TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Xuất phát từ tình hình chống dịch COVID-19 trong hơn 2 năm vừa qua, chúng tôi nhận thấy với những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là những bệnh dịch nguy hiểm thì bệnh viện cần có sự phát triển đồng bộ hơn nữa các chuyên khoa. Chính vì thế việc thành lập các chuyên khoa này là yêu cầu cấp thiết đặt ra để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người bệnh, nâng cao chất lượng sống cho họ".
Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, là đơn vị đầu ngành truyền nhiễm, trong đại dịch, bệnh viện có nhiệm vụ duy trì lực lượng chống dịch đủ mạnh (từ 700 - 1000 người) để bất cứ lúc nào cũng có thể huy động, đáp ứng tình huống chống dịch.
Khi hết đại dịch, người dân trở về trạng thái bình thường thì bệnh viện có sự tổ chức, sắp xếp để tận dụng được năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân viên y tế.
Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng 5-8 triệu người mắc viêm gan B mạn tính và gần 1 triệu người mắc viêm gan C. Viêm gan B, C mạn không được kiểm soát tốt sẽ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan sau 15-20 năm.
Người bị xơ gan nếu đã sang giai đoạn mất bù chỉ sống thêm trung bình từ 1-3 năm và khi ung thư gan đã di căn thì tuổi thọ của người bệnh kéo dài thêm thường không quá 1 năm. Trong những năm tháng đó sức khỏe sẽ suy giảm do bệnh tật, cộng thêm với chi phí điều trị rất cao nên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sẽ rất thấp.
Theo BS. Cấp, tăng cường nhận thức xã hội để hạn chế đường lây truyền; Tiêm phòng viêm gan B; Ngăn ngừa lây truyền Mẹ - Con với những sản phụ bị viêm gan mạn; Điều trị kháng virus là bốn trụ cột trong việc kiểm soát bệnh viêm gan nhằm giảm tỷ lệ mắc, ngăn ngừa các hậu quả xơ gan, ung thư gan của bệnh viêm gan virus B, C.
Bệnh viện cũng đã từng bước xác lập chiến lược, xây dựng đội ngũ để từng bước chiến thắng bệnh viêm gan B, C trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể:
Trung tâm Phòng chống dịch chịu trách nhiệm về tiêm chủng, cùng các Phòng khám Viêm gan giúp điều trị kháng virus, kiểm soát bệnh viêm gan ngoài cộng đồng;
Khoa Viêm gan chịu trách nhiệm điều trị những bệnh nhân viêm gan nặng, xơ gan;
Khoa Cấp cứu; khoa Hồi sức đảm nhiệm hồi sức gan cho các bệnh nhân mắc bệnh gan trầm trọng;
Khoa Sản ngoài việc là địa chỉ tin cậy cho những bà mẹ thông thường đến sinh nở, còn là nơi đảm bảo sinh nở an toàn cho những sản phụ có bệnh truyền nhiễm, bất kể là COVID-19, viêm gan B, C hay các bệnh truyền nhiễm khác.
"Việc thành lập khoa Ngoại Gan Mật - Tiêu hóa và Ung bướu để phát hiện sớm, thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật điều trị ung thư gan và các biến chứng của xơ gan, tiến tới ghép thay gan là mảnh ghép hoàn chỉnh của mặt trận phòng chống viêm gan" - lãnh đạo bệnh viện thông tin.
Bên cạnh đó, với định hướng phát triển TP. Hà Nội về 2 bên sông Hồng, cụm Đông Anh - Mê Linh - Sóc Sơn tương lai sẽ phát triển thành thành phố Bắc sông Hồng với diện tích hơn 600km2 và quy mô dân số có thể tới vài triệu dân.
Trong khi các bệnh viện trung ương hầu hết nằm ở nội thành, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đảm nhận vai trò bệnh viện trung ương duy nhất phía bắc sông Hồng của Hà Nội. Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Thần kinh và Cột sống, khoa Ngoại Tổng hợp, Tiết niệu và Nam học sẽ là bước phát triển về Ngoại khoa của bệnh viện nhằm đảm nhận vai trò chăm sóc sức khỏe nhân dân.