23/01/2025 lúc 11:07 (GMT+7)
Breaking News

Bảo tồn tòa nhà Sở hỏa xa

VNHN - TP.HCM vừa đề nghị được tiếp nhận tòa nhà Sở hỏa xa (cạnh chợ Bến Thành, hiện do ngành đường sắt Việt Nam quản lý) để bảo tồn, kết hợp bố trí chức năng phù hợp quy hoạch, lưu giữ và phát huy những giá trị lịch sử.

VNHN - TP.HCM vừa đề nghị được tiếp nhận tòa nhà Sở hỏa xa (cạnh chợ Bến Thành, hiện do ngành đường sắt Việt Nam quản lý) để bảo tồn, kết hợp bố trí chức năng phù hợp quy hoạch, lưu giữ và phát huy những giá trị lịch sử.

Theo đó, một phần của tòa nhà sẽ được dùng làm nơi trưng bày các hiện vật của ngành đường sắt từ thời Pháp thuộc đến nay phục vụ để du khách tham quan – trong khi phần còn lại được dùng làm Trung tâm điều khiển tích hợp các tuyến đường sắt đô thị. Thậm chí, nếu được chấp thuận, TP.HCM sẽ công phu tổ chức hẳn một cuộc thi tuyển thiết kế cho khu vực này (có kết nối với không gian ngầm của các tuyến metro tại chợ Bến Thành).

Khánh thành năm 1914, (cùng lúc với chợ Bến Thành) đây là tòa nhà từng nhiều năm giữ vai trò trụ sở Công ty Hỏa xa Đông Dương trong thời Pháp thuộc. Và đó cũng là công trình có kiến trúc Pháp điển hình: mái ngói đỏ chạy dài và nhô rộng với hệ thống dầm đỡ, cửa sổ dạng vòm liên tiếp, góc nhọn nhô cao giữa tòa nhà để làm trục đối xứng. Nếu thành hiện thực, một công trình Pháp cổ tại vị trí trung tâm như vậy tất nhiên sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng của thành phố. Nhưng xa hơn, gắn với sự câu chuyện về sự ra đời của đường sắt – loại hình giao thông đến từ phương Tây - tòa nhà ấy còn bổ sung cho TP.HCM một di sản đô thị tuyệt vời để lưu giữ ký ức và lịch sử của mình.

Cần nhắc lại, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một công trình bảo tàng đúng nghĩa về đường sắt – cho dù trong hơn một thế kỷ qua, sự xuất hiện của nó đã có những tác động rất cơ bản tới nền kinh tế, sự hình thành đô thị và cả thói quen giao thông của chúng ta. Bởi thế, tại Hà Nội 2 năm trước, khi tòa nhà cổ ở địa chỉ 107 Trần Hưng Đạo – vốn là trụ sở của công ty đường sắt Vân Nam thời Pháp thuộc – bị sập vì xuống cấp, nhiều chuyên gia đã nhắc tới việc cần sớm thiết lập một bảo tàng cho ngành đường sắt. Không cần quá lớn và cầu kỳ, bảo tàng ấy về bản chất có thể chỉ là một phòng trưng bày– giống như mô hình mà một số ngành hải quan, ngân hàng, điện lực... từng thực hiện.

Trụ sở Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn tại 136 Hàm Nghi, P.Bến Thành, Q.1.

Ở nhiều nước phát triển, mô hình ấy khá phổ biến, với tính chất vừa “hướng ngoại”: vừa là bộ mặt của ngành, vừa kết hợp mở cửa phục vụ khách tham quan. Nhưng cũng cần nói thêm, một bảo tàng (hoặc phòng trưng bày) chỉ có giá trị, khi nó thoát khỏi cách tư duy mà các chuyên gia vẫn gọi là “bảo tàng quốc doanh”: cứng nhắc, thiên về tuyên truyền và duy ý chí. Trong hàng chục cuộc tọa đàm về bảo tàng những năm qua, cách tư duy ấy vẫn liên tục được nhắc đến – như một sản phẩm của thói quen làm bảo tàng cách đây 3 – 4 thập kỷ.

Như nhận xét của PGS Nguyễn Văn Huy, chỉ riêng câu chuyện về trưng bày , người ta cũng có thể nhận ra tư duy “bảo tàng quốc doanh” ấy, với cách bày hiện vật la liệt, thiếu trọng tâm trọng điểm, thiếu bố cục, tổ chức, thiếu thông tin dẫn dắt và cách kể chuyện. Trong khi, bảo tàng hiện đại phải thuyết phục khán giả bằng sự trung thực khách quan, bằng những cách tiếp cận đa tuyến, đa chiều, với những câu chuyện sống động và đôi khi tưởng như rất đời thường. Và xa hơn, đó còn là những yêu cầu về nghiên cứu khách tham quan, đánh giá điều tra nhu cầu công chúng, hoặc tổ chức các chương trình giáo dục liên kết với cộng đồng và trường học.

Nói cách khác, việc có trụ sở và hiện vật mới chỉ là bước đầu tiên, trong chặng đường rất dài để mỗi bảo tàng có thể thật sự trở thành một điểm đến văn hóa đủ hấp dẫn trong đô thị. Vui vì TP.HCM có ý tưởng bảo tồn, lưu giữ một di sản nằm tại khu vực “đất vàng” của thành phố, chúng ta cũng hãy hi vọng di sản ấy sẽ được khai thác đúng với chiều sâu văn hóa của mình, để từ đó xua đi những định kiến về sự vắng khách của những “bảo tàng quốc doanh”.