25/12/2024 lúc 07:50 (GMT+7)
Breaking News

Báo chí với sứ mệnh truyền thông chính sách

Truyền thông chính sách hiểu một cách đơn giản là hình thức tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, với mục đích làm sao để mọi chính sách phải được chuyển tải một cách hiệu quả nhất trên tinh thần “lấy dân làm gốc”, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Ảnh minh họa - Internet

Có thể khẳng định, làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác này sẽ mở ra những nguồn lực không nhỏ, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách.

Thực tế cho thấy, truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào đời sống xã hội, hòa quyện hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách; đưa chính sách đến với người dân - đối tượng trực tiếp thụ hưởng, chịu tác động của chính sách - một cách hữu hiệu nhất. Điều này sẽ gia tăng hiệu quả, hiệu lực của chính sách. Ngược lại, thời gian qua, một số chủ trương, chính sách mặc dù đúng đắn, nhưng do công tác truyền thông không tốt nên đã không bám sát với thực tiễn cuộc sống, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội cũng như mang lại hiệu quả khi áp dụng.

Trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, truyền thông chính sách là một phần đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, một lẽ dĩ nhiên, báo chí và các loại hình truyền thông khác, với ưu thế nhanh chóng cập nhật và lan tỏa thông tin, đặc biệt trong bối cảnh thừa hưởng những thành quả của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 với cách thức hoạt động đa nền tảng, đa phương tiện như hiện tại, chắc chắn là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện công tác truyền thông chính sách.

Vai trò của báo chí trong công tác truyền thông chính sách

Trước hết, cần xác định rõ hệ thống báo chí ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm: Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các báo, đài, các trang thông tin điện tử tổng hợp, hệ thống thông tin ở cơ sở, các phương thức truyền thông mới qua mạng xã hội, tin nhắn qua hệ thống viễn thông... Với lực lượng hùng hậu như vậy, nếu có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ, chủ động, đồng bộ, khoa học giữa cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách với các cơ quan thông tấn báo chí, chắc chắn công tác truyền thông chính sách sẽ có được sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng và hiệu quả đến đông đảo người dân.

Lâu nay, cơ quan báo chí vẫn thực hiện sứ mệnh làm cầu nối giữa Đảng và chính quyền đối với nhân dân; thực sự là diễn đàn dân chủ, là kênh thông tin hai chiều, phản ánh chân thực, trách nhiệm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đối với công tác truyền thông chính sách, với lợi thế sẵn có khối lượng độc giả, khán thính giả lớn, báo chí là một trong những kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả nhất. Ở chiều ngược lại, báo chí cũng là nơi phản ánh những đề xuất, kiến nghị của người dân tới các cấp chính quyền về các chính sách, quy định pháp luật chưa thật phù hợp, về những bất cập, vướng mắc, bức xúc trong việc thực thi và chấp hành pháp luật.

Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách còn là vấn đề tuyên truyền từ sớm, từ xa với một kịch bản được xây dựng công phu, chi tiết cho các giai đoạn trước, trong, sau khi ban hành chính sách. Có nghĩa là, ngay khi các cơ quan soạn thảo chính sách bắt tay vào xây dựng dự thảo, cơ quan báo chí đã phải lập tức vào cuộc để “xới xáo” mở đường cho những vấn đề mới, những nội dung sẽ thay đổi, những tác động đến người dân cũng như đời sống xã hội... của chính sách mới. Thực hiện tốt công đoạn này, phần nào đó báo chí đã phát huy vai trò định hướng dư luận, đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội, giúp người dân sớm nắm bắt thông tin, thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân trong việc xây dựng, góp ý, thậm chí phản biện tích cực. Bên cạnh đó, vào cuộc từ sớm, từ xa còn để kịp thời phát hiện và xử lý những thông tin nhiễu loạn, sai lệch... gây bất lợi cho quá trình tuyên truyền (đặc biệt trong bối cảnh công tác truyền thông chính sách trên các nền tảng công nghệ với khả năng tương tác cao rất dễ xuất hiện những bình luận, nhận xét có tính chất xuyên tạc, bóp méo, cực đoan, chống phá, từ đó sẽ phần nào tác động tiêu cực đến người dân).

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ cùng với công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ, hiện nay hầu hết các cơ quan báo chí đều hoạt động theo phương thức đa nền tảng, đa phương tiện, tích hợp cả báo viết, báo nói và báo hình, tạo nên một hệ sinh thái truyền thông đa dạng, phong phú. Đây chính là yếu tố quan trọng để công tác truyền thông chính sách trở nên sinh động, hấp dẫn, thay vì các hình thức khô khan, thiếu cuốn hút như trước đây. 

Cũng với lợi thế của việc ứng dụng công nghệ, cơ quan báo chí hoàn toàn có thể rà quét, phân tích dữ liệu người dùng để tạo nên những công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả công tác truyền thông chính sách. Thao tác này sẽ đưa đến những đánh giá, đo đếm chính xác những thông tin được người dân quan tâm, những phương thức, cách thức tuyên truyền hiệu quả cao nhất, để từ đó có sự điều tiết, định hướng xu hướng truyền thông, thông tin.

Thực trạng công tác truyền thông chính sách trên báo chí thời gian qua

Có thể khẳng định rằng, công tác truyền thông chính sách trong thời gian qua đã được các cơ quan báo chí quan tâm, chú trọng, góp phần hết sức to lớn vào việc tuyên truyền kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương... Trên tinh thần bám sát thực tế, với vai trò là cầu nối giữa nhân dân và các cấp chính quyền, công tác truyền thông chính sách đã được cơ quan báo chí thực hiện chủ động, kịp thời với nhiều cách làm sáng tạo trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, mang lại hiệu quả cao, phù hợp với nội dung tuyên truyền, tình hình, điều kiện và bối cảnh của từng cơ quan, địa phương, đơn vị.

Bên cạnh việc tuyên truyền chính sách, cơ quan báo chí cũng đã kịp thời phát hiện, phản bác lại những quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, cố tình xuyên tạc gây nhiễu loạn, làm sai lệch các chủ trương, chính sách, từ đó góp phần định hướng dư luận, tạo sự ổn định, đồng thuận xã hội, trấn an tâm lý người dân. Trong quá trình truyền thông, báo chí cũng đã nhanh chóng phát hiện những bất cập, bất hợp lý, những quy định không phù hợp, thiếu điều chỉnh, lỗi thời, chồng chéo, những vấn đề còn bỏ ngỏ… để đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.

Các hình thức truyền thông chính sách cũng được các cơ quan báo chí đầu tư, chăm chút, đặc biệt với sự ứng dụng đầu tư công nghệ đã tạo sự mới mẻ, lôi cuốn, sinh động, hấp dẫn, trực diện, đáp ứng nhu cầu tiếp cận, tương tác mọi lúc, mọi nơi, đa nền tảng, đa phương tiện của người dân. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác này cũng vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế. Trước hết, đó là sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì soạn thảo, ban hành chính sách với các cơ quan báo chí. Câu chuyện này đến từ hai phía: Phía cơ quan chủ trì soạn thảo, ban hành chính sách chưa thực sự chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí, dẫn đến việc các cơ quan báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để giải thích cho người dân hiểu chính sách. Sự thiếu chủ động này làm cho phía các cơ quan báo chí không xây dựng được kế hoạch mang tính chất dài hơi, bài bản từ sớm, từ xa, thậm chí đôi khi bị động do thiếu thông tin dẫn đến công tác tuyên truyền không đạt hiệu quả như mong muốn. Thực tế cho thấy, không ít sự cố “khủng hoảng truyền thông” liên quan đến việc thực thi các chủ trương, chính sách đều bắt nguồn từ việc thiếu chủ động cung cấp thông tin hoặc truyền thông chưa đúng, chưa hiệu quả...

Có một thực tế cần phải thừa nhận rằng, thời gian qua báo chí mới dừng lại ở câu chuyện “thông tin”, hay nói cách khác là “đưa tin” về chính sách. Hầu hết mới chỉ tập trung tuyên truyền khi chính sách đã hoàn thiện bản dự thảo và được đem ra lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, thậm chí là khi chính sách đã được ban hành; phần nào đó chú trọng xử lý các sự vụ, chưa có nhiều đánh giá tác động chính sách, tác động truyền thông trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi chính sách. Điều này khiến cho người dân chỉ tiếp nhận được một phần thông tin, không nắm được quá trình nghiên cứu, xây dựng và ban hành chính sách, dẫn đến việc chưa tác động được nhiều đến nhận thức để nhân dân hiểu, nắm vững và làm theo.

Công tác truyền thông chính sách trên báo chí cũng chưa lượng hóa được thành các số liệu để phân tích, đánh giá mức độ hiệu quả. Chưa chú trọng xây dựng những công cụ để đo đếm, rà quét, thu thập phân tích dữ liệu người dùng để từ đó điều tiết, định hướng thông tin, lựa chọn những phương thức thể hiện thích hợp và đặc biệt là để gợi ý, cung cấp những nội dung mà người dân quan tâm. Vẫn còn sự mất cân đối giữa công tác truyền thông chính sách về chính trị, kinh tế với truyền thông chính sách về văn hóa. Về hình thức thể hiện, mặc dù các cơ quan báo chí đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ để đem đến những sản phẩm tinh gọn, sinh động, bắt mắt, hấp dẫn, nhưng do chưa có một kế hoạch dài hơi nên sự đầu tư vẫn còn thiếu chiều sâu, không thực sự bài bản nên sự lan tỏa, thu hút chưa xứng với tiềm năng sẵn có.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến công tác truyền thông chính sách trên báo chí thời gian qua là do kinh tế báo chí gặp nhiều khó khăn, dẫn đến sụt giảm nguồn thu từ hoạt động quảng cáo. Báo chí chính thống đang “hụt hơi” trong cuộc đua thu hút doanh thu quảng cáo trực tuyến với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Điều đó dẫn đến việc nguồn kinh phí phục vụ cho công tác truyền thông chính sách ngày càng eo hẹp. Bên cạnh đó, do thiếu nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ nên báo chí chính thống trở nên yếu thế trước các nền tảng mạng xã hội trong việc thu hút người dùng, không thể trở thành dòng chủ lưu để chiếm lĩnh, dẫn dắt thông tin, từ đó định hướng dư luận, truyền thông chính sách hiệu quả.

Nguyễn Anh Vũ - Báo Văn hóa