15/01/2025 lúc 16:31 (GMT+7)
Breaking News

Bảo tàng Thanh Hoá: Nơi lưu giữ nhiều hiện vật vô giá về con người và mảnh đất xứ Thanh

Thanh Hoá, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá làm dạng danh quê hương, đất nước. Trải qua thời gian, lịch sử đã để lại cho vùng đất này những di sản văn hoá vô cùng phong phú, đặc sắc, tiêu biểu là các bộ sưu tập hàng nghìn cổ vật, hiện vật minh chứng cho những giai đoạn lịch sử hào hùng, những tác phẩm nghệ thuật quý giá bậc nhất cùng vô số bức điêu khắc sống động và các bộ sưu tập sắc phong đang được lưu giữ, bảo quản, trưng bày phát huy giá trị

Thanh Hoá, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá làm rạng danh quê hương, đất nước. Trải qua thời gian, lịch sử đã để lại cho vùng đất này những di sản văn hoá vô cùng phong phú, đặc sắc, tiêu biểu là các bộ sưu tập hàng nghìn cổ vật, hiện vật minh chứng cho những giai đoạn lịch sử hào hùng, những tác phẩm nghệ thuật quý giá bậc nhất cùng vô số bức điêu khắc sống động và các bộ sưu tập sắc phong đang được lưu giữ, bảo quản, trưng bày phát huy giá trị tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá.

Bảo tàng Thanh Hoá toạ lạc trên một khuôn viên rộng lớn, nằm trên đường Trường Thi – Thành phố Thanh Hoá

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang lưu giữ, bảo quản, trưng bày hơn 30 nghìn đơn vị hiện vật, được trưng bày theo trình tự lịch sử, từ khi xuất hiện cuộc sống sơ khai của con người trên đất Thanh Hóa cho đến ngày nay. Nét nổi bật nhất về hiện vật do Bảo tàng Thanh Hoá quản lý là những cổ vật, hiện vật các thời kỳ lịch sử với những sưu tập cổ sinh tìm được ở vùng miền núi Thanh Hoá và những di vật của thời Tiền sử ở núi Đọ, núi Nuông, Mái Đá Điều, hang Con Moong, Đa Bút... đã chứng minh Thanh Hóa là vùng đất tối cổ, cách đây 40 - 30 vạn năm con người đã có mặt và liên tục phát triển ở vùng đất này. Đồng thời phản ánh quá trình hình thành, phát triển vùng đất Xứ Thanh. Tất cả các cổ vật, hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Thanh Hoá là sự minh chứng cho các thời đại đã qua của vùng đất này. Với các cách trưng bày rất hấp dẫn và thực sự thu hút, đã khiến khách thăm quan cảm nhận như được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của xứ Thanh.

Các hiện vật được trưng bày theo trình tự lịch sử, từ khi xuất hiện cuộc sống sơ khai của con người trên đất Thanh Hóa

Bộ sưu tập giới thiệu các văn hoá Tiền Đông Sơn với ba giai đoạn phát triển kế tiếp nhau: Giai đoạn Cồn Chân Tiên, Đông Khối, Quỳ Chữ trong thời kỳ dựng nước đầu tiên. Các sưu tập hiện vật trưng bày tại đây giúp cho người xem thấy được diễn tiến của sự xuất hiện, phát triển của kỹ thuật luyện kim và chế tác kim loại, bên cạnh là sự phát triển đạt đến đỉnh cao của kỹ thuật chế tác đá. Đây là tiền đề cơ sở vật chất, kỹ thuật cho văn hoá Đông Sơn kế tiếp ra đời và phát triển rực rỡ.

Văn hoá Đông Sơn trên đất Thanh Hóa, là nền tảng cơ sở vật chất góp phần tạo dựng Nhà nước Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Phần này được thể hiện sinh động cụ thể, đầy sức thuyết phục thông qua các sưu tập công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, đồ trang sức...Đặc sắc nhất là sưu tập trống đồng, thạp đồng cùng với hoạ tiết trang trí tuyệt mỹ của nghệ thuật trang trí đồ đồng Đông Sơn đã gây được ấn tượng sâu sắc đối với khách tham quan, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.   

Về các hiện vật phản ánh lịch sử truyền thống chống ngoại xâm của nhân dân Thanh Hoá được thể hiện bằng các hiện vật, tài liệu khoa học công nghệ phụ trợ, những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong giai đoạn lịch sử từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX theo tiến trình lịch sử. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, trên nền tảng một quốc gia phong kiến độc lập tự chủ, lịch sử Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển rực rỡ: kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Mở đầu thời kỳ này là các triều Ngô (939 - 968), Đinh (968 - 981), Tiền Lê (981 - 1009), Thanh Hóa đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong thời kỳ quốc gia phong kiến Đại Việt (Lý, Trần , Lê, Trịnh- Nguyễn, Tây Sơn), gồm có: Các loại vũ khí đánh giặc, gia phả, thần phả, ngọc phả. 

Tất cả các hiện vật được lưu giữ, trưng bày là sự minh chứng cho các thời đại đã qua của vùng đất xứ Thanh

Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá còn có các bộ sưu tập lớn như: Bộ sưu tập đồ gốm- sành- sứ phát hiện được trên địa bàn tỉnh (sưu tập Lý- Trần, sưu tập Lê-Trịnh, sưu tập men lam thời Nguyễn, sưu tập gốm- sành Mỹ Cương, sưu tập bình vôi qua các thời kỳ). Bộ sưu tập tiền cổ của Việt Nam và Trung Quốc (có độ tuổi  từ 2.00 đến 2000 năm tuổi). Bộ sưu tập vũ khí qua các thời kỳ lịch sử, như sưu tập súng thần công. Bộ sưu tập về phong trào Cần Vương tại Thanh Hoá, gồm: các loại vũ khí của nghĩa quân, hiện vật các các thủ lĩnh, binh lính Cần Vương.

Bộ sưu tập đồ gốm- sành- sứ phát hiện được trên địa bàn tỉnh

Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá hiện đang lưu giữ ba bảo vật quốc gia, gồm Kiếm ngắn núi Nưa được tìm thấy ở chân núi Nưa, thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nơi Triệu Thị Trinh dựng cờ khởi nghĩa, nay còn di tích đền thờ bà, đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Các nhà khảo cổ khẳng định, dưới lòng đất này có một di tích văn hóa Đông Sơn, tương đương với thời vị nữ anh hùng dấy binh chống quân xâm lược Đông Ngô. Đây là bảo vật rất độc đáo, được đúc bằng đồng, có chiều dài 46,5 cm, rộng 5 cm, với cán dài tới 18 cm, nặng 620 gr. Kiếm ngắn núi Nưa có hai phần, lưỡi và cán. Lưỡi hình lá mía, mỏng, có hai rìa sắc nhọn, chắn tay hình sừng trâu.

Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá hiện đang lưu giữ, bảo quản, trưng bày ba bảo vật quốc gia

Trống đồng Cẩm Giang 1, Còn có tên gọi khác là "Trống Vịt". Đây là một tên gọi dân dã, nhưng ít nhiều phản ánh tính độc đáo và khác biệt của trống này trong phức hợp trống đồng Việt Nam nói chung và trống đồng Đông Sơn nói riêng. Trống có đường kính mặt 73 cm, đường kính chân 73 cm, cao 41 cm, nặng 60 kg. Giữa mặt trống có ngôi sao 16 cánh, tiếp đến là 9 vòng hoa văn. Vòng 1, 2, 3 và 9 trang trí hoa văn ô trám lồng. Vòng 4 là hình chim lạc đang bay ngược chiều kim đồng hồ. Vòng 5 là hoa văn hình người cách điệu (đây là vòng hoa văn lớn nhất, mang tính chất chủ đạo trên mặt trống). Vòng 6, hình ảnh chim hạc được tái hiện, nhưng với một biến thể hiện thực hơn so với vòng 4. Các vòng 7, 8 là hoa văn hình học vòng tròn đồng tâm, tam giác lồng, răng lược. Đặc biệt, rìa mặt trống có 4 khối tượng vịt (uyên ương), được diễn tả khá thực và sinh động, có hướng vận hành ngược chiều kim đồng hồ. Tính độc đáo mang giá trị bảo vật quốc gia chủ yếu nằm ở các khối tượng này.

Vạc đồng được đúc bằng đồng, có đường kính mặt 134,4 cm; đường kính đáy 115 cm; chiều cao 79,8 cm. Vạc hình trụ, miệng hơi loe, thành miệng vát cao, đáy cong lòng chảo. Vạc gắn 6 quai to hình chữ U, trang trí vặn thừng. Bên trong thành miệng tạo gờ, trang trí hoa 5 cánh. Trên thành miệng vạc là hoa văn dây lá và hai dòng minh văn chữ Hán đối xứng: "Cẩm Thủy huyện Khâm sai Chính Thống lĩnh Quận công tạo/Nhâm Thân niên, thập nhất nguyệt, nhị thập bát nhật chú". Nội dung minh văn khẳng định, Chính thống lĩnh Khâm sai, tước Quận công huyện Cẩm Thủy cho đúc chiếc vạc này ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Thân và cũng là người sở hữu chiếc vạc này.

Ở khu vực tái hiện lại lịch sử thời kì chống Pháp và Mỹ, có trưng bày các hiện vật: súng, đạn, bom, chiếc xe đạp thồ, mũ sắt, những bức ảnh về người lính trong các trận đánh v.v. Thông qua những hình ảnh, hiện vật trưng bày cùng những lời thuyết minh giúp cho khách thăm quan dễ dàng tiếp nhận những thông tin và mở rộng kiến thức.

Bảo tàng Thanh Hoá là điểm đến thăm quan, nghiên cứu hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước

Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá lưu giữ một số lượng khá lớn hiện vật về sự ra đời các tổ chức Đảng, các lực lượng vũ trang cách mạng ở Thanh Hoá, hiện vật về các chiến sĩ bộ đội Trường Sơn. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ, bảo quản những hiện vật của Bác Hồ tặng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hoá. Bên ngoài, Bảo tàng được bố trí một số hiện vật kích thước lớn như máy bay, máy cày, bia đá…

Trưng bày “Thanh Hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, giai đoạn 1945-1975”

Trong xu thế hội nhập và mở cửa bằng giải pháp mới trong phương pháp trưng bày, Bảo tàng Thanh Hoá từng bước hiện đại hoá ngay trong hệ thống trưng bày chính và xây dựng những phần trưng bày mới: “Thiên nhiên Thanh Hóa”; “Thanh Hóa thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc từ thế kỷ I đến TK X”; “Thanh Hóa giai đoạn từ 1975 đến nay” cùng các phòng trưng bày chuyên đề “Mỹ thuật Thanh Hóa”; “Danh nhân Thanh Hóa”; “Nghề truyền thống xứ Thanh”; “Đặc trưng văn hóa dân tộc Việt, Dao, Mông, Khơ Mú, Thổ” góp phần làm sinh động thêm bức tranh lung linh sắc màu của sắc thái văn hoá xứ Thanh.

Bên ngoài, Bảo tàng trưng bày một số hiện vật kích thước lớn như máy bay, máy cày, bia đá..

Bảo tàng Thanh Hoá đã trở thành một địa chỉ tham quan nghiên cứu văn hoá - khoa học lớn của tỉnh. Hàng chục triệu lượt người khắp mọi miền đất nước và hàng trăm lượt khách quốc tế đến từ mọi châu lục như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Bruney, Cam Pu Chia, Thái Lan...đã đến tham quan và nghiên cứu. Bảo tàng cũng được đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước...đến thăm và đã ghi lại những tình cảm tốt đẹp đối với đất và người  xứ Thanh trong sổ vàng lưu niệm. Với những sự đổi mới trong phương thức hoạt động, Bảo tàng Thanh Hoá ngày càng khẳng định vị trí của mình trong hệ thống thiết chế văn hóa của tỉnh, trở thành không gian lý tưởng cho việc học tập, vui chơi, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; là điểm đến thăm quan, nghiên cứu hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước; đáp ứng nhu cầu phổ biến kiến thức khoa học và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công chúng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc./.