1. Đặt vấn đề
Quá trình đô thị hóa và xây dựng hệ thống hạ tầng, các khu công nghiệp, các công trình phúc lợi là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển. Để phát triển kinh tế bền vững[1] đòi hỏi phải tăng hiệu suất sử dụng các yếu tố đầu vào sản xuất (đất, lao động, vốn) và cải thiện chất lượng của cơ cấu tổ chức và quản lý kinh tế cùng với chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Ở Việt Nam hiện nay, chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và chuyển đổi cơ cấu lao động. Những thay đổi trên làm chuyển biến cách thức sử dụng đất. Ví dụ, quá trình công nghiệp hóa cần chuyển đổi đất trồng trọt và chăn nuôi sang phục vụ cho mục đích công nghiệp, xử lý nguyên liệu, chế biến, vận chuyển và lưu trữ, xử lý chất thải. Đô thị hóa cần chuyển đổi đất nông nghiệp thành loại đất sử dụng vào mục đích để ở, để phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh và vì lợi ích của quốc gia, công cộng. Thay đổi mục đích sử dụng đất luôn đi cùng với dịch chuyển lao động từ những vùng nông thôn sang những nghề có năng suất lao động cao hơn ở đô thị. Đây là xu hướng điển hình của tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong quá trình phát triển, đặc biệt là tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Để những hoạt động trên diễn ra thuận lợi, Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi đất để sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch đã lập. Điều 61, 62, 64 và Điều 65 Luật Đất đai năm 2013 là căn cứ pháp lý để Nhà nước thực hiện quyền thu hồi đất. Quy định về các trường hợp thu hồi đất trong bốn điều luật vừa nêu có thể phân chia làm hai nhóm: nhóm một (Điều 61 và Điều 62) xuất phát từ nhu cầu của Nhà nước cần sử dụng đất cho các mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; nhóm hai (Điều 64 và Điều 65) bị thu hồi xuất phát từ lỗi của người sử dụng như việc thu hồi được áp dụng trong trường hợp đất không được sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích hoặc người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai hoặc người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất[2]. Do vậy, thu hồi đất đối với nhóm hai không đặt ra vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong khi đó, thu hồi đất đối với nhóm một vừa góp phần đạt được mục đích của Nhà nước vừa bảo đảm không gây thiệt hại cho người sử dụng đất cho nên Nhà nước đã ban hành những quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Cho dù xuất phát từ mục đích gì thì việc thu hồi đất chắc chắn sẽ có tác động nhiều mặt đến phát triển kinh tế-xã hội. Một trong những chủ thể góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội chính là người lao động. Khái niệm người lao động được tác giả đề cập trong bài viết là người lao động làm việc thông qua giao kết hợp đồng lao động. Người lao động này không phải là người sử dụng đất theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, khi Nhà nước thu hồi đất của những người sử dụng lao động xét dưới góc độ xã hội đã gây ra sự ảnh hưởng đến việc làm của người lao động, dưới góc độ kinh tế là sự ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động. Khi phát sinh sự kiện làm ảnh hưởng đến quan hệ lao động trong đơn vị thì người sử dụng lao động phải tìm mọi biện pháp giải quyết để quan hệ lao động được hài hòa, ổn định. Sẽ không hợp lý nếu buộc người sử dụng lao động phải gánh chịu những tổn thất xuất phát từ hoạt động thu hồi đất của Nhà nước gây ra. Cho nên, Nhà nước cần phải bù đắp những tổn thất cho các chủ thể có liên quan bị ảnh hưởng bởi hoạt động thu hồi đất của Nhà nước. Điều này chính là cơ sở lý luận của vấn đề bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi Nhà nước thu hồi đất.
2. Quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người lao động khi nhà nước thu hồi đất
Nhà nước thu hồi đất phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là sự kiện làm ảnh hưởng đến người bị thu hồi đất. Trong số những chủ thể bị thu hồi đất, có thể có các chủ thể có thuê mướn, sử dụng người lao động; quá trình thu hồi đất ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của người sử dụng lao động. Những chủ thể này có thể phải ngừng hoặc chấm dứt hoạt động. Như vậy, quyền lợi của những người lao động trong đơn vị sẽ được giải quyết như thế nào?
Mặc dù chế định Nhà nước thu hồi đất đã được luật hóa trong Luật Đất đai năm 1993 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành, nhưng đến Luật Đất đai năm 2003 thì việc hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng cũng chưa được quy định rõ. Trong giai đoạn Luật Đất đai năm 2003, vấn đề hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi hoạt động thu hồi đất của Nhà nước chỉ thực sự được quan tâm và quy định từ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 về Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Nghị định số 197/2004/NĐ-CP) với nội dung cụ thể: “Tổ chức kinh tế, hộ sản xuất kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có thuê lao động theo hợp đồng lao động, bị ngừng sản xuất kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì người lao động được áp dụng bồi thường theo chế độ trợ cấp ngừng việc quy định tại khoản 3 Điều 62 của Bộ luật Lao động; đối tượng được bồi thường là người lao động quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 27 của Bộ luật Lao động; thời gian tính bồi thường là thời gian ngừng sản xuất kinh doanh, nhưng tối đa không quá 06 tháng”[3].
Hiện nay, nội dung này được quy định tại khoản 6 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP: “Người lao động do tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này thuê lao động theo hợp đồng lao động thì được áp dụng hỗ trợ chế độ trợ cấp ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động nhưng thời gian trợ cấp không quá 06 tháng”[4].
Quy định về hỗ trợ cho người lao động tiếp tục được khẳng định tại Điều 2 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP: “Người lao động do tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại điểm g khoản 1 Điều này thuê lao động theo hợp đồng lao động thì được áp dụng hỗ trợ chế độ trợ cấp ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động nhưng thời gian trợ cấp không quá 06 tháng”[5]. Song song đó, khoản 7 Điều 19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP đều quy định “UBND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, định kỳ chi trả tiền hỗ trợ cho phù hợp với thực tế tại địa phương”. Vì thế, trên cơ sở quy định của Chính phủ, để đánh giá quy định này được triển khai trên thực tế như thế nào thì cần phải xem xét đến quy định cụ thể của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh nơi diễn ra hoạt động thu hồi đất.
Quy định bồi thường, hỗ trợ cho người lao động bị ngừng việc cho thấy sự tiến bộ của pháp luật về đất đai vì đã thừa nhận và chi trả thay cho người sử dụng lao động chi phí lẽ ra người sử dụng lao động sẽ phải gánh chịu. Điều này hoàn toàn hợp lý, bởi vì đây là thiệt hại hữu hình và phát sinh do sự kiện Nhà nước thu hồi đất. Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ năm 2019) quy định người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động khi ngừng việc trong ba trường hợp:
- Do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
- Do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương, những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;
- Do sự cố điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau: trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu, trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
2. Bất cập liên quan đến quy định về bảo vệ quyền lợi của người lao động khi Nhà nước thu hồi đất
Quy định về hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi hoạt động thu hồi đất của Nhà nước trong Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và Nghị định số 148/2020/NĐ-CP vẫn còn tồn tại một số vấn đề sau:
Thứ nhất, khoản 6 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định: “Người lao động do tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này thuê lao động theo hợp đồng lao động thì được áp dụng hỗ trợ chế độ trợ cấp ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động nhưng thời gian trợ cấp không quá 06 tháng”. Nội dung Điều 99 BLLĐ năm 2019 đã được trình bày ở phần 2 quy định “trả lương ngừng việc” không phải “trợ cấp ngừng việc” bởi vì bản chất của tiền lương và trợ cấp là khác nhau. Việc sử dụng từ ngữ không thống nhất có thể dẫn đến hiểu sai quy định. Hơn nữa, thu hồi đất không thuộc ba trường hợp được trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 BLLĐ năm 2019. Điều này gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng, bởi vì trường hợp do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ lương trong thời gian ngừng việc. Đây là trường hợp mà người lao động được bảo đảm tiền lương theo hợp đồng lao động nên tạm xem như không bị thiệt hại từ hoạt động thu hồi đất nhưng việc Nhà nước thu hồi đất không thể xem là ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động. Do vậy, pháp luật về đất đai viện dẫn áp dụng pháp luật lao động về trả lương ngừng việc chỉ còn trường hợp thứ ba để áp dụng nhưng thực sự miễn cưỡng vì thu hồi đất không phải “lý do kinh tế”, hay “sự cố điện, nước”, “thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm”. Một vấn đề quan trọng cần lưu ý trong trường hợp này là cách thức và mức chi trả lương ngừng việc sẽ được thực hiện như thế nào? Khoản 3 Điều 99 BLLĐ năm 2019 quy định “hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau: trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu, trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu”. Như vậy, vấn đề đặt ra là tiền lương làm căn cứ tính là mức lương tối thiểu hay mức lương thỏa thuận khi ngừng việc hay mức lương trong hợp đồng lao động? Nếu áp dụng trả lương ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 BLLĐ năm 2019 sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động vì căn cứ vào mức lương tối thiểu chứ không phải mức lương thỏa thuận theo hợp động lao động; và “do hai bên thỏa thuận” nên người lao động được nhận nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của người sử dụng lao động.
Thứ hai, vấn đề đặt ra là Nhà nước sẽ chi hỗ trợ trực tiếp cho người lao động hay trả khoản tiền này cho người sử dụng lao động để họ tự chi trả lại cho người lao động trong đơn vị? Nếu Nhà nước chi trả trực tiếp cho người lao động thì buộc phải có sự xác minh hoặc cung cấp thông tin từ phía người sử dụng lao động và chủ thể thực hiện việc chi trả cũng khó để kiểm chứng tính xác thực của thông tin. Nếu chi trả tiền hỗ trợ thông qua người sử dụng lao động thì liệu rằng người lao động chắc chắn sẽ nhận được, nhận đủ và kịp thời tiền hỗ trợ từ Nhà nước?
Thứ ba, thực tế có không ít trường hợp chủ thể sản xuất kinh doanh phải chấm dứt hoạt động khi Nhà nước thu hồi đất vì nếu phải di chuyển đến địa điểm khác thì xa nguồn nguyên liệu hoặc mất địa thế hoặc mất mạng lưới khách hàng hoặc chi phí sản xuất tăng lên đáng kể làm cho giá thành sản phẩm không thể cạnh tranh được trên thị trường. Pháp luật lao động quy định khi chấm dứt hợp đồng với người lao động trong trường hợp đơn vị sử dụng lao động chấm dứt hoạt động thì người lao động được trả trợ cấp thôi việc[6]. Pháp luật về đất đai hiện chưa quy định hỗ trợ cho người lao động trong trường hợp đơn vị sử dụng lao động chấm dứt hoạt động do quyết định thu hồi đất.
Thứ tư, khoản 6 Điều 19 Nghị định số 47/2014/ NĐ-CP quy định “thời gian trợ cấp không quá 06 tháng”. Nếu việc ngừng việc kéo dài hơn 06 tháng thì quy định hiện tại chưa bảo đảm được quyền lợi cho người lao động. Trên thực tế có rất nhiều dự án triển khai các hoạt động liên quan đến việc thu hồi đất rất chậm nên khi người sử dụng lao động bị thu hồi đất chưa được bảo đảm những điều kiện cần thiết để hoạt động sản xuất kinh doanh có thể diễn ra bình thường thì việc ngừng sản xuất kinh doanh có thể kéo dài và khi phải kéo dài hơn 06 tháng thì chi phí trả lương ngừng việc cho thời gian vượt 06 tháng không được Nhà nước hỗ trợ.
Thứ năm, trong Nghị định số 47/2014/NĐ-CP cũng như Nghị định số 148/2020/NĐ-CP có rất nhiều nội dung liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được Chính phủ giao cho UBND cấp tỉnh quy định cụ thể, chi tiết cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương nên những quy định về bồi thường cho người lao động do ngừng việc cũng có rất nhiều sự khác biệt ở các địa phương về thời gian hưởng tiền hỗ trợ, về tiền lương làm căn cứ tính mức hỗ trợ cũng như như điều kiện và cách thức thực hiện việc chi trả. Sự khác biệt này có thể được minh chứng qua quy định của một số địa phương sau:
(i) Quyết định số 15/2014/QĐ-UBND, ngày 13/11/2014 của UBND thành phố Cần Thơ, Điều 15 quy định “Mức trợ cấp ngừng việc được tính bằng tiền lương được ký kết theo nội dung hợp đồng lao động trong thời gian tối đa là 06 tháng; chi trả 01 (một) lần khi thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ”. Quy định của UBND thành phố Cần Thơ xác định tiền hỗ trợ căn cứ vào tiền lương ký kết trong hợp đồng lao động, chi trả một lần nhưng không quy định rõ là ngừng việc theo trường hợp nào và chi trực tiếp cho người lao động hay thông qua người sử dụng lao động.
(ii) Khoản 3 Điều 16 Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND, ngày 22/12/2020 của UBND tỉnh Kiên Giang quy định “Người lao động… theo hợp đồng lao động bị ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ chế độ trợ cấp ngừng việc một lần tính bằng mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ tại thời điểm quyết định thu hồi đất, thời gian tính trợ cấp cho mỗi lao động là 06 tháng”. Khác với thành phố Cần Thơ, ở Kiên Giang tiền lương làm căn cứ tính hỗ trợ là mức lương tối thiểu chứ không phải mức lương theo hợp đồng lao động và ấn định luôn thời gian hưởng cho mỗi lao động là 06 tháng chứ không phải tối đa 06 tháng theo Nghị định số 47/2014/NĐ-CP.
(iii) Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND, ngày 09/8/2018 của UBND thành phố Hồ Chí Minh, Điều 29 quy định giống quy định của thành phố Cần Thơ nhưng thêm cách thức thực hiện là thông qua người sử dụng lao động để chi tiền cho người lao động “Thời gian trợ cấp ngừng việc… sẽ do UBND cấp thẩm quyền phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quyết định tùy vào tình hình thực tế nhưng không quá 06 tháng. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất thông qua người sử dụng lao động để chi tiền hỗ trợ chế độ trợ cấp ngừng việc cho người lao động”.
(iv) Điều 32 Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND, ngày 14/02/2019 của UBND tỉnh Bình Định ghi nhận “người lao động được áp dụng bồi thường theo chế độ trợ cấp ngừng việc quy định tại khoản 3 Điều 98 của Bộ Luật Lao động năm 2012; trong thời gian 03 tháng; trường hợp cá biệt do thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh kéo dài hơn 03 tháng thì được tính tối đa không quá 06 tháng. Số tiền bồi thường do ngừng việc này chi trả trực tiếp cho người lao động”. UBND tỉnh Bình Định ban hành quy định trước khi BLLĐ năm 2019 được Quốc hội thông qua nên về căn cứ pháp lý là không phù hợp quy định hiện hành. Tuy nhiên, nội dung quy định xác định rõ chế độ trợ cấp ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 BLLĐ năm 2012, thời gian hưởng tối thiểu là 03 tháng và chi trực tiếp cho người lao động nhưng lại không xác định căn cứ vào mức lương tối thiểu hay mức lương theo hợp đồng lao động.
(v) Khoản 3 Điều 21 Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND, ngày 29/3/2017 của UBND thành phố Hà Nội quy định: “Mức trợ cấp ngừng việc được tính bằng tiền lương tối thiểu nhân với số cấp bậc công việc của ngành nghề tương ứng theo quy định hiện hành của Nhà nước trong thời gian tối đa là 06 tháng; chi trả 01 (một) lần khi thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ”. Quy định của thành phố Hà Nội căn cứ vào mức lương tối thiểu nhưng có nhân với số cấp bậc công việc của ngành nghề tương ứng theo quy định của Nhà nước. Mặc dù, quy định thoạt nhìn có lợi hơn cho người lao động vì có nhân thêm số cấp bậc công việc nhưng chỉ có người làm việc hưởng lương theo thang, bảng lương do Nhà nước quy định mới có hệ số lương, bậc lương; còn người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì tiền lương theo thỏa thuận và thang, bảng lương là do người sử dụng lao động ban hành. Cho nên, quy định của thành phố Hà Nội không khả thi hoặc gây phức tạp trong khi thực hiện.
3. Kiến nghị
Một là, cần sửa đổi quy định của pháp luật theo hướng sử dụng thống nhất các từ ngữ, câu chữ và cần có sự giải thích rõ ràng về các từ ngữ quan trọng được sử dụng trong những văn bản quy phạm pháp luật. Khi các văn bản liên quan dẫn chiếu quy định trong văn bản chuyên ngành thì bắt buộc phải sử dụng đúng từ ngữ, câu chữ trong văn bản chuyên ngành (trong bài viết này tiền lương khi ngừng việc chứ không phải trợ cấp ngừng việc).
Hai là, khi Nhà nước thu hồi đất mà không may đơn vị sử dụng lao động phải chấm dứt hoạt động thì pháp luật cần phải quy định người lao động sẽ được hỗ trợ ít nhất bằng trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật lao động. Trợ cấp thôi việc là trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động trong trường hợp chấm dứt hoạt động và nguyên nhân chấm dứt hoạt động do Nhà nước thu hồi đất thì Nhà nước chi trả khoản tiền hỗ trợ theo quy định về trợ cấp thôi việc là hoàn toàn hợp lý và rất cần thiết.
Ba là, Nhà nước nên quy định thời gian tính hỗ trợ là thời gian ngừng sản xuất kinh doanh mà không giới hạn tối đa (không quá 06 tháng như hiện hành), nếu có thì nên ấn định mức tối thiểu để bảo đảm quyền lợi cho người lao động bởi vì nếu một khi phải ngừng việc thì cuộc sống của bản thân và gia đình họ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Quy định như đề xuất còn giúp người sử dụng lao động giữ được những người lao động đã thạo việc khi đơn vị khôi phục hoạt động thì người sử dụng lao động không phải đào tạo lại tay nghề cho người lao động mới tuyển dụng, thay vì người lao động nghỉ việc đi tìm công việc khác để được hưởng tiền lương tốt hơn là ngừng việc mà không biết khi nào được làm việc bình thường với tiền hỗ trợ bị giới hạn.
Bốn là, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay vẫn chưa quy định về hỗ trợ người lao động ngừng việc liên quan đến thu hồi đất. Do vậy, nên luật hóa quy định về hỗ trợ cho người lao động do ngừng việc để bảo đảm hiệu lực thi hành tốt hơn. Song song đó, khi đã ghi nhận trong Luật Đất đai thì quy định về hỗ trợ cho người lao động do ngừng việc nên có điều luật quy định riêng. Về nội dung thì nên quy định chi tiết về các trường hợp được hỗ trợ, đối tượng nhận, thời gian hưởng, mức hưởng, cách tính tiền lương và cách thức thực hiện việc chi trả để khắc phục tình trạng không thống nhất trong quy định giữa các địa phương như hiện nay. Việc cho phép UBND cấp tỉnh quy định cụ thể áp dụng trong địa phương tuy bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhưng nhiều quy định của địa phương làm thu hẹp quyền lợi của người lao động so với quy định của pháp luật. Cho nên, cần phải luật hóa quy định để bảo đảm sự thống nhất và bảo vệ người lao động hiệu quả hơn.
Năm là, trong thời gian tới, Nhà nước nên có quy định về hỗ trợ di chuyển cho người lao động giống như người bị thu hồi đất bởi vì theo lẽ thường người lao động luôn tìm nơi cư trú gần nơi làm việc. Khi đơn vị sử dụng lao động phải di chuyển sang địa điểm khác thì người lao động muốn gắn bó với đơn vị thì họ phải di chuyển theo và khi phải quyết định di chuyển thì phát sinh vô số chi phí mà người lao động phải cân nhắc như: chi phí sinh hoạt, ăn, ở, đi lại, học tập, giữ trẻ, chăm sóc sức khỏe… Những chi phí này là có thật và có thể tính toán được cho nên Nhà nước cần phải ghi nhận để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Hỗ trợ người lao động sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc để người lao động thất nghiệp rồi Nhà nước chi ngân sách để đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Tóm lại, thu hồi đất phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội là việc làm tất yếu trong quá trình phát triển của đất nước. Khi việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích chung mà gây thiệt hại cho các chủ thể liên quan, đặc biệt là người lao động - họ là đối tượng nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi vì cuộc sống của bản thân và gia định họ đều chỉ phụ thuộc vào công việc mà họ thực hiện hằng ngày, thì Nhà nước cần phải giải quyết thỏa đáng để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện về đất đai; đồng thời bảo đảm cho người bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống./.
VÕ HOÀNG YẾN
Giảng viên, Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ,
TS. TRẦN VANG PHỦ
Giảng viên, Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ.
[1] Nguyễn Viết Lợi, Nguyễn Thị Hải Bình (2018), Phát triển kinh tế nhanh, bền vững và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttncdtbh/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM236545, truy cập ngày 10/11/2022.
[2]Điều 61, 62, 64 và Điều 65 Luật Đất đai năm 2013.
[3] Điều 26 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
[4] Nghị định số 47/2014/ NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
[5] Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
[6] Khoản 7 Điều 34 và Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019.