VNHN - Nói đến đất và người, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết “Khi ta ở, đất chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Không gian sống tưởng chừng như quen thuộc với những người quen xê dịch chợt thăng hoa tình người trước những cuộc chia xa. Huống chi có mảnh đất máu thịt mà các nhà văn, nhà báo từng gắn bó suốt cuộc chiến tranh đằng đẵng trên chiến trường Khu V. Bởi ở những nơi đó đã quyện lấy linh hồn biết bao đồng chí, đồng đội, có người mãi mãi không bao giờ trở về với quê hương. Đất ấy là mảnh đất “Quảng Nam trung dũng kiên cường” mà sự hy sinh của hàng vạn liệt sĩ đã tạc vào thế kỷ.
Có lẽ mảnh đất ấy đã lắng sâu trong tâm hồn của nhà văn Nguyên Ngọc, nên mỗi lần về thăm lại quê hương, thăm lại dòng sông xưa, nhà văn luôn đau đáu nghĩ về một thời những đồng chí, đồng đội đã hy sinh trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ trên chiến trường Quảng Nam. Trong bút ký của mình viết về một đoạn đời của dòng sông Thu Bồn, nhà văn cứ nghĩ như là sự sắp xếp lạ lùng của cuộc sống “Tất cả đã hy sinh dọc theo hai ven sông, từ ngọn nguồn cho đến nơi sông gặp biển. Tưởng như là họ đem xương thịt mình góp nên phù sa màu mỡ cho cuộc sống Quảng Nam hôm nay”
Vâng! Những hạt phù sa màu mỡ bồi đắp cho những làng quê ven dòng sông Thu Bồn có máu và nước mắt của đồng chí, đồng đội của các anh chị em văn nghệ sĩ đã ngã xuống để tô thắm cho màu xanh đất Quảng hôm nay.
Những làng quê bên dòng sông Thu Bồn
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2020), các nhà văn, nhà báo lại nhớ về chiến trường xưa. Đó là những làng quê đất Quảng bên dòng sông Thu, nơi mà các anh đã từng có một quãng đời đầy ắp những kỷ niệm với những xóm làng trong những ngày bám trụ chiến đấu để giải phóng quê hương.
Chiến tranh đã lùi xa bốn mươi lăm năm nhưng quang cảnh dòng sông Thu Bồn giờ vẫn thế. Dọc theo đôi bờ là những xóm làng quen thuộc và dòng chảy của nó vẫn khát khô mùa hạ và dữ dội mùa mưa. Sông không dài nhưng lắm thác gềnh nơi thượng nguồn rồi xuôi dần qua những làng quê Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn trước khi ra cửa Đại, Hội An. Ôm lấy đôi bờ là những đường làng, lũy tre, bến nước thân quen có từ thời nào xa lắc, xa lơ, quây quần giữa biền dâu xanh ngắt, gợi nhớ bao cổ tích, truyền thuyết về một ngõ nguồn trù phú sản vật phương Nam mà Lê Qúy Đôn đã mô tả trong Phủ biên tạp lục.
Làng quê Gò Nổi, Điện Bàn bên sông Thu Bồn
Từ bao đời nay, dòng sông Thu Bồn vẫn lặng lẽ lấp bồi với bao cuộc tang thương dâu bể với đất và người ở đôi bờ dòng sông. Gò nổi – một địa danh nằm giữa bốn bề sông nước của dòng sông Thu, là “đứa con của phù sa” là cách nói của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, vẫn mượt mà tít tắp màu xanh của làng mạc như cách đây hàng trăm năm với những cánh đồng lúa, khoai, bông, dâu xanh tốt. Người Gò Nổi không chỉ giỏi làm ăn, cần cù lao động mà còn nổi tiếng về đường học hành khoa cử. Vùng đất này sản sinh ra nhiều nhân sĩ, trí thức làm rạng danh cho quê hương đất nước như Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Lê Đình Dương, Phan Thanh… Truyền thống “thà chết vinh hơn sống nhục” của cụ Hoàng Diệu, truyền thống “một tấc không đi, một ly không rời” của người Gò Nổi đã từng làm cho kẻ thù khiếp sợ.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhất là thời kỳ cuộc tổng tiến công Mậu thân năm 1968, Gò Nổi trở thành vùng bắn phá tự do của kẻ địch, làng mạc bị cày trắng, cây cối, nhà cửa, ruộng vườn hầu như bị hủy diệt hoàn toàn. Đó là những năm tháng đen tối nhất của cuộc chiến trên đất Gò Nổi, đã làm nhà thơ Dương Hương Ly xúc động “Gò Nổi bây giờ không bóng tre. Hố bom, đại bác vút sau hè. Chất độc thấm sâu từng thớ đất. Nhà cháy bao lần không liếp che”.
Mộ Tổng đốc Hoàng Diệu bên cánh đồng Gò Nổi, Điện Bàn
Cũng như Gò Nổi, những làng quê Duy Xuyên bên sông Thu Bồn giờ vẫn xanh thẳm một biền dâu trên đất phù sa, vẫn ánh vàng những cánh đồng lúa trĩu bông. Câu chuyện tình thơ mộng bên dòng sông Thu của cô thôn nữ họ Đoàn với chàng công tử Chúa Nguyễn từng giữ chân nhà văn, nhà báo ở lại vùng đất này trong kháng chiến. Từ ngàn dâu xanh thắm, nghe văng vẵng lên câu hò của các cô gái vùng đất dâu tằm, ta như thấy lại hình ảnh cô thôn nữ họ Đoàn khi xưa “Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu. Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình” Câu hát ấy đã đưa cô thôn nữ đất dâu tằm bước vào phủ Chúa và sau này trở thành hoàng hậu của Chúa Nguyễn xứ đàng trong.
Về thăm lại Duy Xuyên nhà văn Nguyễn Bá Thâm cứ trăn trở “ Chẳng biết tại răng, mấy anh em văn nghệ sĩ, báo chí của mình lại chọn dọc sông Thu Bồn ở Điện Bàn, Duy Xuyên để mà chiến đấu và hy sinh như một người chiến sĩ”. Như là định mệnh của cuộc chiến, đất Duy Xuyên luôn in dấu những bước chân các nhà văn, nhà báo trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ. Từ mảnh đất này, nhà văn, nhà báo Chu Cẩm Phong đã viết trang nhật ký cuối cùng rồi vĩnh viễn ra đi trong trận đánh không cân sức với tiểu đoàn của giặc tại thôn Vinh Cường, xã Duy Tân. Nhà văn Dương Thị Xuân Qúy, người con gái Hà Nội vào Nam chiến đấu để rồi nằm lại nơi chiến trường Duy Xuyên trong trận càn của giặc. Nhiều năm, nhiều năm sau nữa, nhà thơ Thanh Quế “vẫn không thể quên những tháng năm gắn bó với Duy Xuyên trong tình yêu thương chở che, đùm bọc của những người mẹ, người chị trong những phút giây đối diện với kẻ thù”.
Lễ hội Bà Thu Bồn làng quê Duy Xuyên
Ngược dòng sông Thu đến nơi dòng sông uốn mình giữa hai vách núi Hòn Kẽm – Đá Dừng thuộc huyện Quế Sơn, một địa danh đẹp như tranh đã đi vào những vần thơ, những trang viết của nhiều nhà văn. Hòn Kẽm- Đá Dừng gắn liền với câu ca dao bất tử trong lòng người dân xứ Quảng “Ngó lên Hòn kẽm, Đá dừng. Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!” Câu thơ như vở òa trong nổi nhớ thương da diết của những phận người xuôi ngược sông Thu. Dọc đường sông lên Hòn kẽm Đá dừng là những đụn cát dài, thi thoảng những triền dâu, những nương ngô và xóm làng trung du yên bình. Hòn Tàu – Núi Chúa, một dãy núi cao hiểm trở, gắn liền với cuộc khởi nghĩa nổi tiếng của nghĩa quân Nguyễn Duy Hiệu trong phong trào Nghĩa Hội Cần Vương ở Quảng Nam, ông đã lấy thế núi, hình sông ở Quế Sơn để lập nên Tân tỉnh, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài. Nơi đây cũng là căn cứ cách mạng trong những năm chiến tranh chống Mỹ.
Hòn Kẽm - Đá Dừng làng quê Quế Sơn
Bốn mươi lăm năm chiến tranh đã lùi xa, các nhà văn, nhà báo từng sống và chiến đấu trên mảnh đất dọc sông Thu Bồn giờ mỗi người mỗi ngã, có người còn, người mất. Nhưng có lẽ mảnh đất “hóa tâm hồn” trong câu thơ của Chế Lan Viên đã được nhà thơ Thu Bồn gửi lại bằng những cảm xúc yên bình của quê hương “Vẫn nguyên vẹn một màu xanh xứ sở/ Như mắt ai xanh từ thuỡ ban đầu/ Sông Thu Bồn ơi, ta nghe người đang thở/ Vỗ triền miên gội tóc những nương dâu…”./.