29/11/2024 lúc 17:15 (GMT+7)
Breaking News

Bảo vệ môi trường và quản lý chất thải trong đại dịch Covid-19

Để tăng cường bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi làm rõ: (1) Thực trạng bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế trong đại dịch Covid-19; (2) Nguyên nhân và giải pháp tăng cường bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế trong đại dịch Covid-19.
Ảnh minh họa

1. Thực trạng bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế trong đại dịch Covid-19
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường nói chung, quản lý chất thải và chất thải y tế nói riêng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, là một trong ba trụ cột phát triển bền vững, đã tạo được sự chuyển biến và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng[1]. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã nghiêm túc triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường được nâng lên. Tổ chức bộ máy, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện. Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, bước đầu hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm[2].
Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng về công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhất là nội dung Kết luận số 02-KL/TW ngày 26 tháng 4 năm 2016 của Ban Bí thư về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trong các kế hoạch đã đề ra nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đã phát hiện, xử lý 2.936 vụ phạm tội về môi trường. Đặc biệt, đã chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm tội phạm làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, góp phần tích cực trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (khởi tố 68 vụ)[3].
Thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn xử lý, vận chuyển chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch Covid-19 và chỉ đạo công tác tăng cường năng lực xử lý chất thải an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Việc tổ chức thực hiện cụ thể các nhiệm vụ như thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải thuộc chính quyền các địa phương. Trên toàn quốc hiện có hơn 80 cơ sở xử lý chất thải có chức năng xử lý chất thải y tế. Các tỉnh, thành phố đã và đang chủ động rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án thu gom và xử lý chất thải phát sinh do COVID-19 trên địa bàn, đặc biệt do các ca bệnh cách ly tại nhà tăng nhanh trong thời gian qua, có tính đến phương án dự phòng trong trường hợp quá tải[4].
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Nhiều mục tiêu Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ đề ra đến năm 2020 dự báo không đạt được. Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là tại các khu đô thị, thành phố lớn có dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân, trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, hành vi chủ yếu là xử lý chất thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường[5], nhất là rác thải nhựa trong bối cảnh phải sử dụng nhiều vật dụng y tế bằng nhựa, nylon một lần phòng dịch Covid-19; ô nhiễm môi trường tại các làng nghề chưa được giải quyết triệt để[6]. Việc xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ sức răn đe, số vụ xử lý hình sự chưa nhiều so với số vi phạm phát hiện. Trong tổng số vụ phạm tội về môi trường, số vụ vi phạm về quản lý chất thải nguy hại là nhóm tăng cao nhất. Nếu năm 2020 chỉ có 83 vụ, thì năm 2021 đã là 100 vụ, tăng đến 20,48%[7].

Mặc dù Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đều đã có hướng dẫn rất cụ thể về việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh đối với người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà. Tuy nhiên, thực tế việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải, chất thải của người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà chưa được quan tâm đúng mức; cụ thể là: Theo phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh trong việc điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19, tất cả các loại rác thải như: khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng và các vật dụng sử dụng một lần thải bỏ (các vật dụng: ly, chén, dĩa, hộp bằng giấy, nhựa dùng trong ăn uống) của F0 được coi là chất thải lây nhiễm. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng thứ 2, buộc kín miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2" trước khi được đơn vị duy trì vệ sinh môi trường và Tổ Covid cộng đồng vận chuyển từ nhà có F0 đến các điểm tập kết tại địa phương. Đây là quy định đúng nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh. Song, trên thực tế, hiện công tác phân loại, xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm tại nhà có F0 điều trị vẫn chưa được người dân thực hiện nghiêm túc. Điều này tạo nguy cơ lây nhiễm rất cao đối với công nhân vệ sinh môi trường cũng như khả năng bùng phát dịch trên diện rộng. Việc xử lý rác thải tại địa phương gặp nhiều khó khăn do lực lượng làm công tác này rất mỏng, chưa được đầu tư xe chuyên dụng chuyên chở rác thải lây nhiễm, thiếu trang thiết bị bảo hộ, kinh phí dành cho việc thu gom, xử lý rác thải tại địa phương còn hạn hẹp[8]...

2. Nguyên nhân và giải pháp tăng cường bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế trong đại dịch Covid-19
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng do nguyên nhân chủ quan là chính. Nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ. Bộ máy quản lý nhà nước còn bất cập, hệ thống pháp luật, công cụ quản lý thiếu đồng bộ, còn phân tán, chồng chéo, thực thi kém hiệu quả; thiếu nguồn lực để thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ đề ra. Công tác quản lý, phương thức tiếp cận về bảo vệ môi trường chậm được đổi mới. Nhiều quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa được lồng ghép, thực hiện gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường làm gia tăng tác động tiêu cực của thiên tai. Vẫn còn tình trạng thu hút đầu tư thiếu chọn lọc, không cân nhắc, xem xét các yếu tố, tiêu chí về môi trường. Việc triển khai nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường còn chậm. Công tác thanh tra, kiểm tra thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu[9]. Một số tội danh về lĩnh vực môi trường khó xác định thiệt hại nên rất khó khăn trong xử lý. Áp lực do dịch bệnh khiến các cơ sở y tế trở nên quá tải trong khi hệ thống xử lý chất thải y tế ở nhiều nơi xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa có điều kiện cải tạo[10]. Một số tỉnh thành phố, số lượng người nhiễm bệnh đang thực hiện cách ly tại nhà gia tăng nhanh chóng; có sự khác biệt về điều kiện cư trú (khu vực chung cư, khu đô thị tập trung và các nhà riêng lẻ) nên dẫn đến khó khăn trong việc thu gom và xử lý chất thải phát sinh[11].
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI, trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết, nhất là các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, cấp bách sau:
Một là, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường. Tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất trong toàn xã hội về nhận thức và hành động trước tác động của ô nhiễm môi trường gia tăng, đang trở thành nguy cơ đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, đời sống nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước. Cần đặt yêu cầu về bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường.
Hai là, nâng cao năng lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; kết hợp xử lý hành chính, hình sự với áp dụng công cụ kinh tế, thị trường để bảo đảm thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Rà soát, điều chỉnh các quy định xử lý vi phạm theo hướng nâng cao hơn mức xử phạt, bảo đảm đủ sức răn đe. Quy định rõ về cơ chế bồi thường, ký quỹ, đặt cọc, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, bảo hiểm rủi ro thiên tai, quy định mức trách nhiệm tối thiểu đối với từng đối tượng.
Ba là, quy định tiêu chí môi trường, quy chuẩn kỹ thuật về lựa chọn, quyết định đầu tư phát triển. Điều chỉnh cơ chế chấp thuận, quy trình, hình thức đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế. Phân vùng theo mức độ ô nhiễm môi trường để có biện pháp quản lý chất lượng môi trường sống, sinh thái và cảnh quan. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát đối với các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Có chính sách hạn chế sản xuất, nhập khẩu và sử dụng đồ nhựa có tính năng sử dụng một lần trên toàn quốc. Không nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện đã qua sử dụng tiềm ẩn các chất nguy hại, gây ô nhiễm. Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường, phấn đấu từ sau năm 2020 chất lượng môi trường được cải thiện năm sau cao hơn năm trước, nhất là ở các đô thị, thành phố lớn. Khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước thải tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Chú trọng bảo vệ môi trường nông thôn, trọng điểm là các làng nghề, khu vực chăn nuôi tập trung.
Bốn là, thực hiện phân loại các chất thải tại nguồn, nhất là rác thải y tế. Tăng cường năng lực thu gom, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa việc chôn lấp rác thải. Tập trung xử lý chất thải độc hại, chất thải y tế. Có chính sách phù hợp để khuyến khích mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp đầu tư xử lý chất thải rắn, nước thải. Xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm tại các bãi thải xung quanh các thành phố lớn, không để người dân sinh sống tại khu vực lân cận bức xúc, khiếu kiện do ô nhiễm bãi thải gây ra. Tăng cường năng lực quan trắc, giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường. Thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Tăng cường hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở Trung ương, địa phương và đẩy mạnh quản trị môi trường trong các doanh nghiệp[12].
Năm là, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải để phòng tránh dịch bệnh và an toàn môi trường[13]; phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và ban hành hướng dẫn quản lý chất thải của người bệnh cách ly tại nhà, đặc biệt trong việc phân loại, thu gom chất thải; trong đó, tiếp tục triển khai các việc như: (1) thu gom tại các hộ gia đình sống tại khu chung cư, khu đô thị tập trung (có đơn vị quản lý hạ tầng khu vực) và (2) thu gom tại các hộ gia đình cách ly tại nhà riêng lẻ trong khu dân cư. Chất thải được thu gom, khử khuẩn theo quy định của Bộ Y tế và chuyển về các điểm tập kết tại các địa phương và chuyển giao cho các cơ sở xử lý đảm bảo các yêu cầu về sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh[14].

TS. Đỗ Đức Hồng Hà
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
ThS. Lê Thị Hương Giang
Trường Cao đẳng Lào Cai

_________________________________

[1] Thủ tướng Chính phủ (2016), Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường.
[2] Ban Chấp hành Trung ương (2019), Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
[3] Chính phủ (2021), Báo cáo số 391/BC-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 (từ ngày 01 tháng 10 năm 2020 đến ngày 30 tháng 9 năm 2021).
[4] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022), Báo cáo số 18/BC-BTNMT ngày 14 tháng 3 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
[5] Đã xử lý hình sự, xử phạt hành chính về hành vi trên đối với Công ty Xuất nhập khẩu Kiên Cường, Kiên giang; nhà máy chế biến tinh bột sắn Phú Mỹ, Hòa Bình; Trạm xử lý nước thải khu công nghiệp Tẳng Lỏong, Lào Cai...
[6] Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bắc Ninh khẩn trương kiểm tra, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề giấy Phong Khê, cụm công nghiệp Phú Lâm; đã đình chỉ 9 tháng hoạt động đối với 07 doanh nghiệp.
[7] Chính phủ (2021), Báo cáo số 391/BC-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 (từ ngày 01 tháng 10 năm 2020 đến ngày 30 tháng 9 năm 2021).
[8] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022), Báo cáo số 18/BC-BTNMT ngày 14 tháng 3 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
[9] Ban Chấp hành Trung ương (2019), Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
[10] Chính phủ (2021), Báo cáo số 391/BC-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 (từ ngày 01 tháng 10 năm 2020 đến ngày 30 tháng 9 năm 2021).
[11] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022), Báo cáo số 18/BC-BTNMT ngày 14 tháng 3 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
[12] Ban Chấp hành Trung ương (2019), Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
[13] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022), Báo cáo số 18/BC-BTNMT ngày 14 tháng 3 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
[14] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022), Báo cáo số 18/BC-BTNMT ngày 14 tháng 3 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

...