01/05/2024 lúc 03:17 (GMT+7)
Breaking News

BHXH Bắc Ninh với mục tiêu đổi mới vì sự hài lòng của người dân

VNHN - Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của BCH Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH đạt nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề thực hiện tốt chính sách BHXH trên địa bàn.

VNHN - Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của BCH Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH đạt nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề thực hiện tốt chính sách BHXH trên địa bàn.

Ngay sau khi có Nghị quyết số 28-NQ/TW, các cấp, các ngành đẩy mạnh phổ biến, quán triệt trong cán bộ, đảng viên đồng thời xây dựng các chương trình hành động, ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện. Các cấp chính quyền đã cụ thể hoá Nghị quyết của Trung ương thành kế hoạch thực hiện với mục tiêu, nhiệm vụ sát với thực tế địa phương và có giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH được quan tâm, đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phù hợp với từng thời điểm, từng đối tượng, nhất là nông dân, lao động phi chính thức với những nội dung thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ. Cơ quan BHXH tỉnh phát động phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW giai đoạn 2019-2030 với chủ đề “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động BHXH tỉnh quyết tâm thực hiện hiệu quả cải cách chính sách BHXH”; thực hiện ký kết quy chế phối hợp tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT với các sở, ngành, đơn vị.

Việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chính sách BHXH, BHYT, BHTN trở nên gần gũi với người dân hơn, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận và tham gia, thụ hưởng ngày càng dễ dàng và thuận lợi. Các dịch vụ công trực tuyến liên quan được triển khai đồng bộ, hiện đại trên nền tảng số hoá. Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tăng cao, quyền lợi người tham gia mở rộng, do vậy tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT, BHTN của tỉnh đạt mức cao hơn mức trung bình cả nước.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 7.214 đơn vị tham gia BHXH, BHYT, BHTN (BHXH chiếm tỷ lệ 47,7% lực lượng lao động, BHYT đạt tỷ lệ hơn 93% dân số, BHTN chiếm 44% lực lượng lao động). Đáng chú ý, Bắc Ninh là một trong số ít các tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển đối tượng như hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho người đủ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi (sớm hơn 15 năm so với quy định của Nhà nước), hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo (mức quy định của Nhà nước là 70%), hỗ trợ 100% mức đóng cho đảng viên dưới 75 tuổi được tặng huy hiệu 40 năm tuổi đảng; hỗ trợ 85% cho công an viên.

Cán bộ ngành BHXH cấp đổi thẻ BHYT cho người dân tại Trung tâm Hành chính công thành phố Bắc Ninh.

Đặc biệt từ tháng 8-2019, UBND tỉnh chủ trương hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho đối tượng tham gia BHYT tự nguyện; hỗ trợ 100% cho cựu quân nhân nhập ngũ từ ngày 30-4-1975 đến trước ngày 17-2-1979, người thu gom rác thải và người đơn thân hộ nghèo nuôi con nhỏ… Trong hơn 1 năm qua, việc bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN cũng được quan tâm, thực hiện đúng quy định. Các cấp, ngành hữu quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh công tác chi trả và quản lý đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, bảo đảm thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng qua hệ thống ATM và bưu điện tại 8 huyện, thị xã, thành phố.

Chất lượng khám chữa bệnh (KCB) BHYT từng bước đổi mới, nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân, ý thức, trách nhiệm và tinh thần thái độ phục vụ người bệnh của đội ngũ y, bác sỹ từng bước được cải thiện. Năm 2019 ước tính có khoảng hơn 2,2 triệu lượt người thực hiện KCB BHYT với chi phí KCB BHYT hơn 1500 tỷ đồng. Cùng với các hoạt động trên, BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã, thành phố cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong lĩnh vực BHXH, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu cải cách chính sách BHXH.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn một số khó khăn như: Công tác thông tin, tuyên truyền ở một số cơ sở chưa thường xuyên; một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của một bộ phận người sử dụng lao động chưa cao; tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN vẫn xảy ra, số nợ còn chiếm tỷ lệ cao. 

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW, thời gian tới, các cấp, ngành cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về chính sách BHXH; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH; thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng và gia tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn, bảo đảm chế độ cho người tham gia.