Đến với vùng cao Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) ngoài không khí trong lành, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, nơi đây còn có truyền thuyết về 3 con hổ đá “hà gừ” ly kỳ, hấp dẫn khách du lịch bốn phương. Đặc biệt, đây được coi là tượng đài tín ngưỡng vĩnh cửu của đồng bào Hà Nhì.
Ngược theo hướng cầu Thiên Sinh (thôn Lao Chải, xã Y Tý), con “hà gừ” ở đây có bề ngoài vừa giống hổ, vừa giống sư tử, được chạm khắc từ đá nguyên khối và đặt trên một bệ đá hình chữ nhật. Hai con còn lại được đặt ở thôn Choản Thèn (xã Y Tý), song song với con thứ nhất và cùng hướng về phía dãy núi “gạ tạ mò” (núi Ngựa). Chúng đều cao khoảng 1m, được chạm khắc đơn giản, không hoa văn cầu kỳ.
Theo lời người dân sống quanh khu vực ruộng bậc thang Thề Pả, dãy núi “gạ tạ mò” nằm cạnh biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Không biết tự bao giờ, người dân truyền tai nhau dãy núi này là nơi ngựa thần sinh sống. Chúng thường xuống phá lúa, lúc làm hạn hán, lúc lúa bị lép không hạt khiến cuộc sống người dân thiếu lương thực trầm trọng. Nhận thấy có điều chẳng lành, các già làng người Hà Nhì đã đích thân đi tìm hiểu. Từ đó, họ phát hiện ra nguyên nhân là do ngựa thần xuống phá hoại mùa màng. Sau khi bàn bạc, thống nhất, người dân các thôn, bản quanh khu vực ruộng bậc thang Thề Pả đã đặt những con hổ đá “hà gừ” để ngăn chặn ngựa thần.
Anh Chu Che Xá (thôn Lao Chải) cho biết, vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm trong khuôn khổ lễ hội Mu Thu Do, người dân trong thôn cử đại diện 1 người đứng ra làm thầy cúng (gạ ma à guy) nhằm dâng thức ăn cho ngựa thần, cầu mong ngựa không xuống phá. Lễ vật cúng gồm 1 con chó, 1 con vịt, 1 con gà, 1 hũ thóc, 1 gói xôi, 1 lọ rượu cúng. Sau phần lễ, đại diện các gia đình sẽ cùng nhau dùng bữa tại khuôn viên nơi đặt tượng hổ đá “hà gừ”. Từ khi đặt hổ đá “hà gừ”, người dân không bị mất mùa, đời sống ổn định. Đặc biệt, mỗi lần đi qua, người dân thường đặt vào miệng hổ đá nắm rau, cỏ, hoa quả, củ khoai để thể hiện sự biết ơn và quý mến.
Vào năm 2016, một người dân trong thôn tự ý mang hổ đá “hà gừ” về nhà. Ngay sau đó, cây lúa bỗng bị cháy lá, nhiều khu vực ruộng đang xanh tốt bất ngờ úa vàng. Thậm chí, trời hạn hán kéo dài khiến các thửa ruộng khô cằn, nứt nẻ. Nhận thấy hiện tượng lạ, các già làng trưởng bản đã cùng nhau đi tìm nguyên nhân. Không lâu sau, họ phát hiện và lấy lại hổ đá “hà gừ” bị di dời. Lập tức, ngay đêm hôm ấy, trời đổ mưa to, nước tràn vào các thửa ruộng. Mấy hôm sau, thung lũng ruộng bậc thang Thề Pả tươi tốt trở lại. Cũng sau sự việc này, người dân càng nhận thấy sự linh thiêng của hổ đá “hà gừ” trong công cuộc bảo vệ mùa màng. Những truyền thuyết chưa được mọi người xác thực, tuy nhiên, chúng lại thôi thúc du khách bốn phương đến Y Tý để trải nghiệm và tìm hiểu./.
|