỏ Bù Lạch, huyện Bù Đăng

Hình thành các khu, điểm du lịch gắn với tuyến đường cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa, trong đó lấy Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng) làm động lực phát triển với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, homestays gắn với các trải nghiệm cùng sinh hoạt với cộng đồng người M’nông và S’tiêng; du lịch tham quan, khám phá các di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam và thế giới thu nhỏ gắn với trải nghiệm khinh khí cầu và đánh golf.

Khu Quần thể văn hóa - cứu sinh Bà Rá (thị xã Phước Long) với các sản phẩm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe theo phương pháp Đông y, trải nghiệm các hoạt động thể thao mạo hiểm, đánh golf.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (hay còn gọi là Căn cứ Tà Thiết, huyện Lộc Ninh) với các sản phẩm du lịch tham quan tìm hiểu lịch sử; du lịch về nguồn; du lịch tâm linh; du lịch dã ngoại và tham quan động vật hoang dã tại Công viên safari Tà Thiết và các dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí.

Du khách tham gia du lịch mạo hiểm ở Vườn quốc Gia Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập

Khuyến khích đầu tư hoàn thiện các dự án đã và đang hình thành các sản phẩm du lịch như: Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng) với các sản phẩm du lịch trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo của người S’tiêng Bình Phước như tham gia các lễ hội truyền thống của đồng bào, tham gia giã gạo bằng chày tay, homestays. Đến với sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng) hôm nay du khách sẽ có dịp nghe già làng kể chuyện, xem các sơn nữ biểu diễn vũ điệu của người S’tiêng, trai làng múa cồng chiêng bên ánh lửa bập bùng; rồi thưởng thức cơm lam, rượu cần hay tham quan các làng nghề truyền thống của người S’tiêng như: dệt thổ cẩm, rèn, đan lát,…

Thời gian thực hiện, giai đoạn 2022 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Kinh phí khái toán 12.613,85 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2022 – 2025 là 5.075,67 tỉ đồng, giai đoạn 2026 – 2030 là 7.538,18 tỉ đồng, từ các nguổn ngân sách, sự nghiệp, đầu tư phát triển, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân. 

Bùi Thanh Liêm