23/01/2025 lúc 00:07 (GMT+7)
Breaking News

Bến Tre: Tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1399/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi, ranh giới Quy hoạch tỉnh Bến Tre bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Bến Tre và không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Phấn đấu đến năm 2030, Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; tập trung phát triển kinh tế biển; công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng mới gắn bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; có đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc.

Mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 10 - 10,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 170 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 2,5%...

Đến năm 2050, Bến Tre là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống có hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, môi trường sống xanh, sạch; phấn đấu trở thành đơn vị hành chính đô thị loại I đặc thù, đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh; các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; xã hội phát triển hài hòa, văn minh, hiện đại; môi trường, trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ; con người phát triển toàn diện, có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Các đột phá phát triển

Về các đột phá phát triển, tập trung phát triển hạ tầng giao thông ven biển, cảng biển, hạ tầng logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh); phát triển đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.

Khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định của pháp luật và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, từng bước mở rộng không gian ra hướng Đông để tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng, tạo hành lang kinh tế ven biển kết nối với vùng động lực kinh tế phía Nam và Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách đột phá để thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào các chương trình, dự án ưu tiên cho đầu tư phát triển của tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật. Chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xây dựng chính quyền số, xã hội số. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, nhất là trong quản lý và các ngành, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh), vận tải, logistics, chuyển đổi số và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu

Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, trong đó với ngành công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp; công nghiệp gia công kim loại; sản xuất, lắp ráp thiết bị và cụm linh kiện điện, điện cơ, cơ điện tử; công nghiệp sản xuất điện (năng lượng tái tạo, năng lượng mới), công nghiệp hóa chất; khuyến khích các nhà đầu tư tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường.

Hình thành một số cụm công nghiệp chế biến sâu nông, thủy sản và thực phẩm chất lượng cao gắn với vùng nguyên liệu tập trung nhằm thúc đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu.

Thu hút đầu tư phát triển mạnh ngành sản xuất thiết bị điện, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, sản xuất các sản phẩm quang học, phần mềm, các sản phẩm phục vụ xây dựng đô thị thông minh; các dự án điện gió, khí hóa lỏng (LNG), dự án điện rác và điện sinh khối; phát triển nguồn năng lượng mới (hydro xanh); xây dựng, cải tạo nâng cấp và phát triển mới hạ tầng lưới điện.

Liên kết sản xuất các ngành cơ khí, chế tạo, xây dựng và công nghiệp hỗ trợ; các sản phẩm hóa dược và dược phẩm y tế; hydro xanh, amoniac xanh; hóa chất phục vụ nông nghiệp, sản xuất thiết bị phục vụ ngành chế biến nông sản.

3 vùng kinh tế - xã hội và 5 hành lang kinh tế

Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre được tổ chức thành 3 vùng kinh tế - xã hội và 5 hành lang kinh tế, cụ thể:

Trong đó, ba vùng kinh tế - xã hội gồm:

Vùng ven biển phía Đông của tỉnh (gồm huyện Ba Tri, huyện Bình Đại, huyện Thạnh Phú và không gian biển thuộc địa phận tỉnh Bến Tre): Là vùng động lực phát triển của tỉnh, đột phá là các ngành kinh tế biển, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực: công nghiệp; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản theo hướng công nghệ cao; kinh tế hàng hải (vận tải biển); dịch vụ và du lịch; vui chơi giải trí, sân golf; phát triển khu, cụm công nghiệp; xây dựng các đô thị xanh, thông minh, bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Vùng Bắc sông Hàm Luông (gồm thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành, huyện Giồng Trôm): Tập trung phát triển Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (trụ cột là công nghiệp - đô thị vệ tinh cho các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh). Khai thác tối đa lợi thế các trục hành lang kinh tế đi qua: Trục thành phố Bến Tre - đô thị Giồng Trôm - đô thị Ba Tri; trục đô thị Chợ Lách - đô thị Châu Thành - đô thị Bình Đại; trục đô thị Châu Thành - thành phố Bến Tre - đô thị Mỏ Cày.

Vùng Nam sông Hàm Luông (gồm các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách): Tập trung phát triển Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (trụ cột là kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái). Khai thác hiệu quả 2 hành lang kinh tế đi qua: Trục đô thị Chợ Lách - đô thị Mỏ Cày - đô thị Thạnh Phú; trục đô thị Châu Thành - thành phố Bến Tre - đô thị Mỏ Cày.

Năm hành lang kinh tế gồm:

03 Hành lang phát triển theo hướng Tây - Đông (Hành lang kinh tế hướng Đông) gồm: Hành lang kinh tế dọc theo trục chính quốc lộ 57B; hành lang kinh tế dọc theo trục chính quốc lộ 57C; hành lang kinh tế dọc theo trục chính quốc lộ 57. Trọng tâm phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, đô thị.

02 Hành lang phát triển theo hướng Bắc - Nam gồm: Hành lang kinh tế dọc theo quốc lộ 60, đường cao tốc CT33 và hành lang kinh tế dọc theo tuyến đường ven biển kết nối các đô thị ven biển thuộc 3 huyện (Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú) và gắn kết nối khu vực ven biển các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, dịch vụ logistics, cảng biển, du lịch sinh thái biển, phát triển các khu vui chơi giải trí cao cấp, sân golf, phát triển các đô thị xanh, thông minh.

Xuân Nam