18/01/2025 lúc 03:49 (GMT+7)
Breaking News

Bánh răng bừa

VNHN – “Bánh răng bừa” là cái tên được dùng để đặt cho một loại bánh có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Chiếc bánh răng bừa nhỏ xinh nhưng mang đậm hồn quê bình dị là thứ quà sáng yêu thích của nhiều người.

VNHN – “Bánh răng bừa” là cái tên được dùng để đặt cho một loại bánh có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Chiếc bánh răng bừa nhỏ xinh nhưng mang đậm hồn quê bình dị là thứ quà sáng yêu thích của nhiều người.

Tương truyền, khi xưa vào một dịp diễn ra lễ hội đầu năm, để khích lệ người nông dân tăng gia sản xuất, vua Lê Hoàn đã đích thân xuống đồng cày ruộng. Và cảm tạ sự khích lệ của nhà vua, người nông dân đã làm ra thứ bánh, giống với thanh bừa, để tiến vua. Từ đó, thì món Bánh răng bừa được ra đời.

Những nơi khác gọi bánh này là bánh tẻ hoặc bánh lá, nhưng riêng người Thanh Hóa gọi tên bánh răng bừa như thế vì hình dạng chiếc bánh được làm trông giống cái răng bừa – hình ảnh một nông cụ quen thuộc của người dân.

Đây là loại bánh truyền thống thường được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán hay những khi nhà có công việc.


 

Thưởng thức bánh cùng với mắm chấm thì thật tuyệt vời

Món bánh được dùng làm vật phẩm tiến vua thì phải là những chiếc bánh ngon nhất, được làm từ những nguyên liệu ngon nhất, từ những người làm bánh giỏi nhất.

Để làm được một mẻ bánh răng bừa ngon, thì người làm bánh sẽ phải chuẩn bị loại gạo tẻ ngon, dẻo nhất. Đem ngâm trong nước lạnh khoảng 2- 3 tiếng, sau đó đem đi xay cùng với nước. Nếu gạo được xay bằng cối xay tay ngày xưa, thì bột gạo sẽ nhỏ và mịn hơn rất nhiều.

Bột gạo xay xong, cho bột nghỉ, thì người thợ bánh chuẩn bị nhân bánh. Nhân bánh răng bừa được làm từ hành khô, thịt ba chỉ băm nhỏ, mộc nhĩ trộn với hạt tiêu, muối vừa đủ. Cho lên bếp, xào chín.

 

Nhân làm bánh tẻ từ thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hành khô

Kế đến là chuẩn bị lá gói bánh, lá dong hoặc lá chuối ngự được dùng để gói bánh, sẽ làm bánh có mùi thơm rất đặc trưng khi quyện cùng với mùi thơm của nhân bánh.

Lá dong hay lá chuối ngự được cắt về, đem hơ qua lửa  nhằm tăng độ dẻo cho lá và khỏi rách, sau đó thì rửa sạch.

Lá dong dùng để gói bánh răng bừa

Bột bánh sau khi xay xong, cho vào một nồi to, được bắc lên bếp, từ đó người thợ sẽ phải khuấy đều tay, liên tục cho tới khi bột sệt lại và chín. Việc khuấy tay liên tục sẽ giúp cho bột dẻo và không bị khê, vì chỉ cần bột bị khê thì coi như hỏng tất mẻ bánh.

Bột bánh sau khi chín, được bắc xuống, người thợ sẽ phải gói thật nhanh để bột bánh không bị nguội, như vậy khi cho nhân bánh vào trong giữa, miệng bánh mới khép kín lại được.

Lá chuối ngự cũng được dùng để làm bánh

Khâu cuối cùng là hấp bánh, bánh được cho vào chõ và hấp cách thủy cho tới khi chín mềm, thường thì mất khoàng 20 – 30’ cho công đoạn cuối cùng này. Khi mùi thơm của thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu hòa với mùi bột gạo tỏa ra mùi thơm ngào ngạt căn bếp nhỏ, cũng là lúc báo hiệu bánh chín.

Bánh răng bừa khi gói xong

Cho bánh ra đĩa và thưởng thức, bánh có thể ăn kèm cùng với nước mắm chấm pha ớt nếu như ai đó muốn ăn cay, hoặc đậm đà hơn một chút thì quả là tuyệt vời.

Nếu có thể đến Thanh Hóa du ngoạn, và thưởng thức món bánh răng bừa do chính người dân nơi đây làm thì bạn sẽ cảm nhận hết được sự bình dị, tấm lòng mến khách của người dân nơi đây.