13/01/2025 lúc 06:32 (GMT+7)
Breaking News

Báo chí trong lộ trình bước ra tự chủ

VNHN - Tự chủ trong báo chí không còn là xu hướng, mà đã trở thành kế hoạch cụ thể 'nóng hổi' đối với từng cơ quan báo chí truyền thông.

VNHN - Tự chủ trong báo chí không còn là xu hướng, mà đã trở thành kế hoạch cụ thể 'nóng hổi' đối với từng cơ quan báo chí truyền thông.

Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) đang tích cực triển khai Nghị quyết 18/NQ-TW về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Nghị quyết 19/NQ-TW về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập" và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL.

Đặc biệt, báo chí cũng đang trong lộ trình triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, việc tự chủ trong báo chí không còn là xu hướng, mà đã trở thành kế hoạch cụ thể đặt trên bàn của từng Tòa soạn.

Doanh thu báo chí sụt giảm

Trước đây, vào giữa những năm 80 thế kỷ XX về trước, báo chí cách mạng Việt Nam tồn tại hoàn toàn trong cơ chế bao cấp. Từ trụ sở, phương tiện làm việc đến lương bổng, in ấn, phát hành, xuất bản… đều do Nhà nước bao cấp. Suốt một thời gian dài, dù sống trong hòa bình, thống nhất, báo chí nước ta, nhất là đời sống của những người làm báo vẫn gặp nhiều khó khăn.

Công cuộc đổi mới, nhất là đổi mới về kinh tế, chuyển từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường với sự phát triển của nhiều thành phần kinh tế đã làm cho đất nước thay da, đổi thịt. Hòa trong dòng chảy phát triển đi lên của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đã có những chuyển dịch mang tính khởi sắc, nhiều tờ báo đã sớm chuyển từ bao cấp sang mô hình hạch toán kinh doanh và tự cân đối được thu chi.

Tuy nhiên đó là câu chuyện nhiều năm trước của những tờ báo có xu hướng “đi tắt đón đầu”. Tại thời điểm này, khi thị trường báo chí cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các loại hình báo chí sau thời gian không ngừng phát huy hết thế mạnh để chiếm lĩnh phân chia thị phần thì trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin với sự bùng nổ các thiết bị thông minh mới, báo giấy - sản phẩm được coi là nền tảng của báo chí cách mạng, thị phần bị thu hẹp đáng kể.

Trong bối cảnh đối tượng độc giả không gia tăng là mấy, thì số lượng đầu báo và các ấn phẩm lại không ngừng tăng, khiến cho câu chuyện tự chủ báo chí giờ đây trở thành một thách thức lớn. Theo chia sẻ của lãnh đạo một số tờ báo có lượng phát hành “khủng” một thời thì “so với 10 năm trước chẳng khác nào đang ở trên đỉnh rồi tuột thẳng xuống vực”. Nguồn thu từ quảng cáo trên báo giấy cũng giảm sút hơn một nửa. Tổng Biên tập một tờ báo đã tự chủ 100% về tài chính 20 năm cũng thừa nhận: “Gần đây, khó khăn thực sự khi thị phần báo giấy ngày càng thu hẹp. Lượng phát hành giảm, quảng cáo giảm khiến nguồn thu báo giấy mất hơn một nửa”.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng xác nhận, trong những năm qua, một số cơ quan báo chí có doanh thu cao trước đây tiếp tục sụt giảm doanh thu đáng kể. Trong khi đó, quảng cáo trên báo điện tử vẫn tăng trưởng chậm, phần lớn quảng cáo chỉ tập trung ở một số báo điện tử có số lượng người truy cập lớn.

Cũng theo cơ quan quản lý này cho biết, hiện có 300/857 cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Trong khi cơ quan báo Đảng phần lớn được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thì báo của các bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể phần lớn tự hạch toán, tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Báo chí hiện nay đang tích cực triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Theo đó, toàn ngành sẽ sắp xếp và cơ cấu lại. Trong qua trình triển khai lộ trình này, ngoài những tờ báo có chức năng nhiệm vụ đặc thù cần phải được Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động, còn lại hầu hết các tòa soạn đều có xu hướng bước ra tự chủ về tài chính.

Báo chí trước nay tồn tại 3 hình thức: được ngân sách Nhà nước bao cấp toàn bộ hoặc một phần; được cơ quan chủ quản bao cấp một phần, tự cân đối thu chi; và tự chủ hoàn toàn về tài chính. Đối với những cơ quan báo chí đã sớm tự chủ hoàn toàn về tài chính thì vẫn có thể trụ vững, có chăng họ sẽ điều chỉnh chiến lược phù hợp với bối cảnh mới. Tuy nhiên, đối với với 2 hình thức tòa soạn còn lại muốn làm gì cũng sẽ phải đối mặt với bài toán “lấy ngân sách ở đâu để đầu tư?".

Bước ra tự chủ đồng nghĩa với đơn vị báo chí cũng giống như doanh nghiệp, làm thế nào để có ngân sách vận hành bộ máy như: chi trả lương, thưởng, nhuận bút, văn phòng phẩm... Một điều khó hơn so với doanh nghiệp và cũng là khó nhất của báo chí bước ra tự chủ, đó chính là định hướng nội dung thông tin, bởi báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, vì thế không thể vì chuyện tăng doanh thu mà để bị cuốn vào cơn lốc “lá cải hóa”, xa rời tôn chỉ mục đích. Thông tin thế nào để vừa trung thực khách quan, đúng bản chất sự thật mà lại hấp dẫn, thu hút nhiều kiểu thị hiếu khác nhau của độc giả là một lời giải luôn đặt ra đối với mỗi tòa soạn, trước mỗi quyết định xuất bản một tin, bài.

Báo chí bước ra tự chủ: Khó cũng phải làm!

Việt Nam đang phát triển theo hướng kinh tế thị trường, đương nhiên hầu hết các ngành hoạt động đều có mang trong mình (hoặc ít hoặc nhiều) yếu tố thương mại hóa. Thương mại hóa ở đây phải hiểu theo ý nghĩa của sự tiến hóa xã hội. Nghĩa là nó giúp cho việc xóa bỏ chế độ hành chính bao cấp nhanh chóng, giúp cho việc mở rộng quyền tự chủ, sáng tạo, giúp cho việc xã hội hóa thuận lợi, giúp cho sự củng cố bền vững ngành hoạt động của mình. Chấp nhận yếu tố thương mại hóa ở một số ngành lao động trí óc như văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế, báo chí... là một thái độ thức thời, đúng đắn, là một quan niệm thời đại có tính tích cực.

Vậy thì quay lại câu chuyện của báo chí với cụm từ “thương mại hóa báo chí”, chúng ta cần phân biệt rõ ràng: Khi tờ báo cố tình chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, kể cả sử dụng những kỹ thuật câu khách rẻ tiền để thu lợi trước mắt thì đáng bị lên án. Nhưng những tờ báo đặt mục tiêu tăng lượng phát hành, mở rộng hợp tác nhằm xây dựng các chương trình kênh, sóng, ấn phẩm có chất lượng cao, ký kết nhiều quảng cáo để cân đối thu chi, và có nguồn thu đầu tư lại cho công nghệ làm báo hiện đại với mục đích nâng cao chất lượng, nâng cấp hình thức truyền tải phục vụ nhu cầu ngày càng cao của độc giả thì không thể xem là “thương mại hóa” theo nghĩa tiêu cực được.

Các tòa soạn sẽ hoạt động không dựa vào ngân sách Nhà nước hay cơ quan chủ quản mà sẽ tự tạo ra nguồn thu qua việc xuất bản ấn phẩm, ký kết quảng cáo và tự tiến hành hạch toán chi tiêu. Vì thế, những câu chuyện như một tòa soạn nhận hỗ trợ kinh phí từ một tổ chức hay doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin một chuyên mục, cần được xem là bình thường và sẽ ngày càng trở nên phổ biến đúng với quy luật phát triển. Lúc này, báo chí là nguồn, kênh phản ánh chính về đối tượng thông tin, đồng hành, hỗ trợ báo chí sẽ có thêm đối tác hợp tác truyền thông. Mối quan hệ này dựa trên việc hai bên cùng hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả thông tin.

Việc đi tìm lời giải cho vấn đề tự chủ đã nảy sinh nhiều xu hướng phát triển của từng tòa soạn, tờ báo. Một điều tòa soạn nào cũng nhìn thấy ngay đó là cần nâng cao chất lượng thông tin, nâng cấp hình thức truyền tải nhằm thu hút đông đảo độc giả, từ đó phát triển phần giá trị gia tăng bù đắp lại nguồn thu xưa nay vẫn được bao cấp. Nhưng như đã đề cập ở trên, báo chí không giống hẳn một doanh nghiệp và một nguyên tắc bất di bất dịch là tại Việt Nam không có báo chí tư nhân, vì thế cho dù thế nào thông tin đúng chủ trương, đường lối vẫn phải đặt lên hàng đầu rồi mới đến vấn đề tài chính. Do vậy, hầu như các tòa soạn vẫn ở tình trạng phải “lấy ngắn nuôi dài”.

Và thế là, trong quá trình không ngừng cân đối để tồn tại và hoạt động đúng chức năng, nhiều tòa soạn buộc phải đẩy mạnh công tác truyền thông quảng cáo, đầu tư nội dung nhằm tăng độ phủ của thương hiệu tờ báo cùng các ẩn phẩm song hành, từ đó tạo ra nguồn thu giá trị gia tăng. Tại những tòa soạn không có bộ phận truyền thông riêng, cho dù tòa soạn không có chủ trương, thì mỗi phóng viên, nhà báo vì tâm huyết với sự sống còn của tòa soạn sẽ “một gánh hai vai”, vừa làm công tác chuyên môn, vừa tranh thủ vận động đối tác cùng cộng đồng chia sẻ, nâng cấp cách truyền tải, nhằm tạo ra hiệu ứng và hiệu quả thông tin mạnh mẽ hơn.

Trên thực tế một số tòa soạn cũng thực hiện khoán, định mức việc phát hành ấn phẩm, chỉ số traffic (lượng người truy cập) và cả doanh thu quảng cáo truyền thông. Áp lực từ bài toán kinh tế, cùng những cám dỗ từ mặt trái của cơ chế thị trường, đặc biệt do thiếu bản lĩnh chính trị, không thường xuyên trau dồi đạo đức báo chí và đạo đức công vụ, một bộ phận người làm báo đã “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” biểu hiện qua các hành vi như: xem nhẹ chức năng báo chí, thông tin sai sự thật, khai thác mặt trái xã hội với mức độ dày đặc, giật gân, vi phạm thuần phong mỹ tục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, thậm chí đi ngược lại lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, chống phá Nhà nước và chế độ. Bên cạnh đó, lợi dụng một số tờ báo gặp khó khăn về tài chính, đã xuất hiện hiện tượng "mua nhà báo" làm công cụ để tự đề cao, để hạ đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh và trong cả chính trị, để trả thù cá nhân, đế che chắn tội ác, bảo vệ tội phạm...

Từ đó đặt ra một vấn đề: Liệu có phải ngành báo chí đang chịu áp lực phi lý? Một lần nữa xin khẳng định lại báo chí cũng là một nghề chịu sự chi phối của cơ chế thị trường. Cho dù là nghề đặc thù mang tính chính trị, sản phẩm được tạo ra là thông tin nhưng thông tin vẫn có thể lưu thông dựa trên hai chiều: nhu cầu được thông tin của tòa soạn và cá nhân nhà báo muốn đem đến cho độc giả những tác phẩm hướng đến tính chân thiện mỹ (không nằm ngoài định hướng chính trị) giúp cho xã hội ngày càng phát triển văn minh, tiến bộ hơn.

Vì đã phát triển theo quy luật, chịu sự chi phối của thị trường, nghĩa là các cơ quan báo chí, mỗi nhà báo phải thừa nhận và chấp nhận tham gia quy luật đó. Nhìn ở góc độ tích cực khi cơ quan báo chí hoạt động hoàn toàn tự chủ, cũng đồng nghĩa với việc các tòa soạn đã giảm được gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, tự tạo ra cơ sở vật chất đáp ứng tốt hơn nhu cầu hoạt động đặc thù của công việc; các ấn phẩm của tòa soạn được độc giả ưa thích, thị trường đón nhận.

Vì lý do đó, các nhà báo hãy biến những áp lực tạm thời thành cơ hội, không ngừng nỗ lực cống hiến, giữ vững bản lĩnh chính trị nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nhà báo để sáng tạo ra những tác phẩm nhân văn có giá trị thông tin tuyên truyền, phù hợp với nhu cầu thực sự của số đông độc giả. Đồng thời, tích cực tham gia phát huy các kỹ năng truyền thông, nhằm tạo ra những nguồn thu mới một cách hợp pháp, chính đáng, góp phần xây dựng tòa soạn với thương hiệu báo vững mạnh, góp phần vào công cuộc đổi mới phát triển của báo chí nước nhà.