13/01/2025 lúc 12:48 (GMT+7)
Breaking News

Bát Xát – Vùng đất lịch sử giàu bản sắc văn hóa đang trên đà phát triển

Bát Xát phiên âm theo tiếng Giáy là “Pạc srạt” có nghĩa là “Miệng thác”, cái tên nói lên sự dữ dằn của vùng đất đón con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Bát Xát phiên âm theo tiếng Giáy là “Pạc srạt” có nghĩa là “Miệng thác”, cái tên nói lên sự dữ dằn của vùng đất đón con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Thị trấn Bát Xát được công nhận là đô thị loại V cuối năm 2018.

Tương truyền ngày xưa nơi đây, dưới lòng sông ngầu đục có hai con thuồng luồng trú ngụ, không chịu được cảnh chung dòng chung vụng hai vua của các loại thủy tộc đêm ngày giao tranh làm cho lòng sông  quanh năm cuộn sóng, gầm thét như miệng một con thác khổng lồ. Truyền thuyết là vậy, còn trong lịch sử Bát Xát là một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai, có diện tích tự nhiên hơn một nghìn cây số vuông, nơi sinh sống của gần tám vạn con người thuộc 25 dân tộc anh em. Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước Bát Xát luôn là một lá chắn thép trong bảo vệ biên cương và là điểm sáng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Lào Cai.

Là một miền đất rộng người thưa, huyện Bát Xát có 20 xã thì đã có tới 10 xã trải dài ngót 100 cây số đường biên tiếp giáp với tỉnh Vân Nam – Trung Quốc.

Lịch sử giao cho Bát Sát phải kiên cường gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc.  

Hơn 70% diện tích của Bát Xát là núi cao, vực sâu, địa hình địa vật chia cắt mạnh, khí hậu khắc nghiệt gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng, chi phối tới toàn bộ đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào.

Song bù lại, địa hình Bát Xát kiến tạo bởi nhiều dải núi cao nối nhau, quây nhau lại có ý nghĩa quan trọng trong quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc.

Bù lại, hệ thống sông, suối trên địa bàn huyện khá dày và phân bố tương đối đều, sông Hồng và các suối lớn như Ngòi Phát, Lũng Pô, Quang Kim, Ngòi Đum đã điều hòa khí hậu, cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân dọc ven sông, ven suối, các dải đồi thấp chạy dọc sông Hồng cùng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều rất thuận lợi cho việc phát triển nông lâm nghiệp của huyện.

Hệ thống thiết bị nhà máy mỏ tuyển đồng Bát Xát.

Bù lại, Bát Xát có nhiều tài nguyên khoáng sản quý đã và đang được đầu tư khai thác như: Mỏ đồng Sin Quyền có trữ lượng trên 50 triệu tấn, mỏ sắt Bản Vược, A Mú Sung, mỏ apatít, mỏ đá vôi, đất sét, cát, sỏi..., nguồn tài nguyên, khoáng sản đã và đang là nội lực cơ bản trong phát triển kinh tế của huyện.

Bù lại, hơn 8 vạn con người của 25 dân tộc anh em đời nối đời đoàn kết bên nhau, kiên cường, dũng cảm, bám núi, bám rừng trong đấu tranh bảo vệ quê hương; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; đi đầu trong gìn giữ, khai thác, phát huy vốn văn hóa cổ truyền các dân tộc, coi văn hóa cổ truyền là nguồn sống, là động lực để mỗi người mỗi nhà chung tay xây dựng, gìn giữ bản làng.

Với vị trí địa lý và các nguồn tài nguyên như vậy nên dẫu vật đổi sao dời, thiên tai địch họa luôn dình dập, tàn phá song ngàn năm qua Bát Xát vẫn luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, tạo nên thế đứng vững chãi, xứng đáng với sự gửi gắm của đất Việt thân yêu.

Nghề nấu rượu truyền thống San Lùng (Bản Xèo).

Trong những năm vừa qua, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ huyện Bát Xát đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sao cao hơn năm trước, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao về mọi mặt. Năm 1995, huyện có điện lưới quốc gia và thông xe đường lên vùng cao Ý Tý, tất cả các xã trong huyện có đường ô tô đến trung tâm xã. Năm 2000, huyện Bát Xát đạt chuẩn Quốc gia về xoá nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, năm 2007 hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đón nổi lên là xã Quang Kim, một trong những xã đầu tiên của toàn tỉnh phấn đấu đạt danh  hiệu Nông thôn mới vào năm 2013... Công tác lãnh chỉ đạo, quản lý điều hành của cấp uỷ, chính quyền các cấp có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, sáng tạo trong vận dụng cơ chế chính sách, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao, tăng cường kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Kinh tế của huyện duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh, đúng hướng. Sản xuất nông nghiệp thu được kết qủa cao; Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển tốt, nhiều sản phẩm địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hoá trên thị trường. Đầu tư xây dựng cơ bản được quan tâm. Thu ngân sách trên địa bàn tăng cao. Kinh tế du lịch đã có bước phát triển mới, dần hình thành rõ nét các tuyến, tua du lịch. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa thông tin đạt kết qủa tốt. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, năng lực lãnh đạo, điều hành của các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp được nâng lên. Năm 2003, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Bát Xát được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 2009 Nhân dân và cán bộ huyện Bát Xát được Chủ tịch nước trao tặng Huân Chương lao động hạng Nhì.

Những năm tới đây, trên nền tảng bền vững đã đạt được huyện Bát Xát quyết tâm duy trì tốc độ tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, sản xuất nông nghiệp từng bước gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, tập trung cho chương trình xây dựng nông thôn mới và sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, bản sắc văn hoá các dân tộc trong huyện được giữ gìn, phát huy, công tác giảm nghèo được triển khai tích cực, quốc phòng, an ninh, quan hệ đối ngoại không ngừng được củng cố, phát triển kinh tế luôn gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh kết hợp thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ huyện ngày càng vững chắc.

Huyện Bát Xát có nền văn hóa đa sắc màu.

Huyện Bát Xát tuy nhỏ, thưa dân song là một huyện có núi sông hùng vĩ. Sườn phía Bắc huyện là một dải sông Hồng đỏ rực phù sa, đoạn sông mấy chục cây số  này vừa mang phồn vinh cho những người giữ đất vừa biên giới bền vững của đất nước. Sườn phía Tây, phía Nam huyện là những dãy núi cao suối sâu, là những cánh rừng già bạt ngàn giữ đất, giữ nước, giữ cho không khí trong sạch, thanh bình. Trong lòng huyện là những thung lũng, bãi sông, đồi núi thấp, thuận lợi cho việc trồng cấy. Huyện có hai cửa khẩu phụ là Bản Vược và Y Tý, lại gần khu Công nghiệp - Thương mại Kim Thành, điểm đầu đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, rất thuận lợi cho giao thương với nước bạn… Hơn thế nữa  nơi đây người dân cởi mở, ân tình, mỗi tộc người lại có nền văn hoá riêng, như lễ hội “Roóng pọc” của người Giáy, Lễ cúng thần rừng “Gạ Ma Do”; lễ chùm chăn, tạ thần nước, cầu mùa “Khô Già Già” của người Hà Nhì, Lễ cũng rừng của người HMông… Đặc biệt Lễ hội mùa Thu Bát Xát là sự kiện lớn được tổ chức thường niên vào tháng 8 hàng năm, thu hút đông đảo đồng bào trong huyện và du khách trong và ngoài tỉnh Lào Cai về dự. Đó là những nét độc đáo không nơi nào có được mà Bát Xát đang giữ gìn, khai thác, mở rộng tấm lòng đón bốn phương bè bạn./.