25/04/2024 lúc 15:38 (GMT+7)
Breaking News

Bảo đảm an ninh môi trường với phát triển bền vững về xã hội

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển đất nước, kinh tế tăng trưởng nhanh, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện và nâng cao. Song, đi cùng với tăng trưởng là chất lượng môi trường và sự đa dạng sinh học suy giảm, nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt… tác động tiêu cực đến nhiều vấn đề xã hội, như: sức khỏe người dân bị ảnh hưởng, xuất hiện các căn bệnh lạ, bệnh nguy hiểm, sinh kế của người dân bị đe dọa, nảy sinh các vấn đề về trật tự an ninh xã hội,…

Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu, cần có những giải pháp tích cực bảo đảm an ninh môi trường để phát triển bền vững về xã hội.

Ảnh minh họa - TL

1. An ninh môi trường và phát triển bền vững về xã hội

Phát triển bền vững về xã hội là sự phát triển xã hội của thế hệ hôm nay không làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường của thế hệ mai sau, tức là, không khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, không làm suy giảm sự đa dạng sinh học, không gây ra các sự cố môi trường hay làm gia tăng phát thải khí nhà kính… mà luôn có ý thức tái tạo, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn sự đa dạng sinh học cho các thế hệ tương lai. Phát triển bền vững xã hội được thể hiện ở chất lượng cuộc sống được nâng lên, công bằng xã hội được bảo đảm. 

Môi trường gồm môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Hai loại môi trường này có quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người và tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội cũng như sự tồn tại, phát triển của con người và giới tự nhiên.

An ninh môi trường là trạng thái mà hệ thống các yếu tố cấu thành môi trường cân bằng nhằm bảo đảm điều kiện sống và phát triển của con người cũng như các loài sinh vật. An ninh môi trường mất đi khi tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, thiên tai thường xuyên xảy ra, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng… dẫn đếnđiều kiện sống và phát triển của con người không được bảo đảm. Bảo đảm an ninh môi trường chính là bảo vệ môi trường sống của con người.

Xét trong mối tương quan giữa an ninh môi trường, xã hội và phát triển bền vững về xã hội thì bảo đảm an ninh môi trường nhằm phát triển bền vững về xã hội được hiểu là trong quá trình phát triển, bên cạnh khai thác tài nguyên thiên thiên phục vụ tăng trưởng kinh tế, con người phải chú trọng bảo vệ môi trườngtừ đó môi trường sinh thái, sức khỏe và sinh kế của người dân, trật tự an toàn xã hội được bảo vệ, xã hội phát triển bền vững.

Theo đó, để bảo đảm an ninh môi trường nhằm phát triển bền vững về xã hội cần thực hiện các nội dung sau:

Một là, các hoạt động kinh tế phải gắn với việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm, tài nguyên đất, nước. Đất đai, nguồn nước vừa là tài nguyên vừa là môi trường để con người thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là hai yếu tố quan trọng nhất và ngày càng khan hiếm. Do đó, để bảo đảm an ninh môi trường, các hoạt động kinh tế phải gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên (đất, nước), nhằm giảm đến mức tối thiểu nguyên liệu đầu vào, lượng phát thải, khí thải và độ ô nhiễm, đồng thời bảo vệ môi trường, bảo đảm tăng trưởng hiệu quả và bền vững, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đời sống con người.

Hai là, các hoạt động kinh tế phải gắn với tái tạo tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học. Tài nguyên thiên nhiên và sự đa dạng sinh học là nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất và là điều kiện cơ bản để xã hội phát triển. Các hoạt động kinh tế đi kèm với phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm hoặc hủy hoại môi trường; sử dụng các loại hóa chất, như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các chất kích thích sinh trưởng làm suy thoái tài nguyên đất, giảm đa dạng sinh học. Những hoạt động này về lâu dài sẽ tác động tiêu cực tới sự phát triển bền vững của xã hội loài người. Do đó, các hoạt động kinh tế phải gắn với tái tạo tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ sự đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm an ninh môi trường trong quá trình phát triển bền vững về xã hội.

Ba là, các hoạt động kinh tế gắn với ứng phó biến đổi khí hậu

Hơn 90% nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu là do hoạt động của con người làm gia tăng phát thải khí nhà kính gây ra. Biến đổi khí hậu với những biểu hiện như: nước biển dâng, thời tiết cực đoan, hạn hán khốc liệt... đã ảnh hưởng đến sinh kế của con người cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế, một mặt, phải hướng đến các phương án canh tác thân thiện với môi trường, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, qua đó, làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu;

Mặt khác, trong từng ngành, từng lĩnh vực, tùy vào đặc điểm riêng, cần sử dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm nhẹ thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Qua đó, vừa bảo đảm an ninh môi trường vừa đạt tăng trưởng hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, lối sống trách nhiệm, thân thiện với môi trường; bảo vệ an ninh môi trường trở thành ý thức và hành động của mỗi thành viên trong cộng đồng, trở thành nếp sống của các cá nhân trong xã hội, để an ninh môi trường thực sự trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu của an ninh quốc gia. 

2. Thực trạng bảo đảm an ninh môi trường 

Các ngành bước đầu sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên

Trong ngành nông nghiệp, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như: nhân giống mới, thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã làm tăng năng suất, cải thiện hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Cụ thể, giai đoạn 2011-2021, giá trị sản phẩm/ha đất nông nghiệp tăng qua các năm, trong đó, đất trồng trọt tăng từ 72,2 triệu đồng/ha (2011) lên 102,8 triệu đồng/ha (2020)(1), bình quân mỗi năm tăng 3,06 triệu đồng; mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng từ 135,2 triệu đồng/ha (2011) lên 237,8 triệu đồng/ha (2020)(2), bình quân mỗi năm tăng 10,26 triệu đồng/ha. 

Thực hiện xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hệ thống thủy nông được đầu tư kiên cố hóa, nâng cao năng lực tưới, tiêu. Diện tích đất gieo trồng được tưới, tiêu chủ động tăng qua các năm, trong đó, diện tích trồng lúa được tưới, tiêu chủ động chiếm tỷ trọng cao nhất. 

Vụ Đông Xuân năm 2020, cả nước có 85,72% diện tích lúa được cấp nước chủ động, 83,35% diện tích được tiêu nước chủ động, 30,20% diện tích ngăn mặn chủ động; có 39,68% diện tích cây gieo trồng hằng năm khác được cấp nước chủ động, 36,69% diện tích cây gieo trồng hằng năm khác được tiêu nước chủ động; 9,5% diện tích được ngăn mặn chủ động. Ngoài ra, có 49,86% tổng diện tích gieo trồng cây lâu năm được cấp nước chủ động và 42,98% diện tích được tiêu nước chủ động(3). Tỷ lệ diện tích đất gieo trồng được tưới tiêu chủ động tăng lên đã làm giảm lượng nước tưới ở giai đoạn không cần thiết, qua đó, làm giảm lượng khí mêtan và tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. 

Như vậy, tỷ lệ diện tích gieo trồng được tưới, tiêu chủ động tăng và giá trị sản phẩm/ha tăng qua các năm; ngành nông nghiệp đã khai thác được lợi thế tài nguyên đất đai, mặt nước để phát triển sản xuất.

Trong ngành cônthương, giai đoạn 2011-2020, đã triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Nhờ đó, hệ số đàn hồi điện/GDP đã giảm từ mức 2,0 (2001-2010) xuống mức 1,9 (2011-2015) và 1,43 (2016-2020). Việc đầu tư và cải tạo lưới điện giai đoạn 2011-2020 đã giúp tỷ lệ tổn thất truyền tải và phân phối điện giảm từ 10,15% (2010) xuống 6,5% (2020)(4)

Bên cạnh đó, hiệu suất sử dụng năng lượng ở các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng cũng được chú trọng cải thiện. Nhờ đó, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng của Việt Nam đạt 5,65%, tương đương gần 11,3 triệu tấn dầu quy đổi. Trong đó, cường độ năng lượng các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm: ngành thép giảm 8,09%, xi măng giảm 6,33%, dệt giảm 7,32%(5). Hệ số đàn hồi điện/GDP giảm, hiệu suất sử dụng năng lượng giảm cho thấy, ngành công thương đã bước đầu sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng, qua đó, giảm phát thải khí nhà kính.

Các ngành, lĩnh vực sản xuất đã quan tâm việc tái tạo tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học

Ngành nông nghiệp: Sản xuất nông nghiệp đã chú trọng đến các phương thức canh tác vừa góp phần tăng nguồn hữu cơ cho đất, tái tạo và phục hồi tài nguyên đất, bảo vệ đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể, ngành đã tập trung phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đến năm 2019, cả nước có 237 nghìn ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tăng 213,6 nghìn ha so với năm 2016(6); cả nước có 46/63 tỉnh, thành tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ với 17.168 triệu nông dân và 97 doanh nghiệp (7); có gần 120 nghìn ha được chứng nhận VietGAP(8)

Việc áp dụng các hình thức canh tác này, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ an toàn, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng cách đã góp phần tái tạo tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học, đồng thời tạo ra sản phẩm sạch, có năng suất cao, có giá trị xuất khẩu. 

Ngành công thương, cùng với việc áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất làm giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, ngành công thương còn chú trọng phát triển năng lượng tái tạo như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Đến năm 2020, cả nước có 113 dự án điện mặt trời, điện gió; tổng công suất đạt trên 5.700MW. Đến tháng 8-2020, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời được phê duyệt bổ sung quy hoạch lên gần 23.000 MW, trong đó, riêng điện mặt trời khoảng 11.200 MW, điện gió 11.800 MW. Hiện nay, cả nước đã đưa vào vận hành 102 dự án điện mặt trời với tổng công suất là 6.314 MWp(9)

Các ngành đã quan tâm ứng phó biến đổi khí hậu

Trong nông nghiệp, để thích ứng với biến đổi khí hậu, các địa phương hướng dẫn nông dân áp dụng nhiều biện pháp canh tác mới, như: chuyển đổi cơ cấu cây, con; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ; đưa các giống cây, con thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất; hướng dẫn nông dân sản xuất kỹ thuật canh tác mới (VietGAP); “3 giảm, 3 tăng”; Chương trình quản lý dịch hại IPM; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: đúng lúc, đúng cách, đúng thời gian, đúng liều lượng; mô hình trồng lúa giảm phát thải… Những biện pháp thích ứng trên đã giảm được thiệt hại do biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm dịch bệnh, nâng cao chất lượng nông sản.

Khuyến khích xử lý các chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Việc xử lý các chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp (rơm rạ, bao bì chứa phân bón, chai lọ đựng chất bảo vệ thực vật, thức ăn dư thừa, phân gia súc, gia cầm, nước rửa chuồng trại...) đã góp phần giảm ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước; giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ sức khỏe người dân. 

Ngành công thương đã thực hiện dán nhãn sinh thái/nhãn xanh, nhãn tiết kiệm năng lượng và các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm sinh thái, thân thiện với môi trường.

Đến năm 2019, cả nước có 68,5% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của áp dụng sản xuất sạch hơn, tăng 20,5% so với năm 2010; 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng sản xuất sạch hơn, tăng 39% so với 2010, trong đó, có 12% cơ sở đã tiết kiệm được trên 8% năng lượng, nguyên nhiên liệu/sản phẩm(10). Bộ Công Thương đã triển khai nhiệm vụ xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Những chính sách nêu trên đã góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,9%; giai đoạn 2016-2020 đạt 6%, trung bình cả giai đoạn 2011-2020 là 5,95%/năm(11). Kết quả này đã đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Đáng chú ý, do tác động của đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của các quốc gia đều suy giảm, thậm chí tăng trưởng âm, thì Việt Nam vẫn đạt 2,87% năm 2020 và 2,56% năm 2021(12); được xếp vào nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao. Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng lên. GNI bình quân đầu người năm 2016 là 6.211,1 USD và đạt 8.132,0 USD năm 2020 (bằng 130,93% năm 2016), bình quân mỗi năm tăng 6,97%(13). Tuổi thọ bình quân tăng từ 73,4 tuổi năm 2016 lên 73,7 tuổi năm 2020. So với các nước Đông Nam Á, tuổi thọ bình quân Việt Nam đứng thứ 5, đứng thứ 26 châu Á và 87 trên thế giới (14), (15)

Bên cạnh những bước tiến nêu trên, các hoạt động sản xuất kinh - doanh làm gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên và đa dạng sinh học

Trong ngành nông nghiệp, việc sử dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật chưa được quản lý, kiểm soát, xả thải vào môi trường trong ngành nông nghiệp đã khiến cho môi trường nước ô nhiễm, môi trường đất bị suy thoái, độ phì kém, mất cân bằng dinh dưỡng làm giảm năng suất và chất lượng cây trồng, giảm đa dạng sinh học.

Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học diễn ra ngày một nghiêm trọng. 21% các loài thú, 6,5% các loài chim, 19% các loài bò sát, 24% các loài lưỡng cư, 38% các loài cá và 2,5% các loài thực vật có mạch bị đe dọa tuyệt chủng. Trong đó, có 4 loài động vật đã tuyệt chủng, 5 loài tuyệt chủng trong thiên nhiên, 48 loài rất nguy cấp và 113 loài nguy cấp; 37 loài thực vật rất nguy cấp, 178 loài nguy cấp(16)

Trong gần 20 năm trở lại đây, các khu vực có rừng là sinh cảnh bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 10.544 kmdiện tích đất rừng đã bị mất do chuyển đổi thành đất rừng trồng và đất trồng cây ăn quả. Khoảng 2,8 triệu ha rừng tự nhiên cũng bị mất do chuyển đổi sang phát triển các loài cây trồng thương mại(17).

Với ngành công thương, trình độ công nghệ, thiết bị lạc hậu còn chiếm tỷ lệ cao, hệ thống pháp luật và chính sách về bảo vệ môi trường chưa phù hợp với thực tiễn và thiếu ổn định nên vẫn còn nhiều “sự cố”, “điểm nóng” về môi trường. Giai đoạn 2010-2020, đã phát hiện 170.875 vụ vi phạm pháp luật về môi trường. 

Đến hết năm 2020, cả nước mới có 141/730 cụm công nghiệp đã hoạt động (chiếm 19,3%) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động(18). Tỷ lệ các khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%, nhiều khu công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không vận hành, vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp. Trong khi đó, khoảng 70% trong số hơn một triệu mnước thải mỗi ngày, đêm phát sinh từ các khu công nghiệp được xả thẳng ra nguồn tiếp nhận mà không qua xử lý(19).

Chỉ tính riêng cụm công nghiệp Thanh Lương tại Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 500.000mnước thải/ngày thải ra từ các nhà máy bột giặt, giấy nhuộm. Thành phố Hà Nội có khoảng 350.000m- 400.000mnước thải xả ra mỗi ngày, nhưng chỉ có 10% được xử lý, còn lại xả trực tiếp vào sông ngòi(20).

Bên cạnh đó, một số các doanh nghiệp thậm chí nhập khẩu trái phép chất thải, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu khiến cho Việt Nam có nguy cơ trở thành “bãi rác công nghiệp”. Tình trạng rác thải rắn, chất thải nguy hại ở các khu đô thị chưa được xử lý đúng cách; các vụ ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật, ngộ độc thực phẩm gia tăng… đã làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có tỷ lệ ung thư cao nhất do ô nhiễm không khí (đứng thứ 17). Trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao tại Việt Nam có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Năm 2016, hơn 60.000 người tử vong do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí (21).

Ô nhiễm nguồn nước cũng là một trong những tác nhân dẫn đến tử vong cao. Mỗi năm có đến 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém. Có khoảng 20.000 người mắc bệnh ung thư, nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước; 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng do thiếu nước sạch và vệ sinh kém(22).

Tình trạng thải bỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại ruộng, ao hồ, kênh mương, sông suối là khá phổ biến. Năm 2020, vẫn còn 49,37% tổng số xã không có điểm thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật(23). Tỷ lệ chất thải nông nghiệp được thu gom, xử lý theo quy định thấp đã làm gia tăng phát thải khí nhà kính, đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu. 

Bên cạnh đó, phương thức canh tác quảng canh, chặt phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, ngập mặn đã làm giảm diện tích rừng nguyên sinh, phần lớn rừng tự nhiên hiện nay còn lại là rừng nghèo.

Chất lượng rừng đầu nguồn và diện tích rừng ngập mặn suy giảm nhanh. Một phần diện tích đất trồng trọt ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn, làm cho diện tích đất canh tác giảm, từ đó,hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3 - 4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Tại đồng bằng sông Cửu Long, nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích đất ở vùng này và ước tính, có khoảng 85% người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cần được hỗ trợ (24)

Biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất, quy mô và cường độ các thiên tai như: lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, diện tích rừng ngập mặn tự nhiên suy giảm do mở rộng diện tích nuôi ngao, nuôi tôm, cua, diện tích ngập nước nhân tạo ngày càng mở rộng đã làm mất đi sự cân bằng sinh thái, hủy hoại sự đa dạng sinh học vùng ngập nước ven biển. 

Tình trạng khai thác cạn kiệt tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế người dân trong vùng. Thí dụ, sự cố Formasa Hà Tĩnh đã ảnh hưởng trực tiếp, làm thiệt hại sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng; diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh(25).

Tại Thanh Hóa, năm 2021, liên tiếp xảy ra tình trạng cá, tôm và ngao nuôi chết hàng loạt. Trong những tháng đầu năm 2022, xã Hải Lộc và Đa Lộc (Hậu Lộc) đã xảy ra hiện tượng ngao nuôi của 176 hộ nuôi, tổng diện tích 350 ha bị chết, với tỷ lệ chết từ 5 - 30%(26).

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu làm suy giảm diện tích đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sinh kế sinh của nông dân và an ninh lương thực. Hiện cả nước có hơn 9 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó khoảng 4 triệu ha đất trồng lúa, diện tích này đang bị suy giảm. Trung bình mỗi năm, chuyển 74.000 ha đất nông nghiệp phục vụ xây công trình nhà ở, đô thị và khu công nghiệp. Tốc độ mất đất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu là 1%. Năm 2010, diện tích đất lúa trên toàn quốc đã giảm gần 379 nghìn ha, giảm nhiều nhất là thành phố Hồ Chí Minh 3.045ha, Tây Ninh 2.764ha, Long An 2.697ha, Tiền Giang 1.875ha, Bến Tre 1.725ha, Hải Dương 1.642ha, thành phố Hà Nội 1.067ha, Hưng Yên 943ha… Việc mất đất sẽ đẩy cuộc sống người dân vào khó khăn, nông dân thiếu ruộng, thiếu việc làm, đe dọa đến an ninh lương thực(27).

3. Một số giải pháp

Để bảo đảm an ninh môi trường nhằm phát triển bền vững về xã hội ở nước ta, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bảo đảm an ninh môi trường để phát triển bền vững xã hội

Cần tăng cường tuyên truyền về an ninh môi trường và phát triển bền vững qua các phương tiện truyền thông đại chúng; lồng ghép vào các chương trình bồi dưỡng, chương trình các cấp học phổ thông vấn đề môi trường và tính tất yếu phải bảo đảm an ninh môi trường, phát triển bền vững, kinh nghiệm thành công trên thế giới và bài học cho Việt Nam…

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, lối sống trách nhiệm, thân thiện với môi trường; bảo vệ an ninh môi trường trở thành ý thức và hành động của mỗi thành viên trong cộng đồng, trở thành nếp sống của các cá nhân trong xã hội, để an ninh môi trường thực sự trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu của an ninh quốc gia. Cần quán triệt quan điểm không đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện đánh giá tác động môi trường trong mọi dự án đầu tư. Lồng ghép an ninh môi trường trong các chính sách phát triển kinh tế, xã hội.

Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường và an ninh môi trường 

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành có thẩm quyền hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, xây dựng lộ trình áp dụng hàng rào kỹ thuật ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch chuyển công nghệ lạc hậu vào nước ta. Cần thành lập cơ quan chuyên trách bảo đảm an ninh môi trường quốc gia. Kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về môi trường từ Trung ương đến địa phương để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong tình hình mới.

Ba là, nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo khí hậu, thiên tai. Cần ứng dụng khoa học - công nghệ vào nâng cao năng lực dự báo khí tượng, thủy văn và giám sát, cảnh báo khí hậu, qua đó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Cần huy động sự vào cuộc của các địa phương trong việc rà soát, giám sát chặt chẽ các dự án, các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm các dự án, các cơ sở sản xuất vận hành an toàn, không để xảy ra sự cố môi trường. 

Vận hành hiệu quả đường dây nóng về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến địa phương để giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường ngay từ cơ sở. Ngoài ra, lồng ghép kịch bản biến đổi khí hậu trong các chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và cả nước. Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường. Ngăn chặn nạn phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, săn bắt động vật, nguồn lợi thủy sản. Kiên quyết cấm nhập khẩu rác thải công nghiệp; cấm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo quản thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình xả thải chưa qua xử lý vào môi trường.

Bốn là, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn 

Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Xây dựng, nhân rộng các mô hình công nghiệp sinh thái; mô hình khu, cụm công nghiệp, làng nghề sinh thái. Để đạt được mục tiêu trên, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển sang ứng dụng kinh tế tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, hạn chế phát thải như: chính sách hỗ trợ vốn vay; miễn giảm thuế nhập khẩu với các dự án đầu tư có nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ xanh, sạch, sản xuất có tính tuần hoàn v.v... 

_________________

(1), (2), (5), (9), (10) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê tóm tắt 2015, tr.141; Niên giám thống kê tóm tắt 2020, tr.295.

(3) Thông cáo báo chí về kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020, https://www.gso.gov.vn.

(4) Những kết quả nổi bật của ngành Công Thương thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, https://moit.gov.vn, ngày 02-01-2022.

(6) Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị triển khai đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, Hà Nội, ngày 02-11-2020.

(7) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hội nghị triển khai đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, Hà Nội, ngày 02-11-2020

(8) Xem: Phúc Nguyễn: Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, https://nhandan.vn, ngày 18-01- 2020.

(11) Tính toán từ số liệu Tổng cục Thống kê các năm 2011-2020.

(12) Tổng Cục Thống kê: Niên giám thống kê năm 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2021, tr.191.

(13), (14) Tổng Cục Thống kê: Báo cáo chỉ số phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, Hà Nội, 2021, tr.13, 11.

(15) Minh Hoa: Chỉ số phát triển con người của Việt Nam: Nhìn rõ hạn chế để cải thiện, https://www.nguoiduatin.vn, ngày 07-05-2022.

(16) Báo cáo bức tranh đa dạng sinh học của Việt Nam: Phân tích tác động từ các ngành kinh tế để giải quyết vấn đề suy thoái đa dạng sinh học, https://vietnam.panda.org, ngày 29-10-2021.

(17) Linh Chi: Tốc độ suy thoái đa dạng sinh học chưa từng có trong lịch sử, https://baotainguyenmoitruong.vn, ngày 29-07-2020.

(18) Phạm Thị Trúc Quỳnh, Trần Thị Lan Anh: Phát triển cụm công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, http://consosukien.vn,  ngày 07-09-2021.

(19) Ngọc Hân: Thực trạng và giải pháp bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 05-5-2021.

(20) VH (tổng hợp): Nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, https://dangcongsan.vn, ngày 19-10-2021.

(21) Tác động của ô nhiễm không khí với sức khỏe con người https://benhvienducgiang.com, ngày 26-08-2019.

(22) Hồng Mai: Ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường với sức khỏe con người, http://ytehagiang.org.vn, ngày 05-6-2022.

(23) Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí về kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020, https://www.gso.gov.vn.

(24) Chi Khôi: Công bố sách trắng về biến đổi khí hậu tác động đến nông nghiệp http://vmha.gov.vn, ngày 06-5-2022.

(25) Các vụ gây ô nhiễm môi trường trong những năm gần đây, https://tuoitrequangngai.net, ngày 20-8-2021

(26) Lê Hợi: Nuôi trồng thủy sản ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu https://baothanhhoa.vn, ngày 04-6-2022.

(27) Hữu Hoài: Nhiều hệ lụy khi nông dân thiếu ruộnghttp://hanoimoi.com.vn, ngày 18-7-2011.

TS NGUYỄN THỊ MINH TÂN

Viện Kinh tế chính trị học

TS NGUYỄN THỊ MIỀN

Viện Kinh tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

...