Tháng 3, biên giới miền Tây ngày nắng như đổ lửa, đêm sương xuống lạnh thấu da thịt. Thế nhưng, các lượng phòng chống dịch Covid-19 giáp biên giới vẫn giữ tinh thần, kiểm soát chặt biên giới để nội địa được bình yên.
An Giang có đường biên giới dài hơn 100 km, giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo (Campuchia). Những ngày qua, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 bên nước bạn diễn biến phức tạp, lực lượng chốt chặn biên giới chia nhỏ địa bàn thực hiện nhiệm vụ “kép” xuyên đêm.
Lực lượng Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn tuần tra biên giới vào ban đêm
“Võng” chống dịch
Về biên giới An Giang lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Campuchia diễn biến phức tạp, tôi được đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh, “mai mối” về tuần tra đêm ở 15,4 km biên giới, do cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn (TP.Châu Đốc) quản lý.
Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình (An Giang) thực hiện tuần tra trên sông Bình Di
Đồn đóng chân tại TP.Châu Đốc nhưng chúng tôi phải đi vỏ lãi vượt kênh Vĩnh Tế để chạy dọc theo con kênh nhỏ mới đến được chốt phòng chống dịch sát biên giới. Đại úy Ngô Thanh Long, Chính trị viên, Phó đồn biên phòng Vĩnh Nguơn, chia sẻ: “Thời gian chống dịch đã rất dài, nhưng anh em ai cũng quyết tâm khắc phục khó khăn, không để lọt mầm bệnh vào nội địa”.
Chốt phòng chống dịch Covid-19 số 13, nơi tôi được “phân công” ở và tuần tra thực hiện nhiệm vụ “kép”, chỉ cách ấp Trâm Bầu, xã Chey Chok, H.Prây Chu Sa, tỉnh Takeo, Campuchia 300 m. Theo lãnh đạo Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn, phía bên kia biên giới chỉ có gần 90 nóc nhà, nhưng là điểm tập kết và trung chuyển hàng lậu vào Việt Nam mỗi khi có cơ hội. Nếu lơ là, mất cảnh giác thì cũng là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép vượt qua biên giới.
Để phía trong nội địa được an toàn, 24/24 giờ tuyến biên giới do chốt quản lý và các chốt khác luôn có lực lượng thức canh phòng. Ngay tại chốt 13 tôi ở, các anh chia nhỏ khu vực và chia ca thay phiên nhau kiểm soát. Ở các khu vực trọng yếu, suốt đêm luôn có những chiếc võng mùng chống muỗi mắc “lắc lư” ngang những thân cây.
Lực lượng Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn (An Giang) mắc võng kiểm soát biên giới ban đêm (ẢNH: TRẦN NGỌC)
Trung úy Lương Văn Thế, chốt trưởng chốt phòng chống dịch Covid-19 số 13, cho biết: “Giờ đang tháng 3, trưa trời nắng chang chang, tối sương đêm giá lạnh nhưng anh em động viên nhau cố gắng thức để không lọt tội phạm và người xuất, nhập cảnh trái phép”.
Là “lính mới” chưa quen với sương đêm biên giới, tôi được trung úy Thế phân công mắc võng tại chốt được dựng bằng vách tôn để canh phòng cho đỡ lạnh, đồng thời được ưu tiên sắp xếp tuần tra những lúc… khó ngủ. Đường tuần tra của chốt là những bờ đê ôm theo ruộng lúa, bờ kênh tối om, khác hẳn không khí nhộn nhịp, sáng đèn ở TP.Châu Đốc - thủ phủ du lịch tỉnh An Giang.
Đại úy Ngô Thanh Long vừa lia đèn pin rọi từng lùm cây, bụi lúa dọc biên giới, vừa tâm sự: “Mình luôn yêu cầu anh em phải kỹ lưỡng. Công sức hai năm trời vất vả siết biên giới chống dịch mà để lọt mầm bệnh qua biên giới thì công sức anh em không còn. Hiện nay tình hình dịch bên Campuchia đang diễn biến rất phức tạp nên càng phải kiểm soát chặt hơn”.
Đêm vùng biên, khi nhiều người chìm sâu vào giấc ngủ, lực lượng kiểm soát biên giới vẫn lặng lẽ tuần tra thực hiện nhiệm vụ. Khi tôi vừa lim dim chợp mắt sau ca tuần tra cùng lực lượng tại chốt số 13 thì tại khu vực mốc biên giới số 266 cách chúng tôi một đoạn ngắn, lúc khoảng 3 giờ sáng, đại úy Bùi Văn Liệt, Phó đồn biên phòng Vĩnh Nguơn, phối hợp lực lượng đặc nhiệm của BĐBP tỉnh An Giang phát hiện và truy đuổi một nhóm vác thuốc lá ngoại nhập lậu. Phát hiện biên phòng rượt đuổi, nhóm buôn lậu bỏ lại hàng hóa trị giá khoảng 15 triệu đồng, chạy thoát thân.
Điểm nóng "Long Bình"
Hơn 100 km biên giới của An Giang thì địa bàn H.An Phú có đến hơn 42 km đường biên giáp Campuchia, trong đó hơn 15 km do Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình quản lý. 15 km biên giới này luôn được xem là “điểm nóng” nhất trong số các điểm nóng của tuyến biên giới tỉnh An Giang. Bởi, tuyến biên giới của Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình quản lý trải dài qua các xã: Khánh An, Khánh Bình và TT.Long Bình (H.An Phú) với mật độ dân cư đông đúc, và phía đối diện biên giới thuộc H.Koth Thum, tỉnh Kandal, Campuchia cũng tương tự. Ngoài ra, ven biên giới có nhiều vườn cây, dễ dàng cho các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép ẩn núp để chờ cơ hội vượt biên giới hoặc tội phạm có tính chất xuyên quốc gia hoạt động.
Chốt biên phòng được tổ chức trên phà để kiểm soát sông Bình Di, H.An Phú, An Giang
Theo đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh An Giang, ngoài các đặc điểm trên thì biên giới do Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình quản lý chỉ cách con sông Bình Di nhỏ hẹp, rất dễ dàng cho tội phạm và đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép qua lại. Chính vì thế, tháng 12.2020, nhóm 9 người của bệnh nhân 1440 đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua sông Bình Di. Hiện nay, nhiều công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đến An Giang luôn tìm cách về khu vực biên giới này để xuất cảnh trái phép sang Campuchia, đồng thời nhiều người Việt ở Campuchia muốn chạy dịch về Việt Nam nên công tác phòng chống dịch Covid-19 của cán bộ, chiến sĩ của Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình càng thêm vất vả.
Có dịp tháp tùng cùng cán bộ, chiến sĩ của Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình tuần tra biên giới vào ban đêm mới thấy hết sự khó khăn, vất vả của những người canh giữ biên giới nơi đây. Ngoài 11 km đường bộ, để quản lý 4 km đường sông, đồn phải bố trí lực lượng đóng chốt phòng chống dịch ngay trên phà ở sông Bình Di trong điều kiện ngày nắng rát da, đêm lạnh buốt thịt. Ban đêm, đường tuần tra của các anh ở nhiều khu vực phải len lỏi qua các vườn xoài um tùm.
Trung tá Nguyễn Quang Điềm, Trưởng đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình, chia sẻ: “Tuyến biên giới do đồn quản lý có nhiều đường mòn, lối mở và kênh rạch nên thuận lợi cho các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép lợi dụng. Tuy khó, nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn quyết tâm nêu cao tinh thần cảnh giác để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.