Đến với Khánh Hòa, người ta thường nghĩ đến những bãi biển đẹp và những hòn đảo thơ mộng, ít có ai biết rằng ở phía tây nam Khánh Hòa là những dãy núi hùng vĩ lại có một nơi cũng có 4 mùa trong một ngày, khí hậu mát lạnh và trong lành, một vùng đất được ví như Đà Lạt thứ hai của tỉnh Khánh Hòa – Khánh Sơn. Đến với Khánh Sơn, du khách sẽ được hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, giữa núi rừng hùng vĩ và tận hưởng sự yên bình đến nao lòng người.
Trong cẩm nang du lịch của du khách, Khánh Sơn có lẽ là địa danh cũng còn mới mẻ, ít được để ý. Nhưng đến Khánh Hòa, sau những giây phút tắm biển thư thả hòa mình với sóng nước, thưởng thức hải sản mà thiên nhiên đã hào sảng mang lại cho Khánh Hòa, thì khi về với Khánh Sơn, bạn sẽ có những giây phút thư giãn thoải mái với núi rừng hoang sơ, để hồi phục lại sức khỏe sau hành trình dài.
Nghệ nhân Mấu Hồng Thái với cây đàn Chapi. Ảnh: Phạm Tỷ
Ở phía xa xa góc núi, nơi hoàng hôn đang phủ rèm mỗi khi chiều về còn ẩn hiện làn khói mong manh, lan tỏa trên các đỉnh núi như những bức tranh thủy mặc hút hồn. Thời điểm này cũng là lúc thời tiết se lạnh, mang bạn đến với không gian tĩnh lặng, tâm hồn dịu lại hòa mình ấm áp trong tiếng đàn Chapi của người Raglai (Rắc - lây). “…Ở nơi ấy, họ đang sống cuộc sống yên bình/ Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi/ Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglai" - Những ca từ mộc mạc của nhạc sĩ Trần Tiến viết trong ca khúc “Giấc mơ Chapi” nổi tiếng của mình đã mang bạn đến với con người Raglai, với văn hóa đặc trưng bao đời trên vùng đất này...
Bảo tồn nét văn hóa của đồng bào RagLai “tiềm năng phát triển du lịch Khánh Sơn - Khánh Hòa”. ảnh: Nhân Tâm
Không chỉ đơn thuần là một loại nhạc cụ mà cây đàn Chapi còn chứa đựng cốt cách, văn hoá riêng biệt của cộng đồng người Raglai.
Đàn Chapi của đồng bào Raglai độc đáo ở chỗ, khi nghệ nhân đàn lên ta nghe như có suối chảy róc rách, như có tiếng đàn Tơ Rưng, nghe kỹ như là đàn đá, nhắm mắt lại ta mường tượng như 8, 9 thanh niên đang chơi Mã La (một loại chiêng không có núm, còn gọi là chiêng bằng). Theo nghệ nhân Mấu Hồng Thái để có được một chiếc đàn Chapi của người Raglai cũng đòi hỏi lắm công phu. Cây đàn chỉ bằng 1 ống tre to dài chừng 40 cm, có 12 dây chia làm 6 cặp. Ống tre được cưa để lại 2 mắt, một đầu ống tre được khoét lỗ, đầu kia để rỗng. Người ta tách vỏ ống tre để làm dây, mỗi đầu dây có chêm một miếng độn tre nhỏ xíu như đầu đũa di chuyển lên xuống để căng hạ dây đàn trầm bổng. Muốn kêu bổng thì đẩy lên căng, còn trầm thì kéo xuống. Chính giữa mỗi cặp dây có một miếng tre vuông vức cài chặt ở giữa để làm phím gảy. Tại mỗi vị trí này trên thân đàn, thợ trui lỗ để tiếng đàn đi vào trong khuếch đại ra hai đầu ống. Việc chọn nguyên liệu không hề đơn giản. Trước hết, phải chọn được cây tre mọc trên núi cao, khoảng 1 năm tuổi. Tre phải phơi nắng ít nhất 1 tháng nếu khi khô không nứt,cong mới có thể đem ra chế tác đàn. Tre già đủ độ dẻo dai mới có thể làm ra những chiếc đàn có độ bền và phát ra âm thanh hay.
Nghệ nhân Châu Ngọc Minh đánh đàn đá trên nhà dài của người Raglai tại thôn Hòn Dung ,xã Sơn Hiệp. Ảnh:Tuấn Khôi
Khi chơi đàn Chapi, người chơi phải nâng đàn lên gần ngang ngực, sau đó ghì sát đầu ống để rỗng vào người để giữ âm lại trong ruột đàn. Hai bàn tay vừa để giữ đàn, vừa để khảy các dây đàn theo nhịp điệu của những khúc nhạc dân gian. Với mười ngón tay, người chơi đàn có thể điều khiển cả một đội "Mã La" 4-6 người thông qua cây đàn tre độc đáo này. Âm thanh không kêu to, nhưng cũng đủ nghe trong không gian một căn nhà. Đồng bào Raglai rất thích loại nhạc cụ này, bởi nó dễ mang vác và dễ sử dụng, đặc biệt là trong các lễ hội thì càng không thể thiếu được tiếng đàn Chapi.
Đến với con người Raglai, với văn hóa đặc trưng bao đời trên vùng đất này...
Trước cây đàn Chapi, phải kể đến một nhạc cụ thuộc hàng tổ tiên của các loại nhạc cụ dân tộc, đó là Đàn đá Khánh Sơn. Cuộc sống trước đây của người Raglai chủ yếu dựa vào hoạt động nông nghiệp: phát nương, làm rẫy. Trong quá trình phát nương làm rẫy, họ đã sử dụng những phiến đá, thanh đá kêu nằm rải rác trên sườn núi, dưới lòng suối rồi kết hợp với vật liệu tre nứa, dây mây, dựng nên các giàn dụng cụ đồ đá phát ra những âm thanh nhằm để đuổi muông thú, bảo vệ nương rẫy, mùa màng… Dần dần, tiếng đàn ấy đã đi vào cuộc sống người Raglai như một hơi thở. Họ đã thổi hồn vào dụng cụ đàn đá đó để mang đến những cung bậc cảm xúc trong cuộc sống nương rẫy. Và giờ nó đã tạo nên một nét văn hóa kết hợp với cồng chiên, làm nên bản hùng ca của núi rừng Tây Nguyên, trở thành một di sản cho đồng bào Raglai – Đàn đá Khánh Sơn.
Nghệ nhân Mấu Quốc Tiến trao đổi với phóng viên về các bộ sử thi của người Raglai. Ảnh: Phạm Tỷ
Nghệ nhân Mấu Quốc Tiến người đã dày công cùng với các nghệ nhân Mấu thị Giêng, Cao Thị Thanh.... sưu tầm, văn bản hóa chú thích, chú giải nên các tập sử thi của người Raglai và đã được xuất bản 3 tác phẩm song ngữ Việt – Raglai từ 2000 trang đến 3000 trang. Ông là người có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn văn hóa của đồng bào Raglai, đặc biệt là các loại nhạc cụ như đàn đá, Mã la, đàn Chapi chơi được nhiều làn điệu được dùng trong các ngày mùa, bỏ mả, đám cưới, ngày mùa, hát giao duyên, ngày mừng lúa mới. Trao đổi với phóng viên về việc bảo tồn, duy trì các loại nhạc cụ này ông buồn bã cho rằng: do cuộc sống ngày nay, lớp trẻ có nhu cầu làm việc cao hơn và cũng hững hờ với các di sản truyền thống của cha ông từ bao đời, nên việc bảo tồn và truyền lại cho lớp trẻ cũng khó thực hiện. Nếu không được gìn giữ, lưu truyền thì sau này nhạc cụ truyền thống của dân tộc Raglai nói chung và đàn Chapi nói riêng chỉ còn nhìn thấy trong các phòng trưng bày.
Nghệ nhân Mấu Hồng Thái vẫn hàng ngày chế tác cung nỏ, đàn Chapi và những chiếc gùi đủ cỡ, vì đây là những thứ không thể thiếu trong cuộc sống của người Raglai. Ở tuổi 82, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn và hứng thú khi nói về các nhạc cụ của đồng bào Raglai. Trao đổi với phóng viên ông cho rằng ông vẫn miệt mài với công việc này, khi du lịch bản địa nơi đây được phát triển thì những sản phẩm mình làm có thể giới thiệu đến du khách,cũng như là một cách truyền cảm hứng đến lớp thanh niên trong buôn làng và cũng sẽ tăng thu nhập cho mỗi gia đình, kinh tế sẽ khá hơn. Mong ước của ông là lớp con cháu giữ gìn được nét văn hóa, các di sản, bản sắc riêng của cộng đồng người Ragla. Nơi đây từng là chiếc nôi cách mạng, ngày trước cũng nhờ những chiếc gùi này mà người Raglai đã tải gạo, thức ăn và các vật dụng cần thiết cho bộ đội, ông ngậm ngùi nhớ lại.
Di tích lịch sử Căn cứ cách mạng Tô Hạp – Khánh Sơn. Ảnh: Phạm Tỷ
Nói về tiềm năng du lịch thì Khánh Sơn không thiếu các điểm tham quan ghi dấu ấn. Nếu Đà Lạt có những điểm săn mây thu hút bạn trẻ thì tại Khánh Sơn bạn cũng sẽ săn mây được, với khung cảnh gần gũi hơn, ở khắp nhiều nơi,Trên đường đèo lên Khánh Sơn và đặc biệt là khi đến xã Ba Cụm Nam bạn sẽ có những giây phút tuyệt vời trải nghiệm săn mây cùng với cái se lạnh trên vùng núi này, khi đó bạn sẽ được hòa vào không khí trong lành, nhìn biển mây lơ lửng bay qua đồi núi xanh rì, thấp thoáng ẩn hiện những mái ngói đỏ son giữa vùng mây trắng xóa, lan tỏa, hòa quyện với núi rừng như bức tranh sơn thủy. Không chỉ những cung đường quanh co phủ đầy mây, mà khắp nơi trên vùng núi Khánh Sơn bạn đều bắt gặp mây vỗ về ôm ấp núi, tạo nên một không gian mờ ảo như tranh sơn thủy làm mê hồn người du khách.
Hai cây Dầu Rái đã được gắn bia cây Di sản Việt Nam. Ảnh: Tuấn Khôi
Một điểm đến không thể bỏ qua chính là hai cây Dầu Rái đôi trên 250 tuổi ở thôn A Pa 2 xã Thành Sơn, đã được gắn bia cây di sản Việt Nam và đặc biệt là sự mến khách của người dân nơi đây sẽ làm cho bạn đã gần gũi thiên nhiên lại càng thân thiện với con người trên đất Khánh Sơn.
Cứ nghĩ đến một sớm mai, đánh thức ta dậy bằng những tiếng chim rừng bên ly cà phê nóng, với tiếng đàn Chapi cùng thác nhạc vang dội núi rừng, sẽ đưa ta về với cội nguồn hoang sơ. Về Khánh Sơn mà không đến thác Tà Gụ sẽ là một thiếu sót và chắc hẳn bạn sẽ không quên được hành trình của mình khi đến với thác Tà Gụ bởi vẻ đẹp kiêu sa, hùng vĩ giữa đại ngàn. Ngọn thác cao khoảng 40m, gắn liền với truyền thuyết dân gian đặc sắc của người Raglai. Phải vượt qua các ghềnh đá nối tiếp nhau, lúc cao lúc thấp, lúc bằng phẳng, khi gồ ghề, tạo cho bạn cảm giác thú vị khi khám phá, chinh phục thác. Lúc đó, bạn sẽ cảm thấy mọi mệt mỏi tan biến bởi tiếng nước chảy, tiếng âm thanh vọng lại. Và đặc biệt là hơi nước mát lạnh trong khung cảnh hùng vĩ của thác nước đổ xuống trắng xóa ở độ cao 40m, như một ngà voi giữa mênh mông đại ngàn, sẽ làm cho bạn không quên được nơi này như một chốn bồng lai mà không phải nơi nào cũng có được.
Thác Tà Gụ, điểm check in lý tưởng với không gian hoang sơ, bạn sẽ có giây phút thư giãn tắm thác thú vị.
Sẽ thích hợp với những ai thích trải nghiệm, khám phá yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe tiếng đàn Chapi, nghe tiếng thác đổ, tiếng chim rừng hòa ca. Hãy nghe tôi đi, nên đến một lần để tận mắt thấy và lưu lại những khoảnh khắc khó quên trong hành trình du lịch khám phá, và sẽ không làm cho bạn thất vọng khi đặt chân đến nơi này.Với tiềm năng du lịch sẵn có tại địa phương cùng với cộng đồng người Raglai có nhiều nét văn hóa đặc trưng như lễ hội Bỏ mã đã được Bộ VHTT và DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể 2012.
Ông Cao Minh Vỹ, Phó Chủ tịch UBND Huyện Khánh Sơn. Ảnh: Tuấn Khôi.
Ông Cao Minh Vỹ phó chủ tịch UBND Huyện cho phóng viên Tạp chí Việt Nam Hội Nhập biết : Huyện cũng đã ban hành chương trình phát triển du lịch huyện Khánh Sơn giai đoạn 2016- 2020 định hướng 2025 và tầm nhìn đến 2030,trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch, khu du lịch sinh thái Đồi Thông, thác Tà Gụ, các điểm checkin săn mây, và tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú đa dạng như liên kết từ 3 đến 5 nhà vườn trồng cây ăn trái với cây ăn trồng đa dạng, phục vụ khách tham quan và thưởng thức trái cây tại chỗ như bưởi da xanh , măng cụt, chôm chôm thái, mía tím, đặc biệt Sầu riêng Khánh Sơn là thương hiệu vàng mà đa số người dân trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Việc xây dựng làng văn hóa thôn Hòn Dung xã Sơn Hiệp mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người đồng bào Raglai , phục vụ nhu cầu khách tham quan ,du lịch ,tìm hiểu đời sống văn hóa, phong tục tập quán và sản xuất của người dân như: Đàn đá, đàn Chapi, Mã la, đồng thời đầu tư phát triển các ngành nghề truyền thống ảnh như đan lát mây tre, làm gùi, nỏ, mô hình nhà dài, chế tác đàn Chapi phục vụ khách du lịch, tăng thu nhập cho người dân.
Cụ Mai Hồng Thái vẫn miệt mài chế tác đàn và làm gùi, nỏ ...Ảnh: Tuấn Khôi
Bên cạnh đó sẽ triển khai các dự án trạm dừng chân trên đỉnh đèo Khánh Sơn, Thác của Cây Da ....., từ đó đưa ra các chùm tour du lịch từ biển đến núi đồi, kết nối khu du lịch Nha Trang, Cam Ranh, Khánh Sơn với các chùm tour như: Du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm, kết hợp với việc quảng bá các sản vật ở địa phương. Trong năm 2019 Huyện cũng đã tổ chức lễ hội trái cây thu hút hơn chục ngàn người tham gia. Qua đó, Huyện cũng kêu gọi, các nhà đầu tư xây dựng khai thác và phát triển du lịch, nhằm phát triển kinh tế và nâng cao cuộc sống của người dân ở huyện miền núi Khánh Sơn./.