25/11/2024 lúc 23:54 (GMT+7)
Breaking News

Bảo tồn quần thể lim xanh tại đền Và - thị xã Sơn Tây

Một trong những điều tạo nên sức hấp dẫn của Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Và là cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là khu rừng lim xanh cổ thụ gồm 166 cây tỏa bóng rợp quanh năm, trong đó có 85 cây đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Một trong những điều tạo nên sức hấp dẫn của Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Và là cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là khu rừng lim xanh cổ thụ gồm 166 cây tỏa bóng rợp quanh năm, trong đó có 85 cây đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Rừng lim xanh tại khu di tích lịch sử văn hóa đền Và (làng Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) có từ lâu đời, gắn liền với di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thánh đứng đầu trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Một góc rừng Lim xanh ở Đền Và.

Quần thể lim xanh tại đây nằm trên diện tích rộng tới 17 ha, bao xung quanh là đồng ruộng và khu vực dân cư đã sinh sống qua nhiều đời.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: Rừng lim xanh mọc tự nhiên giữa khu vực đông dân cư, tồn tại cùng đền Và, đã chứng kiến những biến cố lịch sử trong suốt hàng trăm năm, hàm chứa giá trị to lớn về văn hóa tâm linh, tạo nên nét đẹp hài hòa về cảnh quan, giữ gìn môi trường sinh thái, tôn vinh thêm giá trị lịch sử của khu di tích. Đa phần lim ở đây cao trên 10m, có những gốc lim to, đường kính hơn một mét, phải 2 đến 3 người ôm mới xuể. Các cây di sản đều được đánh số và bảo vệ cẩn thận. Người dân địa phương và du khách đến tham quan đều rất có ý thức gìn giữ và bảo vệ rừng cây đặc biệt này.

Rừng lim này rất gần gũi với đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Vào những buổi trưa hè nắng nóng, đám trẻ chăn trâu hay những người dân làm đồng thường vào nghỉ ngơi, tránh nắng dưới những tán lá xum xuê. Nhiều chục năm trước, các nhà trường ở thị xã Sơn Tây thường tổ chức cắm trại cho học sinh dưới tán lim già...

Tuy nhiên, theo ông Lê Hải Nam - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Thị xã Sơn Tây, cùng với thời gian và các hoạt động khác nhau của con người, một số cây lim xanh cổ thụ đã bị chết, nhiều cây trong quần thể bị sâu bệnh, mối mọt và rỗng ruột. Hiện tại, nhiều cành cây vẫn thường xuyên bị gãy, gây nguy hiểm cho kiến trúc đền, người dân và khách du lịch.

Thời gian qua, chính quyền cùng người dân địa phương đã có những biện pháp tạm thời để cứu chữa rừng lim cổ, như: Đổ thêm đất màu, phun thuốc trừ sâu bệnh, trồng một số cây mới tại vị trí cây đã chết... Song các cách làm này đều chưa hiệu quả. Trong khi đó, những cây mới trồng không thể lớn được vì bị tán cây to che khuất ánh sáng.

Trước thực trạng đó, cần phải có những nghiên cứu mang tính toàn diện và chuyên sâu về hiện trạng, tình hình sâu bệnh hại, các nguyên nhân và yếu tố tác động đến quần thể lim xanh nhằm đề xuất các giải pháp phù hợp bảo tồn.

Mới đây, đề tài “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn quần thể lim xanh tại Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Và, Thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội” (nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố) do TS. Lã Nguyên Khang làm Chủ nhiệm, Viện Sinh thái rừng và Môi trường là cơ quan chủ trì đã được nghiệm thu.

Đề tài là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện và đầy đủ về thực trạng và đề xuất giải pháp tổng hợp bảo tồn quần thể lim xanh tại Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Và. Trong quá trình nghiên cứu, đề tài đã có nhiều sản phẩm mới, đặc biệt là bộ giải pháp tổng hợp có thể áp dụng trong bảo tồn quần thể lim xanh tại đền Và và bộ cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu chi tiết đến từng cây trong quần thể.

Hệ thống cơ sở dữ liệu này được tích hợp vào cổng thông tin điện tử của thị xã Sơn Tây, góp phần quảng bá về du lịch sinh thái, du lịch tâm linh ở địa phương. Lần đầu tiên tại một Ban quản lý khu di tích lịch sử có thể quản lý hệ thống cây xanh, cây cổ thụ bằng phần mềm quản lý chuyên ngành. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn Khu di tích lịch sử đền Và nói chung và quản lý, bảo tồn quần thể lim xanh nói riêng.

GS. TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho rằng: Đề tài đã vận dụng sáng tạo kiến thức hiện đại kết hợp với những kiến thức truyền thống, vận dụng kiến thức đa ngành và liên ngành trong bảo tồn quần thể lim xanh gắn với lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống một cách bền vững của khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Hy vọng trong thời gian tới, rừng lim được bảo tồn sẽ giúp giữ gìn môi trường sinh thái và tôn vinh thêm giá trị lịch sử của khu di tích.