06/11/2024 lúc 11:35 (GMT+7)
Breaking News

Bảo Yên: Diện mạo mới sau 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai

Sau 30 năm tái lập tỉnh, huyện Bảo Yên từ một huyện thuộc diện khó khăn, kinh tế chậm phát triển, đến nay đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, trở thành một trong những địa phương có nền kinh tế phát triển ổn định nhất trong tỉnh Lào Cai.

Khoác lên mình một diện mạo mới sau 30 năm tái lập tỉnh, huyện Bảo Yên từ một huyện thuộc diện khó khăn, kinh tế chậm phát triển, đến nay đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, trở thành một trong những địa phương có nền kinh tế phát triển ổn định nhất trong tỉnh Lào Cai. 

Một góc huyện Bảo Yên nhìn từ trên cao -  Nguồn ảnh:  baoyen.laocai.gov.vn

Vào ngày 1/10/1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn chính thức chia tách thành 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái, huyện Bảo Yên trước đó nằm trong tỉnh Hoàng Liên Sơn sau đó được chia thành địa phận mới của tỉnh Lào Cai. Là huyện vùng cao của tỉnh, tập trung đông dân tộc thiểu số nên nền kinh tế - xã hội của huyện Bảo Yên ngày đầu tách tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, do nhận thức của người dân còn chưa cao, nên khi chính quyền địa phương bắt đầu tiến hành triển khai, thực hiện các chính sách cải cách của Đảng và nhà nước phải đối mặt với nhiều vấn đề bất cập. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý trong nông nghiệp diễn ra chậm. Tỷ trọng nông - lâm nghiệp chiếm 70,3%; trong khi ngành công nghiệp - thủ công nghiệp chỉ có 1,5%; ngành thương mại, dịch vụ cũng chỉ chiếm 28,2%. Trong năm 1991, tổng GDP bình quân là 820.000 đồng/người/năm; tổng thu ngân sách trên toàn huyện Bảo Yên rơi vào khoảng 1,1 tỷ đồng.

Là vùng cửa ngõ phía Đông của tỉnh, có khí hậu ôn hòa, được thiên nhiên ưu ái với nhiều cảnh quan tươi đẹp, hấp dẫn. Ngoài ra, nơi đây cũng hội tụ nhiều loại hình giao thông quan trọng như đường sắt, đường thủy, đường bộ, đặc biệt có quốc lộ 70, 279 đi qua nên huyện Bảo Yên rất thích hợp để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và các dịch vụ du lịch.

Cọn nước ở bản Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên.

Huyện ủy Bảo Yên đã ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô giai đoạn 2019 - 2025 và tiếp tục định hướng đến năm 2030. Tiến hành triển khai, thực hiện đề án kết hợp các điểm du lịch như Đền Bảo Hà, Đền Phúc Khánh, du lịch trải nghiệm văn hóa Nghĩa Đô, Phố Ràng và khu căn cứ cách mạng Việt Tiến thành tuyến du lịch trọng điểm của huyện. Phát huy các thế mạnh về văn hóa, lịch sử của đồng bào các dân tộc nơi đây để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, cuốn hút; tạo các tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm, điển hình nhất chính là tuyến du lịch tâm linh - cộng đồng tại Khu di tích văn hóa lịch sử Đền Bảo Hà và khu du lịch văn hóa trải nghiệm Nghĩa Đô. Đồng thời, tạo sự kết nối giữa phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch, đưa các mặt hàng có thương hiệu, có thẩm định chất lượng đến gần hơn với mọi người. Trong năm 2020, lượng khách du lịch đến Bảo Yên ước tính khoảng 1,2 triệu lượt. Các khu chợ cũng được mở rộng đến các thôn vùng sâu, vùng xa để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh, phát triển sản xuất của người dân.

Xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) - Điểm du lịch cộng đồng.

Trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, qua từng thời kỳ huyện Bảo Yên cũng đang dần chuyển mình, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp, từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, đưa sản phẩm nông nghiệp của người nông dân trở thành hàng hóa, hình thành thương hiệu có uy tín trên thị trường như: Trâu Bảo Yên, gà đồi, vịt bầu, mật ong miền núi Thanh Xuân Bảo Hà, thanh long ruột đỏ, gạo Séng Cù, gạo Bắc Thơm,... Ngoài ra, trồng rừng cũng là một trong những thế mạnh được chú trọng phát triển, hầu hết các xã trong huyện đã có hơn 50% số hộ trồng quế, mỡ, chè... Hiện tại, huyện Bảo Yên đã thành công trong công cuộc tái cơ cấu nông - lâm nghiệp và phủ xanh đất trống đồi trọc, gắn với việc đổi mới nông thôn, phát triển du lịch để giúp người dân tăng thêm cơ hội việc làm, tăng thêm thu nhập cho cuộc sống.

Đền Bảo Hà (Đền ông Hoàng Bảy).

Ngành công nghiệp những năm gần đây tại huyện Bảo Yên cũng có nhiều bước tiến đáng kể như nhà máy MDF Bảo Yên khánh thành, xây dựng nhà máy thủy điện Vĩnh Hà  21 Mhz, Dự án khai thác Graphit Bảo Hà; Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thị trấn Phố Ràng được tiến hành đầu tư và thực hiện, tạo nguồn thu về kinh tế cho người dân, gia tăng ngân sách cho địa phương và giảm thiểu tình trạng thất nghiệp cho nhân dân các dân tộc thiểu số trong vùng. 

Một góc huyện Bảo Yên - Nguồn ảnh: hainammedia

Thông qua các nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai và đại hội Đảng bộ huyện Bảo Yên, cùng sự đoàn kết, thống nhất một lòng, sáng tạo và đổi mới trong điều hành của chính quyền; sự đồng lòng góp sức và thay đổi về tư duy, nhận thức của nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên đã xác định được đúng tiềm năng và thế mạnh của mình để từ đó tiến hành công cuộc cải cách đổi mới toàn diện giúp cho Bảo Yên ngày càng thay da đổi thịt, nền kinh tế được đẩy mạnh, phát triển vượt trội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế du lịch đã có nhiều khởi sắc đáng chú ý. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm luôn duy trì ở mức ổn định, bình quân đạt 13,35%/năm; ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản tỷ trọng đạt 30,6%; ngành công nghiệp - xây dựng đạt 30%; dịch vụ đạt 39,4%. Tính đến năm 2020, GDP bình quân đạt 39 triệu đồng/người/năm., tổng thu ngân sách trên toàn huyện là 158 tỷ đồng.

Để xây dựng tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Bảo Yên nói riêng trở thành địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao, hướng đến mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, UBND huyện đã và đang tiến hành thực hiện đồng loạt các biện pháp như: cải cách xã hội, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao giáo dục cho nhân dân, kiên trì, nhất quán thực hiện tôn chỉ đoàn kết, tôn trọng và cùng nhau phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội với phương châm “Khi giáo dục được xúc tiến cải thiện, an sinh xã hội đảm bảo thì nhân dân mới có tinh thần để tập trung phát triển kinh tế, đưa huyện Bảo Yên thành huyện phát triển toàn diện và mở rộng thêm cơ hội để tiến xa hơn trong tương lai”./.